Vedan mới bù đắp một phần nhỏ thiệt hại của nông dân

Thứ Sáu, 13/08/2010, 10:38
Con số 120 tỷ đồng mới tính được một phần rất nhỏ thiệt hại về kinh tế của hơn 5.000 hộ nông dân, nó chưa thấm tháp vào đâu với những thiệt hại, khó khăn về cuộc sống mà những hộ nông dân này phải gánh chịu trong hơn 10 năm bị Vedan xả thải gây ô nhiễm.

Sau một thời gian "cò kè" với nông dân 4 xã: Phước Thái, Long Phước (huyện Long Thành), Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch) của tỉnh Đồng Nai, ngày 11/8, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận bồi thường cho 5.000 hộ nông dân bị thiệt hại về kinh tế do hành vi xả chất thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường trên sông Thị Vải.

Theo đó, mức bồi thường mà Công ty Vedan bồi thường cho 5.000 hộ nông dân 4 xã của hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch là 119.581.203.000 đồng (theo tính toán của Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP HCM). Việc bồi thường thiệt hại này được Công ty Vedan chia làm 2 đợt. Đợt đầu tiên, chuyển 50% tổng số tiền trên trong vòng 7 ngày, kể từ ngày UBND tỉnh Đồng Nai có thông báo bằng văn bản cho Công ty Vedan; số tiền còn lại sẽ được thanh toán từ ngày 10 đến 14/1/2011.

Như vậy, sau một thời gian dài "cù cưa" đến nay Công ty Vedan buộc phải bồi thường thiệt hại cho nông dân của Đồng Nai, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu theo đúng số tiền như kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên.

Có thể nói, Công ty Vedan chấp nhận phải bồi thường là thắng lợi bước đầu của hơn 5.000 hộ nông dân của tỉnh Đồng Nai. Con số gần 120 tỷ đồng xem ra rất lớn, nhưng thử làm phép tính chia cho hơn 5.000 hộ bị thiệt hại, thì bình quân mỗi hộ chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Con số 120 tỷ đồng mới tính được một phần rất nhỏ thiệt hại về kinh tế của hơn 5.000 hộ nông dân, nó chưa thấm tháp vào đâu với những thiệt hại, khó khăn về cuộc sống mà những hộ nông dân này phải gánh chịu trong hơn 10 năm bị Vedan xả thải gây ô nhiễm. Đó là chưa kể, trong những năm đó vì mất kế sinh nhai, các hộ nông dân bị rơi vào cảnh khó khăn triền miên gây thiệt hại về tinh thần; đồng thời, nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhiều hộ dân sống gần sông.

Khó khăn lớn nhất của tỉnh Đồng Nai hiện nay là việc thống kê xác định thiệt hại, định lượng được mức độ thiệt hại cho từng hộ dân để bồi thường. Kết luận của Viện Môi trường và Tài nguyên chỉ mới đưa ra một bản tính toán vùng ô nhiễm, tính toán mức độ thiệt hại, vấn đề còn lại là tỉnh Đồng Nai phải lồng ghép bản đồ, xác định thiệt hại cụ thể cho 5.000 hộ dân (diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích canh tác nông nghiệp, mức thiệt hại của người đánh bắt thủy hải sản…)

Công ty Vedan chấp nhận bồi thường, nhưng vụ việc Công ty Vedan chưa đi đến hồi kết vì các cơ quan chức năng các cấp ở tỉnh Đồng Nai phải tiến hành thận trọng theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nông dân bị thiệt hại. Ngoài việc bồi thường cho các hộ nông dân, cần phải buộc Công ty Vedan khắc phục hậu quả gây ô nhiễm cho sông Thị Vải

Thu Thảo
.
.
.