VNPT đảm bảo tốt “hậu cần kỹ thuật” phục vụ phiên họp Chính phủ trực tuyến đầu tiên

Thứ Ba, 31/03/2009, 16:43
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2009 diễn ra trong 3 ngày 30/3-1/4/2009 có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên áp dụng hình thức truyền hình trực, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT - Viễn thông để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành. Được giao việc triển khai lắp đặt, thiết bị phục vụ phiên họp trực tuyến này của Chính phủ, sau hơn 20 ngày đồng loạt ra quân chuẩn bị, VNPT đã đảm bảo tốt khâu “hậu cần kỹ thuật”, đóng góp vào thành công của phiên họp.
>> Ngày 30/3, Chính phủ họp thường kỳ trực tuyến đầu tiên

Thành công đầu tiên…

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2009 khai mạc sáng 30/3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng lần đầu tiên đã thực hiện nối mạng truyền hình trực tuyến với Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn thiện mạng trực tuyến nối phòng họp Chính phủ tới tất cả UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước; đánh giá cao lãnh đạo UBND 63 tỉnh thành phố tham dự đầy đủ và nghiêm túc phiên họp trực tuyến này.

Tại hội nghị, những tài liệu phục vụ phiên họp đều được tải lên trung tâm dữ liệu, sắp xếp, bố trí có hệ thống trong máy tính, tạo thuận lợi cho các thành viên Chính phủ cũng như Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, sử dụng để báo cáo và thảo luận.

Thông qua hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể nắm bắt ngay tình hình kinh tế - xã hội cả nước và có thể tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để triển khai thực hiện tốt nhất các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội được Chính phủ đề ra.

Trước đó, công tác chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ trực tuyến đầu tiên đã được hoàn tất vào chiều ngày 29/3 với cuộc tổng duyệt kỹ thuật tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ. Sau khi trực tiếp kiểm tra công tác kỹ thuật cũng như cách bố trí phòng họp phù hợp, điều chỉnh thiết bị kỹ thuật..., tại phòng họp lớn Chính phủ cũng như tại Văn phòng UBND của  63 tỉnh/thành phố được kết nối trực tuyến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật, phục vụ và yêu cầu đảm bảo chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt, không để sơ suất kỹ thuật ảnh hưởng đến phiên họp Chính phủ.

20 ngày đồng loạt "ra quân"

Ngay sau khi nhận được Công điện số 1411/CĐ-VPCP  của Thủ tướng Chính phủ về việc giao VNPT triển khai lắp đặt hạ tầng mạng, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên gồm Bưu điện Trung ương, Viễn thông các tỉnh/ thành phố và công ty Viễn thông liên tỉnh VTN triển khai các khâu chuẩn bị kỹ thuật cần thiết để đảm bảo kết nối thông suốt từ điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ với 63 điểm cầu tại Văn phòng UBND các tỉnh/ thành phố.

Anh Nguyễn Bá Hoành, Trưởng phòng Viễn thông và CNTT, Bưu điện Trung ương cho biết, "mặc dù đã có kinh nghiệm phục vụ các cuộc họp trực tuyến của Chính phủ song khác với những lần trước đây, số điểm cầu lên tới 64 điểm, nhiều nhất từ trước tới nay nên đòi hỏi năng lực xử lý kỹ thuật rất cao, đặc biệt là việc khử tải âm tiếng ồn, tiếng vọng. Do vậy, mọi khâu chuẩn bị đều được triển khai thận trọng từng bước. Các thiết bị kỹ thuật cần thiết như thiết bị định tuyến, truyền dẫn, cáp quang, thiết bị Hội nghị truyền hình… đã được các đơn vị thành viên VNPT phối hợp đồng bộ để lắp đặt tại các điểm cầu."

Song song với việc chuẩn bị thiết bị, ngày 12/3, Bưu điện Trung ương đã tổ chức 3 lớp đào tạo và tiếp nhận thiết bị cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các Viễn thông Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Viễn thông các tỉnh, thành phố đã chủ động liên hệ với Văn phòng UBND về việc bố trí hội trường, quản lý và lắp đặt cố định các thiết bị đầu cuối truyền hình hội nghị cùng các thiết bị phụ trợ khác.

Khâu kết nối và đo thử đã được thực hiện theo 3 khu vực, trong 3 ngày 20-22/3. Thông qua các buổi chạy thử, các cán bộ kỹ thuật của VNPT đã tinh chỉnh lại cả về kỹ thuật lẫn làm sao để tối ưu nhất về hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, đồng thời, rút kinh nghiệm và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh để đảm bảo phục vụ phiên họp Chính phủ một cách tốt nhất.

Toàn cảnh buổi tổng duyệt kỹ thuật Hội nghị truyền hình phục vụ Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tại Bưu điện Trung ương (thuộc VNPT).

Để đạt được kết quả tốt nhất cho phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến lịch sử này, trong thời gian vừa qua, Tập đoàn đã chuẩn bị phương tiện phần cứng, phần mềm, mạng Internet, truyền số liệu... nhằm phục vụ cho phiên họp trực tuyến thường kỳ của Chính phủ đạt chất lượng tốt nhất. Toàn bộ hệ thống nối mạng trực tuyến đã được lắp đặt hoàn thiện tại 63 tỉnh, thành phố. Ở mỗi địa phương đều có phòng họp chuyên dùng cho các cơ quan lãnh đạo địa phương bao gồm các hệ thống thiết bị đầu cuối, mỗi nơi có hai màn hình lớn chất lượng cao.

Ông Bùi Thiện Minh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: "Thời gian qua, các đơn vị thuộc Tập đoàn như Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, Cục Bưu điện Trung ương, Công ty Viễn thông liên tỉnh VTN... đã tiến hành lắp đặt nhanh, khẩn trương thiết bị tại Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng và Uỷ ban nhân dân của 63 tỉnh, thành. Hệ thống trang thiết bị được lắp đặt rất linh hoạt. Lãnh đạo Chính phủ có thể họp trực tuyến với các tỉnh, thành và các tỉnh, thành cũng có thể hop trực tuyến với nhau."

Nỗ lực phát triển Chính phủ điện tử

Tại phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ đã nghe hay trình bày báo cáo được hiển thị trên máy tính. Các tài liệu, báo cáo được các địa phương, Bộ, ngành chuyển về Văn phòng Chính phủ qua hệ thống thư điện tử, từ đó, sẽ được sắp xếp, phân loại và tải lên trung tâm dữ liệu. Trật tự tài liệu, báo cáo được bố trí hiển thị trên máy theo hướng tạo thuận lợi nhất cho các thành viên Chính phủ. Như vậy, lần đầu tiên tại một phiên họp Chính phủ thường kỳ, sẽ không còn xuất hiện những tập báo cáo dày - thay vào đó là tài liệu tồn tại chủ yếu dưới dạng số hóa…

Để phục vụ hội nghị truyền hình của Chính phủ, VNPT đã triển khai theo từng giai đoạn. Thứ nhất, VNPT triển khai pha 1 kết nối từ Văn phòng Chính phủ tới 63 tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn thành, và thành công. Pha 2 triển khai hạ tầng mạng xuống các sở, ban ngành cũng đang được triển khai mạnh. Pha 3 cũng sẽ triển khai trong năm 2009-2010. 

Những đơn vị của Tập đoàn có thể tham gia vào xây dựng hạ tầng ứng dụng Chính phủ điện tử như VDC, Bưu điện Trung ương hoặc những ứng dụng có tính chất địa phương thì các công ty phần mềm thuộc các đơn vị của VNPT như NetSoft TP Hồ Chí Minh, các công ty phần mềm của Hải Phòng, của Quảng Nam, của Đà Nẵng... sẵn sàng phối hợp và có thể xây dựng các phần mềm cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Cũng theo ông Bùi Thiện Minh: "Chúng tôi đã và đang xây dựng một hạ tầng chuyên dùng đảm bảo chất lượng cao, bảo mật và đảm bảo sẵn sàng cho tất cả các dịch vụ mà Chính phủ yêu cầu. Tập đoàn sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng các ứng dụng CNTT từng bước một theo yêu cầu của Chính phủ cũng như Uỷ ban nhân dân các cấp. Những đơn vị phần mềm lớn của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên ở các tỉnh, thành sẵn sàng tham gia, kể cả Bưu điện Trung ương."

Tiến sỹ Nguyễn Công Hóa, Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ nhận định rằng, việc tổ chức Phiên họp thường kỳ trực tuyến khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc ứng dụng thành tựu CNTT-viễn thông vào công tác chỉ đạo điều hành; là một trong những hoạt động thực hiện chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, góp phần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền hành chính nhà nước, nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

PV
.
.
.