VN mong muốn tiếp tục được các nhà tài trợ “tiếp sức”

Thứ Năm, 04/12/2008, 20:56
Phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 15, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng Hội nghị lần này sẽ trao đổi, thảo luận thẳng thắn với tinh thần tin cậy lẫn nhau, cùng hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng Việt Nam sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và tiếp tục nhận được nguồn tài trợ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ.

Sáng 4/12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 15 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương James W. Adams.

Hội nghị CG lần này không chỉ đánh dấu 15 năm tổ chức và nối lại quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế (1993-2008), mà còn là dịp để Việt Nam và các nhà tài trợ nhìn lại những thành tựu đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng, đổi mới trong thời gian tới.

Trân trọng đồng vốn ODA

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Chúng tôi luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Chủ tịch WB James W. Adams tại Hội nghị CG 2008. Ảnh: Tất Tiên.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của các nhà tài trợ vốn ODA cho Việt Nam trong suốt 14 năm qua bởi nhờ các khoản vốn và những kinh nghiệm phát triển quý báu từ nguồn ODA, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của Việt Nam đã được cải thiện và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, tăng cường thể chế, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Theo các con số thống kê mới nhất, sau 14 Hội nghị CG được tổ chức, Việt Nam đã có 51 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương có các chương trình ODA thường xuyên. Mức cam kết ODA hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Trong thời kỳ 1993 - 2007, tổng giá trị ODA cam kết đạt 42,438 tỷ USD, tổng vốn ODA ký kết đạt 32,109 tỷ USD, tương đương 75,66% tổng lượng ODA cam kết cùng kỳ; tổng vốn ODA giải ngân đạt 19,865 tỷ USD, tương đương 61,86% tổng lượng ODA ký kết cùng kỳ. Nguồn vốn ODA đã bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, chiếm 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong thời kỳ này.

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, dù tình hình phát triển kinh tế của nhiều nước tài trợ chủ chốt, thành viên Tổ chức OECD-DAC có nhiều khó khăn, nhưng nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, công tác thu hút và sử dụng ODA đã có tác dụng tích cực, hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010), giúp củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nguồn vốn ODA, đặc biệt là nguồn vốn ODA không hoàn lại, thông qua hỗ trợ kỹ thuật còn giúp Việt Nam xây dựng và hoàn thiện thể chế trong nhiều lĩnh vực quản lý, đào tạo đáng kể một đội ngũ cán bộ quản lý.

Giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2008 - năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và cũng là năm Việt Nam gặp nhiều khó khăn do lạm phát, giá cả trong nước tăng, nhập siêu lớn, Việt Nam đã chủ động đề ra và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đến nay, lạm phát đã được kiềm chế, tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 6 đã giảm dần (so với tháng trước chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,19%, tháng 11 giảm 0,76%; tính chung trong 3 tháng qua giảm trên 0,7%); xuất khẩu 11 tháng tăng hơn 34% so với cùng kỳ; nhập siêu giảm mạnh (ước tính cả năm nhập siêu khoảng 17,5 tỷ USD, tương đương 27,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2007); đầu tư nước ngoài tăng cao, vốn đăng ký đạt trên 60 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay; kinh tế vĩ mô được ổn định; tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%; thu ngân sách vượt 23,5% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước tính tăng 31% so với năm 2007; số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2008 tăng 2,5% so với năm 2007; các lĩnh vực xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,8% năm 2007 xuống còn 13,1%; số lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm 23% lao động cả nước…

Nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo với các nhà tài trợ 5 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế trong nước và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2006 - 2010.

Thủ tướng cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới chưa có khả năng kết thúc sớm, đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009 đối với Việt Nam là rất nặng nề, được thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng đánh giá cao nội dung thảo luận của Hội nghị lần này tập trung vào các chủ đề về tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách của Chính phủ; hài hòa hóa thủ tục và hiệu quả viện trợ; quản trị công và cải cách thể chế; biến đổi khí hậu; cam kết ODA và các hỗ trợ của cộng đồng tài trợ.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Hội nghị lần này sẽ trao đổi, thảo luận thẳng thắn với tinh thần tin cậy lẫn nhau, cùng hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng Việt Nam sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và tiếp tục nhận được nguồn tài trợ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ.

Cam kết của các nhà tài trợ

Cho đến trước cuộc họp CG hôm 4/12, đại diện WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn hứa sẽ giữ nguyên các cam kết tài trợ. Quyền Giám đốc quốc gia WB Martin Rama cho biết, WB có thể sẽ duy trì mức cam kết khoảng 1 tỷ USD vốn ODA một năm cho Việt Nam. WB đang cùng với Chính phủ Việt Nam xem xét các thủ tục để ký kết các hiệp định lớn trong năm 2009 bao gồm dự án phát triển thuỷ điện (100 triệu USD), dự án phát triển năng lượng tái tạo (150 triệu USD), dự án đảm bảo chất lượng đào tạo trường học (100 triệu USD).

Bên cạnh đó, WB cũng đã đồng ý cấp khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD với  lãi suất thấp trong vòng 3 năm tới, và Việt Nam được chọn là một trong năm quốc gia đang phát triển được ưu tiên vay vốn hỗ trợ ưu đãi không lãi suất của WB trong năm 2008.

Về phía ADB, trong năm tới, có thể ngân hàng này sẽ ký kết một loạt dự án tài trợ lớn cho Việt Nam gồm dự án sản xuất điện Cà Mau (400 triệu USD), dự án đường vành đai 2 tại TP Hồ Chí Minh (300 triệu USD).

Giám đốc quốc gia ADB Ayumi Konishi cho biết, để phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, ADB đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam và sẽ giới thiệu những sản phẩm và công cụ tài chính mới như cho vay đến các tỉnh và cho vay ngoài khu vực công, các sản phẩm tài chính mới và hoạt động nhiều hơn thông qua các trung gian tài chính.

Tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) thì nêu rõ, EU luôn tham gia mạnh mẽ trong quan hệ đối tác với Việt Nam, như là một đối tác lâu đời và như người bạn, trong những giai đoạn đầy biến động cũng như trong giai đoạn phồn thịnh. Đánh giá cao những tiến bộ mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc triển khai Tuyên bố Hà Nội về hiệu quả trợ giúp trong năm 2008, đặc biệt thông qua sự tham gia tích cực của Việt Nam vào diễn đàn cấp cao Accra lần thứ ba cũng như việc thực hiện Kế hoạch Hành động Accra, EU đang tiến hành những biện pháp cụ thể về vấn đề trợ giúp thông qua những hiệp định song phương và ủy thác vốn.

Hồi đầu năm, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố ý định mở rộng khoản vay ODA cho Việt Nam lên 65,3 tỉ yên (trên 700 triệu USD) trong nửa đầu năm tài khóa 2008 cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện giao thông và hệ thống thoát nước. Năm ngoái, trong số 5,4 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết, ODA của Nhật Bản lên đến 1,1 tỷ USD

Huyền Chi
.
.
.