Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2012:

Ưu tiên vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu

Thứ Bảy, 05/05/2012, 10:45
Khẳng định lạm phát đã được kiềm chế và khả thi ở một con số trong cả năm, song Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, nhất là lãi suất còn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, đình trệ sản xuất. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo việc "nới" vốn tín dụng, tạo điều kiện doanh nghiệp tiến cận vay vốn, trong đó ưu tiên vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động…

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Những nội dung này được Chính phủ đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2012, diễn ra ngày 3 và 4/5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chiều 4/5, Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin các nội dung liên quan.

Chính phủ đánh giá, nhiều chỉ số khả quan về kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,05% so tháng trước và tăng 2,6% so cuối năm 2011, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Lãi suất tín dụng tiếp tục giảm, thanh khoản hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị  trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách ước đạt 26% kế hoạch năm, vốn ODA giải ngân 4 tháng đầu năm tăng 1,4% so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận nhiều khó khăn đang nổi lên. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, dư nợ tín dụng giảm mạnh, khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, lượng hàng tồn kho lớn, một bộ phận doanh nghiệp ngừng hoạt động. Thu ngân sách  nhà nước thấp hơn so tiến độ các năm trước, nhập siêu giảm mạnh ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2012 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Anh.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng dành thời gian để thảo luận về các giải pháp xóa bỏ những rào cản chủ yếu trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư. Bốn nhóm rào cản chủ yếu là: nhóm rào cản xuất phát từ cơ chế kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế; tổ chức hệ thống kinh tế; các yếu tố đầu vào của nền sản xuất và nhóm rào cản xuất phát từ tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức, bám sát tình hình, kiên trì mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất, có giải pháp phù hợp và khẩn trương về phân loại nợ nhằm giúp các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cân bằng tài chính để tiến hành quan hệ tín dụng bình thường.

Khẩn trương tái cơ cấu ngân hàng thương mại, thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, khoanh nợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dễ tiếp cận vốn vay. Tập trung vốn tín dụng của Nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là về điện, giao thông. Kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhất là đối với những sản phẩm thiết yếu đối với cuộc sống. Chính phủ cũng chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc từ các doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động.

Sản xuất nông nghiệp cần được hỗ trợ vay vốn.

Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có biện pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm và giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, mở rộng diện giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích người tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát  triển hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội… Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động…

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ không có gói kích cầu nào được đưa ra trong thời điểm này, vì cần phải đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát

Phan Đăng
.
.
.