Tưng bừng lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương

Chủ Nhật, 05/04/2009, 08:31
Đúng 7h sáng 4/4 (tức 10-3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh trong Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại biểu các Bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, dâng hoa trước bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong" tại Khu di tích Đền Hùng.

Trong thời khắc thiêng liêng, hơn 80 triệu đồng bào cả nước cùng hàng triệu người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc cùng hướng về vùng đất thiêng của dân tộc để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vị Vua Hùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh - Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã thành kính làm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Sau đó, đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện các Bộ, ngành cùng hàng vạn đồng bào về dự lễ đã thành kính dâng hương trước Điện Kính Thiên và Lăng Hùng Vương.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã có buổi gặp gỡ kiều bào tiêu biểu 3 thế hệ về dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.

Từ Quốc Giỗ năm nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước sẽ trực tiếp tham gia góp giỗ tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Năm 2009 là năm đầu tiên thí điểm cả nước góp giỗ. Đây là việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên. Các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành cùng tham gia đầu tư tôn tạo, tu bổ xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng tôn nghiêm, bề thế, xứng tầm là nơi cội nguồn dân tộc; đồng thời tạo sự thống nhất về nghi thức tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Trong ngày 4/4, tại Đền thờ Vua Hùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương đã thành kính tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ công đức và thành kính tri ân đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, từ đó quyết tâm ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước như lời Bác Hồ dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2009 (Ảnh: TTXVN).

Sau khi tổ chức Lễ dâng hương và cúng giỗ long trọng, trang nghiêm, thành kính, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi. Ngày Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã thành ngày hội của đông đảo nhân dân. 

TP Hồ Chí Minh

Cùng nhân dân cả nước hướng về cội nguồn dân tộc, ngày 4/4, tại TP HCM, Lễ Giỗ Tổ cũng đồng loạt được tổ chức tại khá nhiều địa điểm khác nhau với quy mô hoành tráng.

Thay vì tổ chức tại Thảo Cầm Viên như trước đây, Lễ Giỗ chính do thành phố tổ chức năm nay được dời về Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc tại quận 9, địa chỉ vừa được chọn để đặt linh vị Quốc tổ.

Đến tham dự Lễ Giỗ có đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái… cùng đông đảo đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tại thành phố.

Ngay sau các nghi thức truyền thống được tiến hành trang trọng, tại đây còn diễn ra khá nhiều hoạt động khác: tổ chức các trò chơi dân gian, đêm biểu diễn nghệ thuật đặc biệt, chủ đề "Bản hùng ca Lạc Việt"…

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Lễ Giỗ Quốc Tổ cũng được tổ chức long trọng tại Khu du lịch Suối Tiên. Lễ rước kiệu "Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh tái hiện thời kỳ dựng nước, mở đầu các triều đại Hùng Vương với các huyền sử Trăm trứng, trăm con, Lang Liêu, Mai An Tiêm, Sơn Tinh, Thủy Tinh. Tham gia rước kiệu có đến 30 đoàn biểu diễn nghệ thuật đại diện cho 54 dân tộc anh em đến từ mọi miền Tổ quốc…

Riêng phần hội diễn ra thật tưng bừng, náo nhiệt, với sự tham gia của nhiều đoàn biểu diễn Lân, Sư, Rồng. Các chương trình sân khấu hóa truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, diễu hành "Ngọc ngà châu báu thần tiên hội"… Tỏ lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, 4.000 chiếc bánh chưng, bánh dày cũng đã được Ban tổ chức Lễ Giỗ dâng lên các Vua Hùng.

Có quy mô tổ chức hoành tráng không kém Suối Tiên, Công viên Văn hóa Đầm Sen cũng trở thành điểm thu hút một lượng khách du lịch cũng như người dân thành phố và các tỉnh lân cận trong ngày Lễ Giỗ.

Được tổ chức với quy mô nhỏ gọn hơn có Lễ Giỗ Tổ tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, Thảo Cầm Viên. Trước đó, một triển lãm chuyên đề "Thời đại Hùng Vương và văn hóa Đông Sơn" giới thiệu đặc trưng văn hóa của từng dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển đến năm 2020 của Công viên Văn hóa dân tộc, Khu tưởng niệm các Vua Hùng của thành phố cũng đã được tổ chức tại Công viên Lam Sơn, quận 1.

Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại TP HCM (nằm trong khuôn viên Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc, tại Vĩnh Thuận, phường Long Bình, quận 9) đã được khánh thành giai đoạn 1 và chính thức đi vào hoạt động ngày 4/4. Là một trong 12 công trình, chương trình trọng điểm của thành phố, dự án Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc có diện tích khoảng 400ha, bao gồm 4 khu vực: Khu cổ đại, Trung đại, Cận - hiện đại và Khu sinh hoạt văn hóa. Trong đó, Khu cổ đại sẽ tái hiện một số cột mốc lịch sử tiêu biểu thời thượng cổ và nền văn minh sông Hồng, kể từ khi Vua Hùng dựng nước cho đến thời Ngô Quyền (năm 938 sau Công nguyên).

Đền tưởng niệm các Vua Hùng là công trình trung tâm của Khu tưởng niệm các Vua Hùng. Bắt đầu từ năm 2009, đây sẽ là nơi thiêng liêng để nhân dân nói chung, người dân thành phố và các tỉnh lân cận nói riêng đến tưởng niệm, bái vọng tổ tiên, là nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa và tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ hằng năm tại TP HCM…

Ngay tại lễ khánh thành Đền tưởng niệm các Vua Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái đã đại diện Bộ trao tặng 1 chiếc trống đồng cho TP HCM. 3 thành viên của Ban quản lý dự án có nhiều đóng góp cho công trình cũng đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Gia Lai

Sáng 4/4, lần đầu tiên ở Gia Lai diễn ra Lễ Giỗ vọng Quốc Tổ Hùng Vương với đầy đủ các lễ nghi thiêng liêng nhất tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh, TP Pleiku, Gia Lai.

Các nghi lễ được tiến hành rất trang trọng như: Lễ rước vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời tưởng nhớ các Vua Hùng", đọc diễn văn tưởng nhớ các Vua Hùng, dâng rượu, dâng hương và mâm lễ vật truyền thống (bánh dày, bánh chưng, ngũ quả) lên các Vua Hùng, lễ đặt đất và nước tại đền thờ.

Tiếp đó các đoàn cồng chiêng, dàn trống hội và nhạc lễ đến từ thị xã An Khê... đã tấu lên những âm thanh rộn rã, vui tươi, tạo nét đặc trưng độc đáo của Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng trên đất Tây Nguyên.

Trước đó, Công ty cổ phần Văn hóa - Du lịch Gia Lai đã đầu tư xây dựng và khánh thành khu tổng thể Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh rất bề thế. Đền thờ chính cao 18 mét uy nghiêm và lộng lẫy, tượng Quốc Tổ Hùng Vương bằng gỗ cao 6 mét, sơn son thếp vàng, được thực hiện bởi các nghệ nhân đến từ Hà Nội vốn nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt du khách đến dự và tham quan

PV - N.H. - N.Như
.
.
.