Tuần này, Quốc hội bàn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ Nhật, 02/06/2013, 23:31
Tuần này, Quốc hội tiếp tục thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, các buổi thảo luận (ngày 3 và 4/6) được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi.

Tuần làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành hai ngày đầu tuần để thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bản dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến nhân dân đã được thảo luận tại tổ, lấy ý kiến đại biểu, được Ban biên tập dự thảo tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Tuần này, Quốc hội tiếp tục thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, các buổi thảo luận (ngày 3 và 4/6) được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi. 

Một nội dung khác đáng chú ý là Quốc hội thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Dự án Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí được sửa đổi để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành, đặc biệt là gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, xác định rõ hành vi lãng phí và chế tài xử lý để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay. Hoàn thiện thêm cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính minh bạch và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Thời gian qua, trên cơ sở thảo luận, lấy ý kiến tại các bộ, ngành, địa phương, nhiều vấn đề đã được chuyển tới ban soạn thảo như quy định trách nhiệm người đứng đầu trong dự thảo còn mờ nhạt, chế tài xử lý còn chung chung. Mặt khác, trên thực tế các định mức, tiêu chuẩn, chế độ là căn cứ để xác định hành vi lãng phí nhưng các quy định này hiện nay rất lạc hậu.   

Quy định về “biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin lãng phí” được quan tâm vì đây là nội dung quan trọng làm cơ sở để khen thưởng kịp thời cho tổ chức, cá nhân phát hiện lãng phí và là cơ chế bảo đảm cho người cung cấp thông tin mạnh dạn, dũng cảm và vững tin khi phản ánh.

Theo đó, đề nghị bổ sung nội dung quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người tố cáo, quy định về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng…

Ngày thứ Sáu (7/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường (phát thanh, truyền hình trực tiếp) về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012.   

Kết quả giám sát tại các địa phương vừa qua cho thấy, các công trình sử dụng vốn TPCP góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Tuy nhiên, tình trạng “xà xẻo”, thất thoát, lãng phí nguồn vốn, chất lượng công trình kém, không đáp ứng yêu cầu… khiến dư luận bức xúc. Nguồn vốn được phân bổ hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa đủ để bố trí đối ứng cho các công trình, dẫn đến một số công trình kéo dài thời gian thi công chủ yếu do thiếu vốn.

Năng lực tài chính và quản lý thi công của nhiều nhà thầu còn yếu, xảy ra chênh lệch giá đền bù giữa các địa bàn giáp ranh gây khó khăn cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn TPCP bố trí cho từng dự án đầu tư còn thấp và dàn trải…

Đ.Minh
.
.
.