Tuần này, Quốc hội bàn về an toàn thông tin, an ninh hàng hải

Thứ Hai, 01/06/2015, 08:36
Một trong những dự luật được quan tâm – dự án Luật An toàn thông tin (có ý kiến đề nghị đổi thành dự án Luật An toàn thông tin mạng vì phạm vi điều chỉnh trong môi trường mạng) sẽ được trình Quốc hội tuần này. Cùng với đó, vấn đề an ninh hàng hải cũng được đề cập trong dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi).
An ninh mạng được đề cập dưới nhiều góc độ nhưng đây là lần đầu được điều chỉnh dưới phạm vi một dự án luật. Dự thảo Luật An toàn thông tin quy định về hoạt động an toàn thông tin, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin…

Trong đó, dự luật quy định việc phân loại cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin trên cơ sở mức độ quan trọng, quy mô và phạm vi ảnh hưởng khi bị xâm phạm an toàn thông tin để có các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp. Trong xã hội thông tin, vai trò của các hệ thống thông tin vô cùng quan trọng.

Với quan điểm “hệ thống thông tin càng quan trọng thì mức độ an toàn càng phải cao” và dựa trên khái niệm về “quản lý rủi ro an toàn thông tin là đưa ra hệ thống biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong hệ thống thông tin”, dự thảo luật tiếp cận trên cơ sở xem xét tới mức độ quan trọng, quy mô và phạm vi ảnh hưởng khi bị xâm phạm an toàn thông tin gồm mức độ ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh của đất nước; trật tự an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và đưa ra các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại phiên thảo luận.

Do vậy, dự thảo luật đã đưa ra các tiêu chí xác định cấp độ an toàn thông tin, quy định về xác định cấp độ an toàn thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ sẽ được thể hiện trong các văn bản hướng dẫn chi tiết.

An ninh, an toàn hàng hải là vấn đề lớn trong dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), trong đó có các quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải như: gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh của nước CHXHCN Việt Nam; vận chuyển người, hàng hoá, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma tuý trái với quy định của pháp luật; cố ý tạo chướng ngại vật gây nguy hiểm hoặc làm cản trở giao thông hàng hải…

Trong dự luật sửa đổi có bổ sung khoản 1, Điều 1 về tàu lặn dân sự. Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện tàu lặn dân sự, một loại phương tiện nhưng hoạt động chủ yếu dưới đáy biển nên trong một số trường hợp, tàu lặn không phải là tàu biển nên không áp dụng được các quy định của tàu biển cho tàu lặn. Vì vậy, ban soạn thảo cho rằng cần có quy định riêng cho tàu lặn.

Cùng với đó, kho chứa nổi và giàn di động có một số đặc điểm giống tàu biển (như tính nổi, tính ổn định, kết cấu thép…) và Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã có quy định riêng về an toàn đối với kho chứa nổi và giàn di động. Vì vậy, bổ sung vấn đề này vào Bộ luật và chỉ áp dụng trong trường hợp có quy định cụ thể của Bộ luật.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc hồi hương của thuyền viên khi bị chủ tàu bỏ rơi ở nước ngoài và các chế độ khác cho thuyền viên khi tàu bị bắt giữ ở nước ngoài dẫn đến việc phân định trách nhiệm và quyền lợi giữa chủ tàu và thuyền viên rất khó, chưa có quy định riêng về các dịch vụ tuyển dụng và thay thế thuyền viên, về quy trình giải quyết khiếu nại trên tàu, về quyền hưởng các phương tiện phúc lợi trên bờ của thuyền viên. Vì vậy, dự thảo bổ sung nghĩa vụ chủ tàu.

Phiên họp ngày thứ năm (4/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng.

Dự án này cũng đã được Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11, khẳng định “dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trung ương yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á”.

Trong phiên họp ngày cuối tuần (5/6), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Quốc hội thảo luận ở hội trường về vấn đề này.

Cùng ngày, Quốc hội họp riêng nghe báo cáo về tình hình biển Đông (đây là nội dung được bổ sung vào chương trình kỳ họp, căn cứ vào ý kiến kiến nghị của đại biểu).

Liên quan dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Trung ương Đảng khẳng định, đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau cho nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Chính trị, Trung ương đã thảo luận, quyết định chọn phương án "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân)".

Việc phân biệt chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thể hiện trong các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý khác nhau giữa đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo đó, chính quyền nông thôn cần được chú trọng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý theo ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp thành phố với các thị xã, quận, phường... Thảo luận tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục làm rõ chủ trương trên.

Minh Đăng
.
.
.