Tuần này, QH cho ý kiến việc bỏ phiếu tín nhiệm

Thứ Hai, 28/05/2012, 08:21
Theo chương trình kỳ họp, chiều 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó vấn đề đáng chú ý nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Theo đề án đã được UBTV Quốc hội cho ý kiến, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hàng năm đối với các chức danh do Quốc hội bầu (Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các Ủy viên UBTV Quốc hội…). Chức danh do Quốc hội phê chuẩn gồm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác thuộc Chính phủ. Người không đủ tín nhiệm quá bán trong hai lần liên tiếp sẽ đề nghị Quốc hội bãi nhiệm.

Kể từ khi đề án được UBTV Quốc hội công bố và đưa ra thảo luận, vấn đề này nhận được sự ủng hộ của dư luận, nhất là các đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, nhà quản lý. Các ý kiến cho rằng cần chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện đề án để sớm thực thi, vì việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội. Việc bỏ phiếu nên rút gọn lại, không phải tất cả chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn đều tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm mà chỉ giới hạn các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên.

Tuy nhiên, các ý kiến băn khoăn cũng không phải ít khi cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm hiện vướng nhiều quy định khác đòi hỏi phải điều chỉnh mới có thể thực hiện. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, nếu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên thì theo phân cấp và cơ chế quản lý cán bộ hiện hành, những người giữ các chức vụ nói trên thuộc diện Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý. Vì vậy, Quốc hội khó có thể độc lập tự tổ chức việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ đó được, mặc dù Điều 84 của Hiến pháp 1992 có quy định cụ thể. Đồng thời phải sửa Luật Tổ chức Quốc hội vì hiện luật này quy định phải có 20% đại biểu cùng kiến nghị mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định như vậy trên thực tế là chưa từng bao giờ xảy ra, vì 20% nghĩa là 100 đại biểu. Rất hiếm khi có hàng trăm đại biểu cùng có ý kiến trùng hợp kiến nghị một hay một số chức vụ cần được bỏ phiếu tín nhiệm.

Cũng trong tuần làm việc thứ hai, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp, trong đó có dự án Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực… Đáng chú ý, dự án Luật Giá do Bộ Tài chính soạn thảo quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định giá bán lẻ điện, trong khi đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực do Bộ Công thương soạn thảo lại “đẩy” điện ra khỏi danh mục nhà nước quản lý giá, để doanh nghiệp tự điều chỉnh. Đây là vấn đề lớn, khiến hai Bộ đã có những tranh luận gay gắt. Thảo luận tại phiên họp UBTV Quốc hội, đa số ý kiến khẳng định sự cần thiết tiếp tục đưa điện vào danh mục nhà nước kiểm soát giá vì ngành này còn độc quyền, buông quản lý sẽ khiến giá điện bị thao túng, gây hậu quả khó lường, yêu cầu ban soạn thảo (Bộ Công thương) chỉnh lại dự thảo theo hướng này.

Đối với dự án Luật Giám định tư pháp, sau nhiều phiên họp UBTV Quốc hội, Ban soạn thảo (Bộ Tư pháp, Bộ Y tế) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tư pháp) vẫn giữ quan điểm chỉ thành lập cơ quan giám định pháp y thuộc Sở Y tế, bỏ cơ quan giám định pháp y thuộc Công an tỉnh, thành phố. Trước các ý kiến không tán thành cách làm này, UBTV Quốc hội quyết định đưa cả hai phương án (giữ hoặc bỏ) để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, trên cơ sở thảo luận, có thể UBTV Quốc hội sẽ phát phiếu xin ý kiến đại biểu trước khi hoàn chỉnh dự án để Quốc hội biểu quyết thông qua

Phan Đăng
.
.
.