Họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông:

Trung Quốc lý giải chủ quyền một cách tùy tiện

Thứ Hai, 16/06/2014, 19:15
Đây là lời khẳng định của ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông diễn ra chiều 16/6. Cùng với các chủ tọa khác gồm ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Bộ NN&PTNT; ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Duy Hải cũng đã bác bỏ hoàn toàn những luận điểm sai trái cùng những tuyên bố sai sự thật của Trung Quốc được đưa ra trong cuộc họp báo của nước này hôm 13/6.

Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa

Mở đầu cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải cho biết, mặc dù xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam nhưng thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng bằng hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc lớn tiếng vu cáo Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu hộ vệ của Trung Quốc trên thực địa, thậm chí nói tàu cá Việt Nam đâm chìm, trong khi thực tế là tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Đây không chỉ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa. Các tư liệu lịch sử của Trung Quốc diễn giải tùy tiện tiện, là tài liệu của cá nhân không có cơ sở, mô tả thiếu nhất quán”. Đồng thời, ông Trần Duy Hải cũng đã thông tin đầy đủ về các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông được bắt đầu lúc 17h ngày 16/6.

Cụ thể, năm 1898, sau vụ tàu ngư dân bị đắm ở Hoàng Sa, Phó vương Quảng Đông cho rằng đảo Hoàng Sa là đảo bị bỏ rơi không thuộc Trung Quốc. Các hòn đảo này không thuộc châu nào của Hải Nam, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hòn đảo này nên không chịu trách nhiệm trong vụ ngư dân Trung Quốc cướp tài sản. Trong khi đó, các hoạt động nhằm thiết lập chủ quyền đối với Hoàng Sa của Việt Nam có từ thời phong kiến và được ghi nhận trong các châu bản của triều đình phong kiến hiện đang được lưu giữ. Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ năm 1874-1884, Pháp tiến hành nhiều biện pháp thực thi bảo vệ chủ quyền như xây dựng các công trình, trạm khí tượng, xây dựng cơ sở hành chính và sáp nhập vào Trung Kỳ, cấp giấy khai sinh cho công dân Việt Nam sinh tại Hoàng Sa.

Năm 1909, việc Đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn tiến hành thám hiểm thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền với Hoàng Sa và đã bị các triều đình phong kiến Việt Nam xác lập vững chắc và được Pháp thay mặt Việt Nam phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc, được nhà nước An Nam xác lập năm 1816.

Đáng chú ý là các hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản từ bỏ tất cả các lãnh thổ đã chiếm đóng trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Các tuyên bố đã xác định các vùng lãnh thổ Nhật Bản phải nhường cho Trung Quốc nhưng trong đó không có Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco 1951, đa số 45/51 phiếu thành viên tham gia hội nghị bỏ phiếu bác bỏ Hoàng Sa của Trung Quốc.

Tiếp đó, Trung Quốc đã 2 lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, Trung Quốc xâm chiếm nhóm đảo phía đông Hoàng Sa. Đây là lần đầu Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản đối mạnh mẽ sự xâm chiếm này. Năm 1959, 1 nhóm binh lính Trung Quốc giả danh ngư dân đột kích nhóm đảo nhưng đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Cả 2 hành động diễn ra sau khi Việt Nam tái khẳng định chủ quyền tại Hội nghị San Francisco. Tới năm 1974, lợi dụng chiến tranh, Trung Quốc tấn công giành kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam. Hành động sử dụng vũ lực giành chủ quyền quốc gia khác là vi phạm luật pháp quốc tế, không tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc.

Ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: “Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc, diễn giải sai khi viện dẫn Công thư cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và các văn bản tài liệu sau 1975. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này. Công thư Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập Hoàng Sa, đây là tài liệu thông báo của Chính phủ Việt Nam tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc chứ không đề cập vấn đề chủ quyền. Năm 1976, Việt Nam đã nhất quán và kế thừa khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Nỗ lực hòa bình của Việt Nam

Cũng theo ông Trần Duy Hải, trong thời gian qua, Việt Nam nỗ lực giải quyết hòa bình thông qua đàm phán nhưng Trung Quốc phản đối thiếu tính xây dựng. Trái lại, Trung Quốc vu cáo vô căn cứ tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 1.547 lần. Về việc này, ông Ngô Ngọc Thu cũng cho biết, Trung Quốc tiếp tục huy động một số lượng lớn tàu thuyền và máy bay trinh sát uy hiếp các tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát Biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Đồng thời, ông Ngô Ngọc Thu cũng khẳng định: Việt Nam bác bỏ những thông tin sai trái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, tính đến 12h ngày 13/6, các tàu Việt Nam đã đâm húc 1.547 lần tàu Trung Quốc là hoàn toàn sai. Ngược lại, chỉ có các tàu Trung Quốc chủ động đâm va và khiến tàu của Việt Nam bị hư hỏng. Những hành động tấn công nguy hiểm của phía Trung Quốc đã khiến 15 Kiểm ngư viên và 32 ngư dân Việt Nam bị thương và phía Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy tàu của Việt Nam không tấn công tàu Trung Quốc. Việc Trung Quốc tuyên bố không đưa tàu và máy bay đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981 là hoàn toàn vô căn cứ bởi không chỉ các hãng thông tấn của Việt Nam mà cả các hãng thông tấn quốc tế đều ghi nhận được mỗi ngày có 4 - 6 tàu Trung Quốc "tình cờ đi ngang qua".

Các đại biểu tham dự cuộc họp được xem video clip về những bằng chứng khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiếp lời, ông Hà Lê cho biết, Việt Nam có đầy đủ tư liệu và bằng chứng khẳng định đến nay chưa có bất kỳ tàu nào của Việt Nam chủ động đâm, va vào tàu Trung Quốc. Trong khi đã có 23 tàu bị hư hỏng và 15 Kiểm ngư viên bị thương. Bên cạnh đó, có 17 tàu cá Việt Nam bị gây thiệt hại, làm bị thương hàng chục ngư dân, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng. Chưa hết, ông Hà Lê còn “vạch mặt” Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp hòng tạo ra bằng chứng giả như: chặn đuôi vượt lên cắt ngang mặt để tàu kiểm ngư Việt Nam đâm vào; đang tiến bất ngờ đi lùi… song tàu Việt Nam đều không mắc “bẫy” và khẳng định lực lượng Kiểm ngư sẽ tiếp tục bám biển và kiên trì đấu tranh với phía Trung Quốc, buộc phải rút giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam

S.Thương (ghi)
.
.
.