Giáo sư, Tiến sĩ Miloslav Ransdorf, thành viên Nghị viện châu Âu:

Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam là vi phạm Luật Quốc tế

Thứ Sáu, 06/06/2014, 12:00
“Việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc rõ ràng là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Việc vi phạm này cần phải được phản ứng lại, phải được kêu gọi sự ủng hộ của các bên để đáp trả lại vì khi Luật quốc tế đã bị vi phạm một lần thì rất có thể bị vi phạm các lần tiếp theo." - GS.TS Miloslav Ransdorf, thành viên Nghị viện châu Âu, thành viên Ủy ban Năng lượng và Công nghệ châu Âu và Ủy ban Thương mại quốc tế, đã chia sẻ với PV Báo CAND nhân dịp ông sang Việt Nam.

“Việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm vùng biển chủ quyền  Việt Nam của Trung Quốc rõ ràng là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Việc vi phạm này cần phải được phản ứng lại, phải được kêu gọi sự ủng hộ của các bên để đáp trả lại vì khi Luật quốc tế đã bị vi phạm một lần thì rất có thể bị vi phạm các lần tiếp theo. Hơn nữa, trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế của Trung Quốc đang rất mong manh, vì bị lệ thuộc vào các nước về tài nguyên, nhiên liệu: dầu, gas… Trung Quốc có rất nhiều lý do để đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam không chỉ vì mục đích tranh chấp chủ quyền mà còn là vì mục đích kinh tế. Quan điểm của tôi đấy là việc vi phạm Luật quốc tế”, là ý kiến của GS.TS Miloslav Ransdorf, thành viên Nghị viện châu Âu, thành viên Ủy ban Năng lượng và Công nghệ châu Âu và Ủy ban Thương mại quốc tế, đã chia sẻ với PV Báo CAND nhân dịp ông sang Việt Nam.

PV: Có vẻ dường như từ trước đến nay các vụ vi phạm Luật quốc tế lại luôn là những nước lớn? Trong trường hợp này, Trung Quốc là một nước lớn đang cố tình đi ngược lại với những điều thế giới đã cam kết?

GS.TS Miloslav Ransdorf.

GS.TS Miloslav Ransdorf: Các bạn biết đấy, tôi đã 61 tuổi rồi, và tôi rất nhớ dân tộc các bạn đã hào hùng thế nào để đánh đuổi các kẻ thù xâm lược, đều là các cường quốc. Để trả lời câu hỏi tại sao các vụ vi phạm luật pháp quốc tế đều xuất phát từ các nước lớn, trong trường hợp này là Trung Quốc. Dù nền kinh tế Trung Quốc có bước phát triển lớn trong những năm vừa qua nhưng hiện nay kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn về trữ lượng tài nguyên giàu mỏ, khí đốt. Những nhà khoa học lớn của Mỹ cũng đã từng dự báo rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang trên đà đi xuống, món nợ trong nước lên tới 2%, đang trong giai đoạn nguy hiểm. Đây chính là lý do Trung Quốc  kiên quyết hành động ở biển Đông. Hành động này của Trung Quốc không phải chứng minh sức mạnh của Trung Quốc mà thể hiện rõ nhất Trung Quốc đang đi vào giai đoạn khó khăn về kinh tế và các vấn đề trong nước, nên họ chọn giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn đó bằng cách mở rộng lãnh địa.

PV: Ông có thể cắt nghĩa được hành động của Trung Quốc trong việc cố tình không tuân thủ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982? Việc Trung Quốc đang gây hấn trên biển Đông sẽ gây ra những nguy hại gì về kinh tế, an ninh trong khu vực và thế giới?

GS.TS Miloslav Ransdorf: Tôi nghĩ hòa bình không phải là thứ có thể tranh đấu và tranh giành được. Hòa bình là điều mà chúng ta phải cùng nắm tay nhau, cùng thỏa thuận để đạt được một cách toàn vẹn. Quay về lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc có 3 người hàng xóm mạnh là Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam. 3 người hàng xóm này có thể hợp tác với nhau để có thể trở nên rất mạnh về mặt kinh tế và có thể trở thành đối trọng của Trung Quốc. Hơn nữa khi ta trở lại cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc, 2 thập niên trước, họ hy vọng sẽ đạt được địa vị của mình ở trong trường kinh tế quốc tế cũng như là khu vực bằng cách tránh mọi xung đột, là kim chỉ nam của họ, nhưng bây giờ đã không biết là thế nào. Nền kinh tế thế giới có mối liên kết với nhau. Trung Quốc là nền kinh tế lớn, Trung Quốc vừa ký với Nga hợp đồng nhiên liệu trong vòng 30 năm trị giá 400 tỷ USD. Nhiên liệu của Trung Quốc trước chủ yếu là than, môi trường của họ đang ô nhiễm nghiêm trọng. Bản thân Trung Quốc đang tìm giải pháp để thay thế than bằng các nhiên liệu khác, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.

Việc làm này của Trung Quốc đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc dưới vai trò là nước lớn trong trường quốc tế về mặt giữ gìn hòa bình và kinh tế. 

PV: Là người nghiên cứu lịch sử và triết học, ông thấy những nước bị đặt trong tình huống như Việt Nam thường chọn cách ứng xử như thế nào?

GS.TS Miloslav Ransdorf: Bản thân tôi đến từ Cộng hòa Séc, đất nước của chúng tôi cũng có những người láng giềng nhiều tham vọng, chúng tôi cũng có lịch  sử hơn 1.000 năm phải đấu tranh cho nền độc lập. Chúng tôi có sự đồng cảm rất lớn với dân tộc Việt Nam. Có thêm một lý do nữa, dân tộc Séc có nhiều tình cảm với Việt Nam vì các bạn có một vị lãnh tụ vĩ đại là Bác Hồ. Người ta thường ví von hình ảnh của các chính trị gia trên thế giới thành hai loại, một loại được ví như Cáo, một loại được ví như Sư tử. Những người giống Cáo thì hay sử dụng mưu mẹo, gian manh, mánh khóe để thành công trên chính trường, còn một loại là Sư tử, thì lại dùng sức mạnh vũ lực. Thế nhưng theo tôi vẫn còn kiểu chính trị gia thứ ba nữa, đó chính là chính trị gia dùng đạo đức, nhân cách của mình để lãnh đạo nhân dân, chính mình là hình mẫu của nhân dân, đấy chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân dân tộc Việt Nam cũng đã là một dân tộc được yêu mến.

Vấn đề của các bạn hiện đã được đẩy lên tầm quốc tế rồi, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần đưa vấn đề này ra Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bởi bản thân Trung Quốc cũng là thành viên của Hội đồng này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về quan điểm đường lối đấu tranh của Việt Nam trong vấn đề biển Đông bằng con đường đối thoại hòa bình?

GS.TS Miloslav Ransdorf: Tôi nhớ lại vào những năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Lúc đó đã có thể đàm phán với nước Pháp, ở vị trí của Người có thể đòi hỏi hơn những việc đã ký kết trong Hiệp định Geneve nhưng Người đã không làm thế, đã không đòi hỏi mà vẫn rất chừng mực. Tôi nghĩ các bạn chọn đàm phán, đối thoại sẽ là một chìa khóa cho thành công. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, vẫn còn phải phụ thuộc vào phía bên kia nữa.

PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của GS.TS Miloslav Ransdorf!

Thu Uyên (thực hiện)
.
.
.