Trở về trước mùa xuân

Thứ Hai, 02/02/2009, 10:55
"Phải về thôi! Không thể chịu nổi cảnh sống đọa đày nơi đất khách quê người", đó là những lời bộc bạch rất thật của nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từng bị mắc mưu theo bọn phản động FULRO, vượt biên trái phép ra nước ngoài. Khi cảm thấy thất vọng, họ đã thốt lên những tiếng nấc nghẹn đau xót, nhận ra sự thật tối tăm ở "thiên đường đen" và xin tự nguyện trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình…
>> Những người nhẹ dạ hối lỗi trước buôn làng

Có lần được gặp lại những người con của dân tộc thiểu số M'Nông ở huyện Đăk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông trở về quê hương sau những ngày vượt biên trái phép, lạc lối giữa rừng sâu thật đau đớn.

Trông nét mặt đen đủi, rám nắng của họ ai nấy đều giống như "người rừng". Có người mặt mày bị biến dạng bởi các chứng bệnh phát sinh từ sự đói khát ở rừng và những cuộc đánh đập, tra khảo, trả thù hèn hạ lẫn nhau bên kia nơi đất khách quê người thật rùng rợn.

Trong số những người trở về khi ấy, tôi nhận ra Điểu Khuch là người đàn ông lớn tuổi nhất. Cái tuổi ngoài thập lục của ông khi còn ở bon Bu Boong, xã Đăk Buk So, huyện Đăk R'Lấp ngày ấy vẫn dẻo dai, ngày lên rẫy, tối về chăm chỉ với bao công việc gia đình, nhưng từ ngày vượt biên trái phép sang Campuchia trở về, hầu như sự héo hon của bệnh tật đã làm ông tiều tụy.

Vợ Điểu Khuch, Thi Bớp mỗi khi nhìn thấy mặt chồng rất bức xúc: "Già rồi mà còn dại, không chịu nghe vợ con ở nhà làm ăn, lại theo bọn phản động FULRO nó lừa, bây giờ mới thấy ân hận làm sao…".

Trong số nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sau khi vượt biên trái phép sang nước ngoài, được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, có lẽ Anhek ở Ia Hrú, Chư Sê, Gia Lai là người có nhiều kỉ niệm với tôi.

Nhớ hồi ở trại tập trung bên Campuchia mới về, Anhek gặp tôi lần đầu tiên trên cùng một chuyến xe từ tỉnh về làng. Khi ấy Anhek toát mồ hôi vì sợ phải đi tù. Tôi phân tích về tin đồn bỏ tù những người vượt biên trở về là không có thật nên anh an tâm hơn khi về làng. Rồi lần ấy anh được đoàn tụ với gia đình làm ăn cho đến giờ.

Bây giờ nhắc lại kỉ niệm ngày Anhek mới bước về làng giữa buổi trưa nóng, đầy nước mắt giàn giụa của vợ hiền, con thơ và người thân trong ngày đoàn tụ, anh vẫn không cầm được xúc động. "Có lẽ hạnh phúc quá bất ngờ, đã làm cho nhiều người phải rơi nước mắt", Anhek nói.

Cùng với bà con trong làng, các đoàn thể, chính quyền địa phương đã đến thăm, tặng quà, giúp đỡ và động viên Anhek chăm lo làm ăn, giúp anh xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương mình. Có lần Anhek đã bật khóc vì hạnh phúc, khi đón nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Hôm nay trở lại thăm Anhek, tôi còn nhớ như in những kỷ niệm lúc anh mới trở về. Nhớ giọt nước bầu đen mát rượi do chính tay chị gái Rơmah Bí dốc vào miệng anh sau bao ngày đói khát, nhớ cái nắm tay thật chắc của cán bộ ở làng căn dặn: "Anhek có lỗi với dân làng, bây giờ phải lo làm ăn…".

Những lời dặn, niềm an ủi, động viên đã thôi thúc Anhek quyết tâm làm ăn xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Càng nghĩ về chuyện quá khứ, Anhek càng biết ơn Đảng và chính quyền đã giúp gia đình anh vượt qua những ngày khốn khó để có mái ấm hạnh phúc hôm nay.

Ở xã Ia Glai, Chư Sê, Gia Lai, có Rơ Lan Blông và Rơ Lan Huyn cũng là những người cũng một thời lầm lỡ, bị bọn phản động FULRO lừa phỉnh vượt biên trái phép ra nước ngoài, nhưng sau đó đã được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.

Ngày trở về được sự giúp đỡ của chính quyền, vợ chồng Blông và Huyn được nhận khoán vườn cây cao su của Công ty Cao su Chư Sê để làm ăn, thu nhập bình quân hiện tại từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn làm thêm cà phê, hồ tiêu, ruộng nước thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tết năm nay, nhà nào cũng no ấm, hạnh phúc. Bữa cơm tất niên cả nhà Huyn sum họp, thưởng thức những món ăn ngon cùng bà con dân làng. Vợ của Rơ Lan Huyn, chị Rơ Lan Pích tâm sự: "Nhờ ơn giúp đỡ của Công an, chính quyền mà chồng mình được trở về đoàn tụ với gia đình và có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay".

Còn Puih Ong ở xã Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai, sau khi nghe lời lừa phỉnh của bọn phản động FULRO trốn gia đình, vợ con sang Campuchia, nhưng khi đến nơi thì không chịu được cảnh đánh đập dã man của bọn "đầu gấu" trong trại tập trung và sự đói khát nơi đất khách quê người nên đã bỏ trốn trở về lại Việt Nam.

Ngày mới trở về, Puih Ong bị ốm rất nặng bởi những trận đòn roi quái ác của bọn phản động ở đất khách. Lúc ấy gia đình nghèo khó không có tiền chạy chữa, nhờ được chính quyền địa phương giúp đỡ Puih Ong đến Trung tâm Y tế huyện Chư Păh chữa trị.

Trong niềm vui hạnh phúc hôm nay, nhắc lại những cảnh đau lòng ngày trước, Puih Ong cảm động: "Nếu không nhờ chính quyền, mình chết từ hôm mới về rồi!".

Cùng trở về với Puih Ong, ở Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai còn có Rơ Châm Yưk (46 tuổi), từ ngày đoàn tụ được bà con xóm làng chở che đùm bọc, chính quyền giúp đỡ, bây giờ anh trở thành người giàu nhất nhì trong làng.

Buổi chiều muộn cuối năm tôi đến thăm, cả gia đình anh thật hạnh phúc quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Ngoài trời Tây Nguyên lành lạnh hơi sương như khói lam chiều buông tỏa. H'rư gắp miếng cá thật to bỏ vào chén cơm của chồng. Yưk lại bỏ sang cho đứa con út 11 tuổi. Cả nhà cười nói râm ran hạnh phúc.  

Trong số hàng ngàn người vượt biên trái phép được trở về đoàn tụ ở Tây Nguyên còn có Puih Hyi và Puih Bik ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Với họ có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về một lá thư của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai.

Puih Hyi và Puih Bik kể rằng, sau khi vượt biên trái phép nhưng không tìm thấy cảnh sung sướng ở đất khách quê người nên đã quay trở về. Lúc đầu mới trở về, hai người trốn chui lủi ở rừng vì sợ về nhà bị chính quyền bắt bỏ tù. Khi được già làng mang thư kêu gọi của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đến đưa cho vợ Bik xem, sau đó thông tin lại Bik mới yên tâm trở về.

Hôm tôi đến thăm, Bik lấy lá thư ấy ra khoe rồi gấp thật vuông vắn, cẩn thận giữ trong người như một kỉ niệm khó quên của đời mình. Bik xúc động nói: "Lá thư ấy như một phép màu đã cứu cánh tôi thoát khỏi khổ đau…". Mùa lúa này nhà Bik đủ ăn, rẫy cà phê dư ít tiền để cho các con ăn học...

Không riêng Bik mà cả hàng ngàn người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sau khi trở về quê hương đều được chính quyền, các cơ quan đoàn thể địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ, chia sẻ, để họ được đoàn tụ với gia đình, sinh sống làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên chính quê hương thân yêu của mình. Những điều sự thật ấy cũng đã được lãnh sự quán các nước, đại diện tổ chức UNHCR công nhận sau các đợt tìm hiểu tình hình thực tế về vấn đề người hồi hương ở Tây Nguyên. 

Hôm nay tôi trở lại các buôn làng, gặp lại những người lầm lỡ một thời ấy, bây giờ ai cũng vui mừng và bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính quyền, lực lượng Công an đã cưu mang, đùm bọc giúp đỡ họ làm lại cuộc đời. Và thêm một lần nữa khẳng định rằng, bà con đồng bào các dân tộc anh em ở Tây Nguyên hôm nay vẫn mãi mãi một lòng tin sắt son với Đảng với Cách mạng. Họ tin tưởng sâu sắc rằng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đem lại cơm no, áo ấm thật sự cho họ. 

Thêm một mùa xuân mới lại về, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn tuổi 79, đất trời Tây Nguyên bình yên đón chào những chồi non, lộc biếc đầy ắp sắc xuân.

Bên tiếng cồng, tiếng chiêng, men rượu cần nồng ấm và điệu xoang nhịp nhàng mừng lễ hội vào xuân, mừng Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại... của cộng đồng các dân tộc anh em ở Tây Nguyên hôm nay, tôi được nghe tiếng tri ân của những con người một thời lầm lỡ.

Họ đã thì thầm với âm vang mùa xuân, thì thầm những lời biết ơn Đảng, chính quyền đã đem đến cho họ cơm no, áo ấm và những niềm hạnh phúc thật sự mà không phải thời nào cũng có được

Ngọc Như
.
.
.