Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể

Thứ Sáu, 01/03/2013, 11:17
Theo quy định của Hiếp pháp 1992, những vấn đề quan trọng về quốc kế, dân sinh, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức - Chính phủ, còn trách nhiệm cá nhân - Thủ tướng thì nhẹ tênh, đơn giản. Như vậy, có lẽ sẽ có nhiều người làm được Thủ tướng.

1. Nền hành chính nhà nước trên thế giới đang phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm xác định rõ ràng, chặt chẽ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Nguyên tắc vận hành của bộ máy hành chính nhà nước là: Một việc do một cơ quan (tổ chức) phụ trách và một cơ quan (tổ chức) do một người đứng đầu chịu trách nhiệm.

Tất nhiên, người ta phải giao đủ quyền và các điều kiện cần thiết cho người đứng đầu đưa ra các quyết định quản lý và họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả, hậu quả từ quyết định của mình. Tất cả đều được thể hiện rõ, cụ thể, chặt chẽ trong luật.

Trong luật và các văn bản dưới luật của hầu hết các nước không có cụm từ “các cấp, các ngành” như của nền hành chính Việt Nam.

Ở các nước có nền hành chính tiên tiến, việc từ chức và cách chức cũng là chuyện bình thường.

Mình không bê nguyên xi cách làm của người ta vào Việt Nam vì điều kiện mọi mặt họ khác ta. Nhưng việc làm rõ, quy định chặt chẽ trong luật về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là đúng đắn, tối cần thiết và nằm trong lộ trình phát triển văn minh, hiện đại của nền hành chính nhà nước trên thế giới mà Việt Nam không thể đi ngược xu thế tất yếu đó.

2. Trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân trong Hiến pháp 1992 xét trường hợp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nghiên cứu bản dự thảo Chương VII – Chính phủ, tôi có một số ý kiến như sau:

Một là, hầu hết mọi quyền lực quan trọng nhất đều giao cho Chính phủ đảm nhiệm như: Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật; thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và xã hội; thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; thống nhất quản lý công tác đối ngoại… (Điều 101 - sửa đổi bổ sung Điều 112).

Như vậy, toàn bộ những vấn đề quan trọng nhất về đối nội, đối ngoại, về phát triển kinh tế, về an ninh, quốc phòng, đối ngoại, về bảo vệ tài nguyên, môi trường sống… theo Hiến pháp 1992, thuộc trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức - Chính phủ.

Điều 103 (sửa từ Điều 114) quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng thể hiện ở 5 khoản, trong đó chỉ 1 khoản chung chung là “Định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia”, 4 khoản còn lại chỉ là những việc tổ chức, nhân sự (đề nghị Quốc hội lập tổ chức, bãi bỏ tổ chức, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ, đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ các văn bản của cấp dưới trái với Hiến pháp, pháp luật, ký các điều ước quốc tế)…

Theo quy định của Hiếp pháp 1992, những vấn đề quan trọng về quốc kế, dân sinh, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức - Chính phủ, còn trách nhiệm cá nhân - Thủ tướng thì nhẹ tênh, đơn giản. Như vậy, có lẽ sẽ có nhiều người làm được Thủ tướng.

Nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, khó khăn và bị nước ngoài chi phối, việc sử dụng mọi nguồn lực kém hiệu quả, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi, môi trường bị tàn phá, xã hội chất chứa nhiều vấn đề bức xúc..., thì chúng ta cũng không thể quy trách nhiệm cho Thủ tướng được, vì Thủ tướng đã “Định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ” (khoản 1 Điều 103).

Vì thế tôi đề nghị viết lại toàn bộ Chương VII - Chính phủ theo hướng ghép Điều 99 và Điều 102 vào Điều 100 thành một điều nói về chức năng, nhiệm vụ chung của Chính phủ (định nghĩa Chính phủ là gì, Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ gì thể hiện trong 3 - 4 khoản).

Những nội dung cơ bản của Điều 101 ghép với Điều 103 nói về quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy là xác định rõ, đầy đủ, đúng đắn, chặt chẽ quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng.

Hai là, tôi đề nghị thay cụm từ “nhiệm vụ và quyền hạn” của tổ chức, cá nhân bằng cụm từ “quyền hạn và trách nhiệm”.

Ở đây có hai vấn đề: 1. Đặt quyền hạn trước trách nhiệm, về nguyên tắc phải giao cho họ quyền để thực hiện công vụ, sau đó mới nói đến trách nhiệm của họ. 2. Dùng “trách nhiệm” đúng hơn “nhiệm vụ”; trách nhiệm là trách nhiệm trước nhân dân và trước cấp trên, còn nhiệm vụ thì mọi công chức, quan chức đều có việc phải làm – nhiệm vụ. Trách nhiệm là trách nhiệm pháp lý.

Ba là, Điều 99 “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCNVN, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Tôi cho như vậy là đủ, không cần đoạn nói về “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước”. Là “cơ quan chấp hành của Quốc hội” thì mặc nhiên phải báo cáo…

Ở đây còn một vấn đề nữa, Thủ tướng phải báo cáo công tác chứ không phải Chính phủ báo cáo. Trên thế giới này không ai yêu cầu nội các báo cáo cả, mà yêu cầu người đứng đầu nội các báo cáo.

Bốn là, khi đã làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng như đã trình bày ở vấn đề thứ nhất nói trên, bỏ mệnh đề “Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”.

Khi Thủ tướng có đủ quyền (theo Hiếp pháp), Thủ tướng nghe ý kiến của mọi thành viên Chính phủ và cần nghe thêm nhiều ý kiến ngoài Chính phủ, nhất là ý kiến của các nhà khoa học, nhưng Thủ tướng phải đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Có như vậy mới có thể “xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả…” (NQĐHXI – trang 249).

Sửa Hiến pháp 1992 là vấn đề hệ trọng, cần bình tĩnh cân nhắc thận trọng. Nhưng những vấn đề nào rõ là bất cập, trì trệ, cản trở sự phát triển thì kiên quyết phải thay đổi.

Cái đáng phải thay đổi mà không dám sửa đổi là không làm tròn trách nhiệm công vụ, không thực hiện nhiệm vụ của đảng viên là “đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân” (Điều lệ Đảng)

L.V.C.
.
.
.