Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền: "Minh bạch là vấn đề xương sống"

Thứ Ba, 04/12/2007, 09:15
"Chiến lược phòng chống tham nhũng là một chương trình hành động chiến lược tương đối dài hạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ. Trong đó, công khai minh bạch chính là vấn đề xương sống. Có công khai, minh bạch mới kiểm soát được bộ máy nhà nước, công việc của cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...", Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền, nói.

Sáng nay, 3/12/2007 Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức cuộc “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng 2007” tại Hà Nội.

Đây là lần đối thoại thứ 2 (lần 1 vào tháng 5/2007) giữa các cơ quan Việt Nam với các đối tác phát triển. Cuộc đối thoại đã diễn ra trên tình thần tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng.

Bên lề cuộc đối thoại, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về công tác điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng?

Có thể nói, việc tiến hành điều tra các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kể cả thanh tra, kiểm toán... đã được Chính phủ và các địa phương chỉ đạo ráo riết. Hiện cả nước có trên 400 vụ việc đã được các địa phương phản ánh, đang được xem xét giải quyết.

Riêng 8 vụ án trọng điểm của TƯ, đã có 5 vụ đưa ra xét xử, còn 3 vụ nữa sẽ từ nay đến tháng 12 sẽ xử hết. Tuy nhiên, trong quá trình này đã phát hiện thêm nhiều vụ việc khác, hiện đã khởi tố 7 vụ việc quan trọng, đang tiến hành nghiên cứu, thụ lí 5-6 vụ việc nữa.

Chúng ta đã xử nghiêm theo luật, chứ không phải xử nặng và rõ rang có tác dụng răn đe rất tốt.

Ông Trần Văn Truyền trả lời câu hỏi của các PV

- Thưa ông đâu sẽ là điểm mấu chốt trong chiến lược phòng chống tham nhũng sắp tới là gì?

- Đây là một chương trình hành động chiến lược tương đối dài hạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ.

Trong đó, công khai minh bạch chính là vấn đề xương sống. Có công khai, minh bạch mới kiểm soát được bộ máy nhà nước, công việc của cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...

Tiếp đến là phát huy vai trò tổng hợp của toàn dân, tìm sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Sắp tới, phải có cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của công dân, làm cho người dân vừa ý thức được trách nhiệm công dân. Nói chung là có dũng khí, giám chịu trách nhiệm khi phát hiện các vấn đề liên quan đến tham nhũng...

Việc nữa, Thủ Tướng cũng đã góp ý với chúng tôi là tiếp tục cải cách chế độ tiền lương cũng liên quan đến việc phòng ngừa và chống tham nhũng. Chúng ta không dùng tiền lương để giải quyết mọi thứ, nhưng đồng lương là một động lực để thôi thúc cán bộ, công nhân viên cống hiến nhiều hơn...

- Vậy, ông đánh giá thế nào về vai trò của "cộng đồng" của "tập thể" trong vấn đề phòng chống tham nhũng trong thời gian qua?

Việc phòng chống tham nhũng chúng ta đã triển khai từ lâu, nhưng đến khi có luật thì mới có thể chế, vai trò của xã hội. Việc ban hành Nghị định 47/2007/NĐ-CP của Chính phủ, phía Mặt trận cũng có đề án nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư trong việc phát hiện các hành vi tiêu cực.

Trong năm qua, Văn phòng ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng đã nhận đến hơn 700 nghìn đơn thư có liên quan đến khiếu kiện, tố cáo cán bộ, công chức. Thanh tra Chính phủ cũng xử lý hơn 4 nghìn đơn thư.

Như vậy, bước đầu đã tạo khí thế cho nhân dân, phản ánh, phát hiện, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ công chức.... Gần đây, lĩnh vực giáo dục, nhiều giáo viên và nhân dân đã có nhiều phát hiện, tố cáo nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng như ở Hà Tây, Bạc Liêu...

- Với những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tham nhũng, hiện nay Thanh tra Chính phủ đã có những hướng triển khai như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, chúng ta chống tham nhũng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực quan trọng cần tập trung.

Năm qua, các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát lực lượng cảnh sát, nhất là trên lĩnh vực giao thông, Thuế và hải quan... và đã phát hiện và xử lý không ít các hành vi tiêu cực...

Thủ tướng cũng chỉ dạo, trọng tâm sắp tới sẽ hướng vào các lực lượng: công an, các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án...

Tuy vậy, chúng ta phải triển khai biện pháp chung chứ không làm riêng lẻ.

- Với những loại tham nhũng mới như: rửa tiền qua chứng khoán ảo, tham nhũng tập thể... Thanh tra Chính phủ đã có những biện pháp như thế nào?

- Nền kinh tế xã hội phát triển theo chiều hướng nào, các hành vi tham nhũng cũng phát triển theo chiều hướng đấy. Quan trọng là chúng ta nhìn thấy được, phát hiện và xử lý. Ngay trong lĩnh vực cổ phẩn hóa, cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực. Trong đó, việc định giá tài sản nhà nước không đúng, sau đó cổ phần hóa làm lợi cho một số người. Vì thế khi phát hành cổ phiếu làm chưa minh bạch, nên đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải chấn chỉnh việc này. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng chấn chính quy trình, nhất là các cơ quan tham gia vào giám định tài sản phải làm chặt chẽ, công khai hơn.

Cổ phần hóa đi liền với thị trường chính khoán. Tuy nhiên thị trường này đang có nhiều kẽ hở, bị các đối tượng lợi dụng đưa lên cổ phần ảo..., làm lợi cho một số người, một số người phải phá sản.

Chính phủ cũng đã lập ban giám giám sát chặt chẽ việc này. Từ năm tới trở đi chúng tôi sẽ Thanh tra ráo riết việc này

- Xin cám ơn ông!

Hoàng Thắng
.
.
.