Tôn vinh những người 'lính thợ' toả sáng giữa đời thường

Thứ Tư, 29/07/2015, 22:43
Họ là những chiến sĩ, những đoàn viên Công đoàn. Ở bất cứ vị trí công tác nào, họ cũng luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lược ghi của CAND Online tại buổi giao lưu trong Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vinh quang người lính thợ”.
Tối 29/7, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị CAND phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) long trọng tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vinh quang người lính thợ”.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu trao biểu trưng tặng đoàn viên Công đoàn CAND tiêu biểu.

Tham dự chương trình có Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Uỷ viên Trung ương (UVTW) Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Bùi Quang Bền, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Phương Minh Hoà, UVTW Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND; đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Công đoàn ngành Trung ương, lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đặc biệt là 70 đoàn viên Công đoàn xuất sắc tiêu biểu của tổ chức Công đoàn CAND và QĐND trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2010-2015.

Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu, các đại biểu cùng 70 đoàn viên Công đoàn tiêu biểu tại lễ tuyên dương.

Sau phát biểu của Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng Ban tổ chức Lễ tuyên dương là phần giao lưu với các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động giỏi của lực lượng vũ trang.

MC: Chúng tôi được biết đồng chí thường xuyên đảm nhận một khối lượng công việc rất lớn. Bí quyết gì giúp đồng chí có thể hoàn thành tốt các công việc được giao?

Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Mơ (Phụ trách Ban Hành chính hậu cần, đảm nhiệm công tác văn thư - bảo mật - lưu trữ, kiêm công tác chính sách và thống kê chính trị Xưởng 965, Binh chủng Pháo binh, Bộ Quốc phòng): Khi được giao bất cứ nhiệm vụ gì tôi đều cố gắng hoàn thành, bên cạnh đó là sự đam mê. Tôi cũng học ở Bác Hồ tính thận trọng, tỉ mỉ trong công việc. Công việc có nhiều khó khăn, ban của tôi quân số không đông nhưng có tới 11 bộ phận và hoạt động ở 2 nơi đơn lẻ… Trong việc giải quyết chính sách, quyền lợi cho người lao động cũng vậy, nếu không kịp thời có thể nảy sinh thắc mắc, gây bức xúc trong anh em…

Còn về thành tích của đơn vị là công sức của Đảng uỷ, chỉ huy và tất cả anh chị em trong đơn vị chứ một mình tôi thì không thể làm được.

MC: Chúng tôi được biết, những năm qua, đồng chí cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm huyết học truyền máu Bệnh viện 19/8 đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ý nghĩa, trong đó không thể không kể đến 2 sản phẩm thành công trong lĩnh vực nhuộm hóa học tế bào. Chia sẻ một chút về những sản phẩm này, xin đồng chí cho biết cụ thể hơn, chúng đã được ứng dụng như thế nào trong công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện 19/8?

Thượng tá Trần Văn Tính (Bệnh viện 19/8, Bộ Công an): Đối với công việc của chúng tôi, việc vận dụng khoa học kỹ thuật để áp dụng vào công tác khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh là quan trọng. Trong 5 năm, 2010 - 2015 tôi cùng nhóm nghiên cứu có 2 công trình tiêu biểu, đó là chế tạo được 1 cơ chất và 1 bộ sản phẩm nhuộm hoá học tế bào, dùng để chẩn đoán thể bệnh bạch cầu cấp, từ đó ứng dụng vào điều trị cho bệnh nhân…

MC: Đứng chân trên địa bàn thị xã Dĩ An, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn của tỉnh Bình Dương, trường Trung cấp đào tạo nghề số 22 Bộ Quốc phòng nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ đào tạo nghề có tiếng. Điều gì đã làm nên uy tín đó của đơn vị, thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Thọ Luật (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề số 22, Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng): 5 năm qua nhà trường chúng tôi đào tạo trên 16.000 quân nhân xuất ngũ, sau đào tạo giải quyết việc làm cho 40 - 45%, lương ổn định 6 triệu đồng/ tháng. Đối với nhà trường, mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, sau đó giải quyết việc làm. Cách làm của chúng tôi là trong quá trình học đưa các em thực tập ở các đơn vị, xí nghiệp để nâng cao tay nghề, khi học xong thì các em cũng đã quen việc và được các đơn vị, xí nghiệp nhận vào làm…

Tiết mục văn nghệ chào mừng.
Các đại biểu tham gia giao lưu tại chương trình.

MC: Đồng chí hãy chia sẻ một chút về những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình tại Xí nghiệp In Nguyễn Minh Hoàng?

Đồng chí Huỳnh Thị Danh (công nhân Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng, Công an TP Hồ Chí Minh): Sau khi Công đoàn CAND và Công đoàn CATP HCM, Giám đốc xí nghiệp triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tích cực tham gia. Bản thân tôi có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho xí nghiệp.

Một trong số đó là làm sách gáy tròn. Trước đây chúng tôi dùng búa đập, một ngày 7 người đập chỉ được 500 quyển, khi tôi đề xuất làm bằng ống nước thì mỗi ngày 7 người có thể làm đc 900 quyển, tiết kiệm chi phí mua keo cho xí nghiệp…

MC: Chúng ta vừa lắng nghe việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của các anh chị trên sân khấu, vậy với đặc thù là vận động viên môn Quyền anh, chị có thể chia sẻ cho mọi người biết về công việc, cũng như sự phấn đấu cảu bản than như thế nào?

Thiếu uý Lê Thị Bằng (vận động viên môn Quyền anh, thuộc Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng II, Quân khu 7, Bộ Quốc phòng): Mình là con gái, xa gia đình, lại tập luyện môn thể thao dành cho nam này thì rất khó khăn, mà theo như con gái bên ngoài nói rất là “bạo lực”. Nhưng khi đã quyết theo đuổi thì mình quyết tâm vượt qua khó khăn để đạt được thành tích cao nhất.

Khi thi đấu mình chỉ muốn giành chiến thắng, để không phụ lòng của gia đình, thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè, cũng như mang lại thành tích không chỉ cho bản thân mà còn cho quốc gia…

Các điển hình tiên tiến tại chương trình giao lưu.
Các đại biểu tham gia giao lưu từ hàng ghế khán giả.

MC: Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các đồng chí; trong bản báo cáo thành tích một trong những điểm xuyên suốt là tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi đang tò mò, các đồng chí đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo như thế nào trong công việc của bản thân?

Trung uý Trần Quang Huy (Phóng viên Báo Công an nhân dân): là đoàn viên Công đoàn, chúng tôi luôn xác định phát huy tinh thần xung kích sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm của mình, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Biên tập, dù nơi đến là vùng sâu vùng xa hay hải đảo thì chúng tôi đều xác định phải nỗ lực, cố gắng viết bài phản ánh, tuyên truyền trên Báo CAND, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị…

Câu hỏi chung: Một câu chuyện đáng nhớ trong công việc, sự phấn đấu của các đồng chí?

Trung uý Trần Quang Huy: Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm báo của tôi là khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Hoàng Sa, tôi đã cùng 3 phóng viên có mặt vùng biển Hoàng Sa phản ánh hành động của Trung Quốc cũng như cuộc đấu tranh của các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư… buộc Trung Quốc rút giàn khoan… khi đến vùng biển Hoàng Sa tôi thấy vùng biển đấy thật gần và thân thương.

Thiếu uý Lê Thị Bằng: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là trong kỳ SEA Games vừa rồi, tham gia tập huấn tại Thái Lan, tập cùng các bạn nam, họ đấm mình rất đau, chảy máu mũi, lúc đấy thật sự rất đau, nhưng thâm tâm mình nghĩ thà chịu đau trên sàn còn hơn khi thi đấu bị thua…

Chương trình giao lưu nghệ thuật khép lại trong không khí sôi nổi và ấm cúng. Xen lẫn chương trình là những tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu ngành, yêu nghề, thể hiện khát vọng sống, học tập, lao động và cống hiến cho sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như chùm ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”; “Đất nước tình yêu”; “Trên công trường rộn tiếng ca”; “Lính thợ chúng tôi”; hay liên khúc hát múa “Hành khúc CAND; Tiến bước dưới quân kỳ”…

Quỳnh Vinh - Trần Xuân - Trần Ngọc
.
.
.