Tòa tối cao rút đề xuất tuổi nghỉ hưu nam thẩm phán từ 70 xuống 65

Thứ Ba, 22/04/2014, 16:23
Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi trước đây đề xuất nam thẩm phán TAND tối cao được làm việc đến 70 tuổi, nữ đến 65 tuổi, nay rút bớt 5 tuổi theo yêu cầu UBTV Quốc hội. Trong khi đó, có đề xuất thẩm phán được làm việc đến... 75 tuổi!

Sáng nay (22/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Góp ý về quy định tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong Tòa án nhân dân, đa số đại biểu đồng tình cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với địa bàn rộng, sẽ gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng tòa án, nếu quá nhiều vụ việc cần giải quyết thì mới thành lập thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Đáng chú ý, Điều 8, Dự thảo Luật quy định việc tòa án nhân dân Tối cao quản lý các tòa án nhân dân về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân. Như vậy, tòa tối cao “ôm” thêm khâu tổ chức cán bộ của tòa địa phương.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói thẳng, nếu Tòa án Tối cao thực hiện quá nhiều nhiệm vụ thì ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử. Dự luật quy định tòa án tối cao quản lý tòa án nhân dân các cấp về mọi mặt.

Trong khi đó, Hiến pháp quy định Tòa án Tối cao chỉ có 3 nhiệm vụ, thứ nhất là xét xử, thứ hai là giám đốc thẩm, thứ ba là tổng kết hoạt động xét xử và bảo đảm thống nhất hoạt động trong xét xử. Nếu quy định như dự luật là trái Hiến pháp và ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Xu hướng đề xuất nâng tuổi làm việc một lần nữa được gài vào luật. Khác với những đề xuất muốn nâng quá cao (lên tới 70 tuổi với nam, 65 với nữ), lần này dự luật đề nghị tuổi làm việc của thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với nam là 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi.

Các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Tuy nhiên, UBTV Quốc hội cho rằng, kéo dài thêm tuổi nhưng không được kéo dài thêm thời gian lãnh đạo. Do đó, quy định rõ thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Trong khi đó, thẩm phán ở tòa địa phương vẫn giữ nguyên tuổi, điều này khiến có ý kiến lo ngại sự bất bình đẳng vì nhiệm vụ, tính chất công việc là tương đồng, thậm chí thẩm phán ở tòa địa phương còn vất vả hơn, phải lo xử lý nhiều vụ việc hơn, vậy vì sao thẩm phán tòa tối cao lại được kéo dài hơn 5 năm?

M.Đ.
.
.
.