Toà không có quyền từ chối, luật dễ bị lợi dụng

Thứ Ba, 16/06/2015, 08:00
Thảo luận ở hội trường dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), quy định “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng” (khoản 2, Điều 4) trong dự thảo luật gây nhiều tranh cãi với hai luồng ý kiến trái chiều.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, đề ra nguyên tắc này chính là giao cho các thẩm phán một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi cao về năng lực và bản lĩnh, song đó là một đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, là nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân. “Quy định khắc phục một bất cập rất lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay là thấy khó thì không làm, thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp triệt để…” – đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên do có ý kiến lo lắng nước ta chưa hình thành nguồn án lệ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ, quy định thật rõ án lệ và đề nghị thêm tập quán pháp. Đồng thời quy định thời điểm có hiệu lực pháp luật của khoản 2, Điều 4 chậm hơn thời điểm có hiệu lực của bộ luật một vài tháng.

Đại biểu Trần Đình Nhã phát biểu ý kiến tại hội trường, sáng 15/6.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng ủng hộ điều này: “Đây là vấn đề mới, nên ủng hộ cái mới, bởi vì tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tôi khiếu kiện đến tòa là tôi đòi hỏi công lý, bây giờ anh lại từ chối tôi thì không công bằng”.

Nêu ra kinh nghiệm của một người làm thực tiễn và có điều kiện tiếp xúc với người dân, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho biết: “Lâu nay người dân cầm đơn yêu cầu tòa án giải quyết nhưng do không có điều luật, không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết nên tòa không giải quyết. Người dân tiếp tục cầm đơn đến các cơ quan hành chính nhà nước cũng không được, lên trung ương cũng không có, người dân cứ phải đi loanh quanh dẫn đến mỏi mệt nên sinh ra lắm chuyện”.

Đại biểu khẳng định, bổ sung quy định "Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng” là cần thiết. Đối với băn khoăn không có luật thì xử như thế nào, giải quyết như thế nào, đại biểu nêu thực tiễn, các thôn, bản không có luật nhưng già làng, trưởng bản làm tốt, hòa giải tốt bởi vì người ta có niềm tin, làm rất khách quan, có công bằng lẽ phải. Nhưng ông cũng lưu ý tòa án phải đào tạo, bồi dưỡng những thẩm phán có trách nhiệm cao, giải quyết công việc khách quan và có niềm tin vào công lý và kiên quyết bảo vệ công lý.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một luồng ý kiến phải đối bổ sung điều 4. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị: Cần phải hết sức cân nhắc bởi các tranh chấp về dân sự như hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động chưa có pháp luật điều chỉnh và đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện, trong khi điều kiện năng lực, trình độ thẩm phán chưa đồng đều.      

Nếu giải quyết vụ việc theo lẽ công bằng, tập quán, tương tự pháp luật thì khó khăn. Ông lấy ví dụ việc mang thai hộ, chuyển đổi giới tính đem ra Quốc hội tranh cãi còn khó có thể quyết định, trong khi việc quyết định về lẽ công bằng ở đây chỉ do một thẩm phán cấp huyện và 2 hội thẩm. “Chưa kể, trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết thế nào nếu lẽ công bằng của Tòa án cấp trên khác với lẽ công bằng của Tòa án cấp dưới…” – đại biểu Cường lưu ý thêm.

Cũng không đồng tình việc dự luật đưa vào nguyên tắc này, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế) phân vân: “Ban soạn thảo dường như chưa đủ sức thuyết phục, chưa nghiên cứu thực tiễn xem thời gian qua có bao nhiêu vụ việc toà từ chối vì không có luật”.

Ông cũng lo lắng, ai lường được rồi đây sẽ có người lợi dụng nguyên tắc này để đưa ra toà những vấn đề “thượng vàng hạ cám”, nào những yêu cầu giải quyết vấn đề quyền con người, yêu cầu quyền đảm bảo lợi ích của các tổ chức kinh tế, quyền khởi kiện của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các tổ chức tôn giáo…

“Tôi còn chưa nói đến việc toà có thụ lý và giải quyết các yêu cầu tranh chấp của ngư dân trên vùng biển Việt Nam hay không, rồi yêu cầu có quyền được chết của các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo… thì toà sẽ tiếp nhận và xử lý thế nào. Các đại biểu vận dụng Điều 102 Hiến pháp, cho rằng toà án sinh ra để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người nên toà phải nhận, phải xét xử, tuy nhiên Điều 103 Hiến pháp cũng quy định toà độc lập xét xử và chỉ căn cứ trên luật chứ không căn cứ điều gì khác” – đại biểu Nhã giải thích.

Cho rằng Bộ luật Tố tụng dân sự chi phối, tác động đến toàn bộ đời sống 90 triệu người dân Việt Nam và hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài, chưa kể hàng trăm ngàn người nước ngoài ở Việt Nam hoặc có liên quan đến Việt Nam nhưng thực tiễn tố tụng dân sự suốt nhiều thập kỷ qua kéo dài và quá chậm trễ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đưa ra một thực tế: “Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm, nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả, sống xa hoa và thách thức nạn nhân đi kiện...”.

Viện dẫn câu tục ngữ "công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối", đại biểu Nghĩa e ngại, tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm, tố dụng dân sự càng kéo dài thì đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động bị chậm lại theo.

“Tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Dự thảo hiện nay tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng theo tôi vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn mà tôi vừa nêu. Không thể dựa vào tình trạng quá tải của TAND TP Hồ Chí Minh và TAND TP Hà Nội mà quy định các thời hạn. Các thời hạn như dự thảo là quá dài” – ông nói.

Đại biểu Nghĩa đề nghị rút ngắn tất cả các thời hạn dành cho tòa án và cho các khâu của quá trình tố tụng xuống chỉ bằng một nửa như dự thảo; quy định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau và phải quy định trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi không thi hành án được…

Quỳnh Vinh – Vũ Hân
.
.
.