Tọa đàm về tình hình biển Đông và ra tuyên bố phản đối Trung Quốc

Thứ Bảy, 14/06/2014, 20:45
Cuộc tọa đàm về tình hình biển Đông đã diễn ra tại Hà Nội vào chiều 14/6, do Trung tâm Minh Triết tổ chức, đã thu hút đông đảo các nhân sĩ, trí thức và báo giới.

GS. Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhấn mạnh: Bên cạnh vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , việc Trung Quốc đang ráo riết xây dựng sân bay và căn cứ quân sự ở cụm đảo Gạc Ma, nơi vào năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm của Việt Nam, là vô cùng nguy hiểm, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực và thế giới! Vì thế, Trung tâm tổ chức buổi tọa đàm để mong muốn qua đó, các nhân sĩ, trí thức góp ý để làm gì cho biển đảo, đặc biệt là cho Gạc Ma của Việt Nam.

Các đại biểu cũng cho rằng: Việc đặt giàn khoan 981 và thái độ của Trung Quốc ở các hội nghị quốc tế cho thấy, không nên nhìn nhận sự kiện giàn khoan ở mức độ nhỏ, mà là bước chuyển giai đoạn của Trung Quốc tại biển Đông, khi bác bỏ những đối thoại với Việt Nam và các nước. Việc Trung Quốc có những bước đi trắng trợn và áp đảo đối với các nước trong khu vực không có nghĩa là Trung Quốc quá mạnh có thể làm gì cũng được. Nếu Việt Nam và các nước trong khu vực có những chính sách phù hợp, và hiểu rằng vấn đề biển Đông không phải của Việt Nam và Trung Quốc, mà là của Trung Quốc với cả thế giới. Chúng ta có trách nhiệm phối hợp với các nước trong khu vực để bảo vệ sự hòa bình. Chúng ta minh bạch vấn đề với toàn dân thì sẽ tìm được sự nhất trí cao, giải quyết được tình hình, đồng thời, tranh thủ được sự hậu thuẫn của các nước và thế giới. Đây là lúc sống còn, phải đặt quyền lợi của quốc gia trên hết, phải bảo vệ chủ quyền, quan hệ của Việt Nam bước sang một trang khác.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự cũng đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến vấn đề Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988: Gạc Ma như là một cái chốt quan trọng, vì thế Trung Quốc khao khát “gỡ” cái đó trước, để dần chiếm cái khác.

Sau khi thảo luận về tình hình nghiêm trọng do Trung Quốc đang gây ra trên biển Đông, các nhân sĩ, trí thức đã ra Tuyên bố về hành động phi pháp và nguy hiểm của Trung Quốc ở Gạc Ma:

1. Đồng thời với việc cho nhiều tàu chiến đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc với ý đồ đánh lạc hướng dư luận, để làm việc đã rồi, đang cấp tập xây dựng ở Gạc Ma và bãi Chữ Thập,  những căn cứ quân sự nổi, thách thức trực tiếp chủ quyền và an ninh của Việt Nam và các nước trong khu vực, uy hiếp tuyến giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới. Đây là hành động “tằm ăn dâu”, lấn dần, để nối kết cái gọi là “đường lưỡi bò 9 vạch” nhằm bá chiếm toàn bộ Biển Đông.

2. Trung Quốc đã dùng lực lượng quân sự đánh chiếm Gạc Ma, bãi Chữ Thập và một số đảo và bãi đá tại Trường Sa của Việt Nam năm 1988, đã khiến cho 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bỏ mình lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Với hành động ấy, Trung Quốc đã ngang ngược chà đạp lên điều 2 của Công ước quốc tế về Luật Biển của LHQ năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết. Là một thành viên của LHQ, lại là Ủy viên thường trực HĐBA/LHQ, những sự việc này cho thấy Trung Quốc đã hành xử như một kẻ xâm lược.

3. Chúng tôi cực lực lên án mọi hành động phi pháp, trái đạo lý và nguy hiểm, vô trách nhiệm của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng tôi ủng hộ chính phủ Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia, vận dụng những công cụ pháp lý quốc tế để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, kể cả việc sớm đưa Trung Quốc ra kiện tại tòa án quốc tế.

4. Chúng tôi kêu gọi các Chính phủ và dư luận trên thế giới hãy lên án mọi hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, đòi phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và đình chỉ việc xây dựng những căn cứ quân sự nổi tại  Gạc Ma và vùng chung quanh, trả lại sự bình yên cho toàn Biển Đông

Thanh Hằng - Lưu Hiệp
.
.
.