Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào

Thứ Bảy, 09/10/2010, 08:45
Theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong các ngày từ 30/9 tới 11/10, gần 200 đại biểu kiều bào từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về Thủ đô Hà Nội tham gia các hoạt động chào mừng Đại lễ.  Đoàn đại biểu về dự Đại lễ đều là những cá nhân ưu tú, đại diện cho các thế hệ kiều bào người Việt ở nước ngoài qua các thời kì, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Trong số gần 200 đại biểu, có những cái tên đã trở nên rất nổi tiếng như bà Nguyễn Văn Ký (Therese Ký), 81 tuổi, Việt kiều Pháp - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, Tiến sĩ y khoa, đã từng tham gia phong trào yêu nước những năm 60 thế kỷ trước, từng được Nhà nước Việt Nam tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Nhà nước Pháp tặng Huân chương Công trạng; GS Lê Trọng Văn - Việt kiều Mỹ, 80 tuổi, nhà nghiên cứu văn hóa, chính trị nổi tiếng tại Mỹ; ông Trần Bá Phúc - luật sư, Chủ tịch Hội Việt kiều Úc châu, có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy thương mại song phương Việt - Úc, được Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen... 

Kiều bào làm lễ dâng hương ở cố đô Hoa Lư.

Ngay khi đặt chân tới Hà Nội, đoàn đại biểu kiều bào đã tham gia nhiều hoạt động chào mừng Đại lễ: tập diễu hành phục vụ cho lễ diễu hành ở Quảng trường Ba Đình sáng 10/10; dâng hương ở tượng đài liệt sĩ, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hành hương về cố đô Hoa Lư, thăm đình vua Đinh, vua Lê, chùa Bái Đính; dâng hương ở đền Đô, chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh); tham quan vịnh Hạ Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Gần 200 đại biểu là hình ảnh đại diện cho gần 4 triệu kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, kết tinh tâm hồn Việt khắp năm châu hướng về Thủ đô, hướng về Tổ quốc với niềm tin yêu, tự hào sâu sắc.

GS Lê Trọng Văn - Việt kiều Mỹ

Rất nhiều người Mỹ hỏi tôi: Việt Nam bây giờ thế nào? Tôi chỉ cười, muốn biết thì hãy tới Việt Nam. Tôi vẫn cho rằng, người Mỹ chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Bởi thế, dịp Đại lễ này là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra quốc tế, giúp bạn bè năm châu hiểu hơn về truyền thống, văn hóa của người Việt. Tôi đã 80 tuổi - cái tuổi ngại di chuyển, nên khi nhận được lời mời về Việt Nam, con cháu tỏ vẻ nghi ngại. Nhưng, tôi nghĩ, đây là vinh dự lớn nhất trong đời tôi. Tôi không thể sống để chờ đợi 1.000 năm nữa. Và tôi quyết định rất nhanh. Tôi đặt vé để trở về trước ngày khai mạc Đại lễ. Tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng đặc biệt ấn tượng với vịnh Hạ Long. Đó thực sự là một kì quan thiên tạo hùng vĩ, xinh đẹp, đầy bí mật và cuốn hút.

 

Bà Nguyễn Thị Kim - 75 tuổi, Việt kiều Pháp

Mọi người sợ tôi nhiều tuổi, không đủ sức khỏe để tập diễu hành, nên kêu tôi ở khách sạn nghỉ ngơi. Tôi nói ngay, tôi có thể đi từ Pháp về đây được, sao lại không thể đi tập diễu hành. Tôi thấy hạnh phúc khi được cầm lá cờ Việt Nam. Trong đoàn, ai cũng ngạc nhiên vì thấy tôi càng tập càng khỏe ra, di chuyển linh hoạt hơn. Tôi đưa cả con trai, cháu nội về dự Đại lễ. Lũ trẻ được sinh ra tại Pháp, mang quốc tịch Pháp, tôi muốn chúng phải hiểu rằng, chúng là người Việt Nam để tự hào hơn về truyền thống của cha ông. Sống ở Pháp gần 60 năm nhưng chưa khi nào tôi quên mình là người Việt. Gặp bạn bè quốc tế, tôi vẫn hãnh diện khoe: Tôi là người Việt Nam.

 

 

Ông Hà Thủy Nguyên - Việt kiều New Zealand

Nhận được lời mời về dự Đại lễ, tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện, tự hào. Tôi sang New Zealand từ năm 1980, khi ấy Việt Nam vẫn còn trong chế độ bao cấp, mọi thứ còn rất thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn. 4 năm trước, tôi quyết định về Việt Nam đầu tư kinh doanh khách sạn bởi nhận thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam rất an toàn. Năm trước, tôi có dịp đi miền Tây, thấy đồng bào mình còn nghèo quá. Tôi quyết định đầu tư xây dựng khu chế xuất nông sản ở Cần Thơ, phối hợp với các đơn vị nước ngoài bao tiêu nông sản cho nông dân. Cộng đồng người Việt ở New Zealand không nhiều như các quốc gia lớn khác, nhưng mọi người sống với nhau rất đoàn kết. TP Aukland tập trung rất đông người Việt. Mọi người thường tụ họp, hỏi thăm nhau, giúp đỡ nhau. Không ai quên mình mang dòng máu Việt

Lâm Khánh Vy
.
.
.