Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách:

Tìm giải pháp giúp nền kinh tế thoát khỏi “sức ỳ”

Thứ Tư, 22/05/2013, 22:15
Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, các đại biểu bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đồng thời hiến kế giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như thu ngân sách, nợ xấu, tái cơ cấu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân cũng như gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng với thị trường bất động sản...

Tại buổi thảo luận ngày 22/5, hầu hết các đại biểu bày tỏ băn khoăn về những khó khăn kinh tế chúng ta đang phải đối mặt. Tại tổ của đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh, 3 đại biểu cho rằng, tình hình hiện nay khó khăn hơn nhiều, nhưng giải pháp đưa ra lại giống những năm trước, chưa có bước nào đột phá. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng: So với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam thì có sự vênh nhau, cần phải xem xét đánh giá lại.

Về vấn đề thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2013, phần đánh giá tình hình cũng cần xem xét lại thật nghiêm túc, vì tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đánh giá không lạc quan. “Thời gian còn lại của năm 2013 không nhiều, với những gì đã làm được như hiện nay thì khó đạt chỉ tiêu. Vậy liệu có nên đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu hay không” - đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị. Ông nhận định: “Việc thực hiện nhiệm vụ năm 2013 sẽ rất khó khăn chứ không phải thuận lợi nhiều hơn như trong báo cáo”.

Chia sẻ điều này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho rằng, đánh giá hiện giờ chưa chuẩn, đồng chí A bảo tốt, đồng chí B lại bảo chưa tốt. “Tôi lấy ví dụ, họp Thường vụ Quốc hội, có đồng chí nói tình hình kinh tế khả quan, nhưng người khác lại nói bức tranh kinh tế vô cùng ảm đạm. Báo cáo bảo hộ nghèo giảm nhanh nhưng thực tế lại chưa giảm. “Như vậy có vấn đề là đánh giá khác nhau, có nguyên nhân là con số chưa khớp. Chưa nói ai sai, ai đúng, nhưng nợ xấu, nợ công, người thất nghiệp, số doanh nghiệp giải thể con số cũng khác nhau. Tôi mong xem lại số liệu thống kê, bởi nếu định bệnh không thống nhất thì khó có thuốc chuẩn”, bà An nói. 

Tái cơ cấu còn chung chung

Một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu rất quan tâm là việc tái cơ cấu nền kinh tế. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay công tác này chưa có kết quả. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 với hàng loạt giải pháp, nhưng sau 5 tháng, nhiều vấn đề chưa đi vào cuộc sống. Ông Lịch cho rằng phải có những đột phá về chính sách tài khóa, tiền tệ để vực dậy nền kinh tế, vượt qua giai đoạn “nghiêm trọng” này.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, trong năm 2013 phải tập trung vào 3 giải pháp lớn là chấp nhận tăng bội chi ngân sách; tăng dư nợ tín dụng ít nhất 12% và tập trung vào tái cấu trúc DN Nhà nước. Ông cho rằng, tình hình hiện nay nghiêm trọng, vì giai đoạn kinh tế khó khăn đã diễn ra 6 năm, từ năm 2008 đến giờ và chưa có dấu hiệu ngừng lại, trong khi giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1999, chỉ 3 năm là chúng ta vực được dậy. Không thể điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ như cách bình thường được. “Theo tôi, chúng ta nên mạnh dạn xây dựng chương trình 3 năm phục hồi kinh tế 2013 – 2015, chứ không nên đeo bám những mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Ví dụ trong chính sách tiền tệ, công cụ lãi suất đã tác dụng rất ít rồi, bởi vì nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Nguy cơ tái lạm phát cao, tôi cho rằng không xảy ra trong năm 2013 – 2014. Giai đoạn này cho phép chúng ta sử dụng công cụ tiền tệ linh hoạt để tăng trưởng tín dụng, thậm chí nếu cần thiết, chúng ta “nuôi nợ để đòi nợ”, để nuôi dưỡng doanh nghiệp”, ông Lịch nói. 

Về khối DN Nhà nước, ông Trần Du Lịch cho rằng, có một nguồn lực khổng lồ đang rải rác ở các tập đoàn, tổng công ty, cần phải được gom lại để tạo nguồn lực. “Đây là một lực lượng, một nguồn tài sản rất quan trọng, không huy động được mà lại lo trả nợ cho họ thì không được. Một số cổ phần Nhà nước ở DN trên thị trường bán được chúng ta bán bớt đi, gom nguồn lực lại sử dụng một cách có hiệu quả chứ không để tản mạn một mớ ở các tổng công ty, mớ ở tập đoàn, mớ ở SCIC, một số ở chỗ nọ chỗ kia. Chúng ta phải chấp nhận trả nợ cho một số DN, hay giải thể, phá sản một số DN để đầu tư vào chỗ khác, chấp nhận mất cái này để được cái khác có lợi hơn”... Đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng cho rằng, có thể chấp nhận lạm phát 8%, hay thậm chí 9% trong năm nay để khôi phục kinh tế...

Đại biểu QH thảo luận tại tổ ngày 22/5.

Xử lý nợ xấu cần có đề án tổng thể

Về bài toán khó giải quyết nợ xấu trong năm nay, đại biểu Nguyễn Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, đây chính là “cục máu đông”, nếu không được xử lý sẽ làm cho nguồn vốn ngân hàng không lưu thông được. “NHNN đã nỗ lực giải bài toán nợ xấu bằng cách cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ (khoảng 270 nghìn tỷ đồng). Giải pháp thứ hai là chỉ đạo tổ chức tín dụng trích lập dự phòng và sử dụng nguồn này để xử lý nợ xấu. Năm vừa qua xử lý được 60 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến không thuận lợi. Khoản nợ đã cơ cấu lại trong thời gian qua tiếp tục trở lại thành nợ xấu, phát sinh nợ xấu mới, gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế”, ông Hùng cho biết. Các đại biểu đều cho rằng, xử lý nợ xấu là vấn đề phức tạp, mất nhiều thời gian, tốn kém. Để xử lý nợ xấu cần có đề án tổng thể.

Vàng chênh lệch khủng, ai hưởng lợi?

Câu chuyện kinh doanh vàng SJC và sự chênh lệch “khủng” giữa vàng trong nước và quốc tế tiếp tục làm nóng phiên thảo luận. Về đấu thầu, quản lý thị trường vàng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) lo lắng “sự đạt được của ngân hàng so với thiệt hại nhân dân đang gánh chịu thì cái gì lớn hơn”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng nêu băn khoăn của cử tri và đại biểu về việc tạm xuất, tái nhập trên 10 tấn vàng. “Thế thì ai, DN nào được tạm xuất, tái nhập lượng vàng này. Không phải DN nào cũng được cấp qouta này?”. 

Đại biểu phân tích, đến giờ, chênh lệch trên dưới 6 triệu đồng/lượng, rào cản gì khiến giá vàng trong – ngoài nước không kéo lại với nhau. Sau gần 20 phiên đấu thầu, giá vàng lại kéo giãn ra? Tại sao NHNN lại ấn định giá vàng để đấu thầu mà không theo giá thị trường? Vàng thế giới là 36 triệu đồng/lượng mà NHNN lại đặt khởi điểm là 41 triệu đồng/lượng. Đấu thầu chênh lệch vậy thì ai hưởng lợi?

Còn theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Nghị định 24 không nói gì đến chuyện độc quyền vàng miếng. Do đó, phải xem lại việc tổ chức thực hiện của NHNN với những Nghị định của Chính phủ về nội dung này. 

Nhìn chung, nhiều đại biểu sốt sắng và lo lắng, nêu cao trách nhiệm để tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi sức ỳ. Hi vọng sẽ có những giải pháp hiệu quả qua cuộc thảo luận của các đại biểu Quốc hội

Đại biểu Trần Du Lịch.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Không nên cả nể, xuê xoa khi bỏ phiếu tín nhiệm

Bên lề phiên thảo luận, đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ về việc lấy phiếu tín nhiệm sắp tới...

Ông đánh giá thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này?

Rất hoan nghênh là tôi đã nhận được bản kiểm điểm công việc của các chức danh 1 tuần trước kỳ họp. Phải nói rằng, xét trên chức năng, nhiệm vụ, các vị đều trình bày khá rõ những mặt làm được, những vấn đề tồn tại. Với trách nhiệm của đại biểu, chúng tôi đã đối chiếu tình hình, có cân nhắc phần nào là trách nhiệm chung, phần nào trách nhiệm yếu kém do quản lý của riêng anh một cách minh bạch qua ý kiến cử tri, đặc biệt qua cả truyền thông nữa. Lần này mới lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá mức độ, chứ chưa đến giai đoạn bỏ phiếu tín nhiệm, thành ra tôi cho rằng kỳ bỏ phiếu này để cho những người có trách nhiệm do QH bầu và phê chuẩn thấy được rằng ý kiến của cử tri thông qua ĐBQH về mình như thế nào? Các tư lệnh ngành, các chức danh đang lo lắng không biết các cử tri đánh giá mình như thế nào, thì qua đây họ sẽ biết.

- Ông đánh giá cao phẩm chất gì của “tư lệnh ngành” khi nhiều ý kiến cho rằng do có lấy phiếu tín nhiệm khiến họ ngại đụng chạm, làm ít vì sợ làm sẽ sai?

Tôi thì đánh giá rất cao “tư lệnh ngành” nào trong 1, 2 tháng gần đây mạnh dạn làm. Có thể sai nhưng lăn xả vì công việc là tôi đánh giá cao.

- Nhiều người cho rằng tâm lý cả nể, xuê xoa của người Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến bỏ phiếu?

Đúng là có tâm lý đó. Nhưng tôi nghĩ ĐBQH cần nêu cao trách nhiệm với dân. Chúng ta không nên cả nể, xuê xoa với nhau mà phải công tâm. Không để quan hệ cá nhân vào đây.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP Hồ Chí Minh: Nông nghiệp loay hoay trong vòng luẩn quẩn

Kỳ họp Quốc hội trước chúng ta nói rằng nông nghiệp là cứu cánh cho nền kinh tế quốc gia và nói xuất khẩu đem lại ngoại tệ cho quốc gia. Vậy mà trong báo cáo cũng có vấn đề chưa yên tâm về nông nghiệp. Một loạt chính sách đưa ra, nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết liệt. Năm nào cũng vậy, đến mùa thì mất giá. Hay việc mua lúa gạo tạm trữ cho nông dân cũng vậy, không ổn định, không nhất quán, không giải quyết được vấn đề nông dân quan tâm. Năm vừa rồi lúa tràn ngập trong dân thì chúng ta không mua được. Vấn đề này không phải mới, năm nào cũng vậy.

Tôi đặt ra câu hỏi chính sách đã hợp lý chưa, giải pháp đã hợp lý chưa? Không riêng gì lúa gạo, cả chăn nuôi, thủy sản… tất cả mọi lĩnh vực của nông nghiệp loay hoay trong vòng luẩn quẩn khó khăn, và cuối cùng khó khăn vẫn dồn về người nông dân.

Đại biểu Phạm Huy Hùng, Hà Nội: Ngân hàng đang tồn đọng tiền

Tình hình kinh tế chưa bao giờ khó khăn như năm 2012. Năm 2013 này cũng sẽ vậy. Nhiều ngân hàng thương mại hiện đang xảy ra tình trạng cạnh tranh giảm mạnh lãi suất cho vay để thu hút khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nhưng vẫn không tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, đến giữa tháng 5, có ngân hàng tổng tín dụng đầu tư giảm 4,2%, mức giảm chưa bao giờ có. Thậm chí có gói lãi suất cho vay giảm đến 7 – 8% mà vẫn không thu hút được. Chưa bao giờ ngược đời như thế, lãi suất huy động thì cao, lãi suất cho vay giảm mà vẫn không tăng trưởng. Năm 2012, 4 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng trên 3% mà năm nay, đến giữa tháng năm vẫn âm. Có thể nói, đến nay lãi suất không còn là rào cản đối với việc tiếp cận vốn của DN. Bản thân các ngân hàng không cho vay được, trong khi nguồn huy động khá dồi dào dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều ngân hàng đang tồn đọng tiền. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các ngân hàng, làm suy giảm đáng kể lợi nhuận đọng vốn.

Vũ Hân - Kim Quý
.
.
.