Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi chống người thi hành công vụ

Thứ Hai, 15/04/2013, 09:34
Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương pháp luật và tình hình ANTT, gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các dự thảo luật liên quan đến việc bảo vệ người thi hành công vụ và xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ.

PV: Thưa đồng chí, thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ trên toàn quốc xảy ra như thế nào?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tội phạm và các hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, các vụ việc chống người thi hành công vụ tăng đột biến từ trung bình khoảng 500 vụ/năm lên trên 800 vụ/năm, diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tập trung ở các lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, bảo vệ rừng và giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự ở cơ sở. Tội phạm chống người thi hành công vụ không chỉ để ngăn cản việc thi hành công vụ, chạy trốn khi bị bắt giữ mà còn manh động tấn công gây thương vong cho lực lượng thi hành công vụ, giải cứu đồng bọn, cướp lại tang vật, thậm chí một số băng nhóm tội phạm còn có ý đồ tấn công để đe dọa cán bộ.

10 năm qua, các hành vi chống người thi hành vụ đã làm hàng trăm cán bộ, công dân hy sinh và hàng ngàn người bị thương, trên 280 cán bộ, chiến sĩ Công an phơi nhiễm HIV/AIDS. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, đã có gần 30 cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm và người thi hành công vụ thuộc các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng hy sinh do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra. Bên cạnh đó, rất nhiều cơ sở vật chất, phương tiện, tài sản của Nhà nước và xã hội bị đối tượng chống người thi hành công vụ phá hủy hoặc làm hư hỏng nặng. Từ tháng 1-2011 đến hết tháng 12-2012, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 382 vụ việc chống người thi hành công vụ, trong đó đã khởi tố hình sự 291 vụ, xử phạt hành chính 91 vụ.

Trung tướng Phạm Văn Vĩnh, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm. Ảnh: Nguyễn Hưng

Lực lượng thi hành công vụ bị chống đối chủ yếu và thường xuyên là: Cảnh sát giao thông; Cảnh sát cơ động; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy; Cảnh sát hình sự; Cảnh sát 113; Công an phường, Công an xã; Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng. Trong đó, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Cảnh sát hình sự thường xuyên phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm, chúng sẵn sàng dùng vũ khí và hung khí tấn công nếu bị lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện, truy bắt. Đối tượng chống người thi hành công vụ chủ yếu là những tên tội phạm nguy hiểm, thanh thiếu niên hư và các đối tượng coi thường pháp luật. Điều đáng nói nữa là một số đối tượng còn có hành vi giả mạo là Công an, Nhà báo, cán bộ một số cơ quan trọng yếu của Nhà nước hoặc người thân của các đồng chí lãnh đạo để đe dọa, cản trở, chống đối lại các lực lượng làm nhiệm vụ.      

PV: Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng ngang nhiên chống người thi hành công vụ?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một trong những nguyên nhân trực tiếp là do chế tài xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Việc quy định khung hình phạt khởi điểm của tội chống người thi hành công vụ hiện nay (Điều 257, Bộ luật Hình sự) chỉ ở mức cải tạo không giam giữ là chưa tương xứng, đặc biệt là các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, tái phạm nguy hiểm.

PV: Trước những nguy hiểm do đối tượng chống người thi hành công vụ gây ra, cần có những biện pháp gì để ngăn chặn và xử lý nghiêm, thưa đồng chí?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của công dân, nâng chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với người vi phạm để răn đe, còn cần phải nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ và chấn chỉnh tư thế, tác phong, lề lối làm việc cho những người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ phải thực sự tôn trọng nhân dân, có thái độ đúng mực; làm việc đúng quy định của pháp luật, của ngành, làm đúng nguyên tắc nhưng không cứng nhắc; phải coi trọng các biện pháp bảo vệ sự an toàn của bản thân và của người khác. Đặc biệt, cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết giải thích, biết vận động quần chúng để người vi phạm phải tôn trọng và tâm phục, khẩu phục khi bị xử lý. Trong quá trình làm nhiệm vụ, lãnh đạo chỉ huy các đơn vị cần quan tâm trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, có phương án công tác, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công để vừa đảm bảo hiệu quả công tác, vừa có thể phòng ngừa, hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đồng thời kiên quyết, mưu trí khống chế, vô hiệu hóa hành vi chống đối của đối tượng vi phạm và giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.    

PV: Thưa đồng chí, dự thảo Nghị định có nêu vấn đề dư luận đang rất quan tâm, đó là người thi hành công vụ được phép nổ súng. Điều này có phù hợp với các luật và pháp lệnh có liên quan?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Việc nổ súng của người thi hành công vụ trong dự thảo Nghị định chỉ là biện pháp cuối cùng và trong trường hợp thực sự cần thiết để loại bỏ hành vi chống người thi hành công vụ mà nếu như không được ngăn chặn kịp thời thì các hành vi này sẽ xâm hại ngay tới tính mạng của người thi hành công vụ và người dân hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác. Theo đó, Điều 17 của dự thảo Nghị định nêu rõ: Trong trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm sau khi đã được giải thích, tuyên truyền thì người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật được trang bị để buộc người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt ngay hành vi vi phạm và tuân thủ hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ. Điều 18 dự thảo Nghị định quy định: Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng, hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác, hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ và vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ quy định người thi hành công vụ được nổ súng không trái quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Công an nhân dân và các quy định khác của pháp luật; đồng thời là sự cụ thể hóa quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật.

PV: Có một số ý kiến lo ngại quy định người thi hành công vụ được nổ súng liệu có thể xảy ra tình trạng lạm quyền, thưa đồng chí?

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Trong bối cảnh tình hình tội phạm ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, chúng sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ, thì việc cho phép cán bộ, chiến sĩ Công an được nổ súng trong trường hợp họ bị tội phạm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe không những góp phần răn đe tội phạm mà quan trọng hơn còn bảo vệ tính mạng của người thi hành công vụ, tính mạng, tài sản của công dân, giữ gìn kỷ cương xã hội. Pháp luật thực định của Nhà nước ta, từ lĩnh vực hành chính đến lĩnh vực hình sự đều có quy định xử lý hành vi lạm quyền của người thi hành công vụ tùy theo tính chất, mức độ. Kế thừa tinh thần đó, dự thảo Nghị định cũng đã quy định rõ những hành vi nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ, trong đó đảm bảo nguyên tắc người thi hành công vụ được nổ súng trong trường hợp cần thiết nhằm ngăn chặn, khống chế tội phạm, bảo vệ người thi hành công vụ, bảo vệ nhân dân nhưng không được lạm dụng quyền hạn này để xâm phạm trái pháp luật quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Trung tướng!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.