Tiến tới xây dựng một ASEAN không có ma túy vào năm 2015

Thứ Bảy, 24/04/2010, 12:10
Trên cương vị Chủ tịch AIPA (Liên nghị viện các nước Đông Nam Á) nhiệm kỳ 2009 - 2010, sau các hội nghị về vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật; hội nghị hậu khủng hoảng và phát triển bền vững, trong các ngày 23 và 24/4 tại TP HCM, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề AIPA về "Điều tra thực trạng nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy lần thứ 7".

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ tới các nghị sỹ AIPA và quan sát viên đặc biệt của AIPA cùng quan khách quốc tế: Hy vọng thông qua việc tổ chức các hội nghị chuyên đề này, Quốc hội Việt Nam không chỉ thực hiện nghĩa vụ của một thành viên AIPA, mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tham gia tích cực, ngày càng có hiệu quả và đóng góp thiết thực cho sự lớn mạnh của AIPA.

Trên phương diện quốc gia, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy từ năm 2001 và thành lập Ủy ban quốc gia về phòng chống ma túy do một Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và là thành viên tích cực của Liên hiệp quốc trong công cuộc phòng chống ma túy.

Đại diện đoàn nghị sỹ các nước AIPA chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Đ.T.).

Cụ thể, ngay từ các năm 1961, 1971 và 1972 Việt Nam đã phê chuẩn công ước kiểm soát ma túy; công ước về chất gây nghiện và công ước cấm vận chuyển các chất gây nghiện. Điều này đã thể hiện quyết tâm, đồng thời mở ra hàng loạt các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định, dù đã đạt được những kết quả quan trọng, thì sự nghiệp đấu tranh bài trừ ma túy ở Việt Nam nói riêng, các nước thành viên ASEAN nói chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng buôn bán bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp các loại hóa chất, tiền chất vào mục đích sản xuất các chất ma túy đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Việc xuất hiện các băng nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia với sự tham gia của nhiều đối tượng thuộc các quốc tịch khác nhau, kể cả các đối tượng nằm ngoài khu vực đang là những thách thức lớn cho cơ quan phòng chống ma túy và Chính phủ các nước ASEAN

Đức Thắng
.
.
.