Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ "Vedan "bức tử" sông Thị Vải"

Thứ Năm, 18/09/2008, 05:00
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm và tới tận cùng vụ việc này. Đây sẽ là bản án răn đe cho tất cả các doanh nghiệp muốn kiếm lợi nhuận tối đa, bất chấp những vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
>> Vedan "che mắt" cơ quan chức năng, xả nước thải ra sông/ Chùm ảnh ô nhiễm trên dòng sông Thị Vải

Ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 15/9/2008, đoàn kiểm tra của Bộ phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an đã có đủ căn cứ khẳng định, Công ty Vedan có khối lượng dịch thải sau lên men xả ra môi trường lên đến 44.800m3/tháng, nước thải hơn 5.159m3/ngày.

Vedan tái phạm nhiều lần

Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động năm 1993 đến nay, Công ty Vedan liên tiếp có nhiều sai phạm gây ô nhiễm môi trường: Năm 1994, công ty thải hóa chất ô nhiễm làm thủy sản chết hàng loạt trên sông Thị Vải; năm 2005, Vedan mới đồng ý đền bù với danh nghĩa hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản với số tiền 15 tỷ đồng; năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai qua kiểm tra đã phát hiện Vedan có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 5.600 lần…

Hiện Công ty Vedan đã bị tạm đình chỉ hoạt động để cơ quan chức năng điều tra làm rõ sai phạm.

Toàn cảnh nhà máy Vedan chụp từ vệ tinh (Ảnh do Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an cung cấp).

Trước mắt Vedan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng và mức phạt tiền tối đa của các khung hình phạt: Tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đình chỉ hoạt động để khắc phục ô nhiễm môi trường; Vedan có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với hành vi gây ô nhiễm của công ty.

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ khởi tố hình sự Công ty cổ phần Hữu hạn Vedan.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm và tới tận cùng vụ việc này. Đây sẽ là bản án răn đe cho tất cả các doanh nghiệp muốn kiếm lợi nhuận tối đa, bất chấp những vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thẳng thắn phân tích: Nếu ngừng hoạt động của Công ty Vedan, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề khá phức tạp: nhiều người lao động mất việc làm, sản lượng đáng kể nguyên liệu khoai mì của bà con nông dân khó tiêu thụ, thất thu một phần thuế…, nhưng không vì thế mà nương nhẹ những sai phạm nghiêm trọng của công ty này.

Vedan từng phải bỏ ra số tiền đền bù do ô nhiễm môi trường tới 15 tỷ đồng, nhưng vẫn tiếp tục sai phạm, chứng tỏ Vedan đã thu được siêu lợi nhuận do không tuân thủ quy trình xử lý chất thải.

Tới đây, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mức độ thiệt hại về môi trường, sức khỏe người dân mà Vedan phải chịu trách nhiệm. Thông thường, một công ty phải bỏ ra 10-20% tổng kinh phí đầu tư xây dựng khu công nghiệp để xử lý chất thải gây ô nhiễm. Nhưng theo báo cáo của Vedan khi mới xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, họ chỉ bỏ ra 1,5/100 triệu USD kinh phí để xử lý môi trường. 

Sẽ còn nhiều "Vedan" khác bị tố giác

Không chỉ có Công ty Vedan, mà còn có nhiều công ty, khu công nghiệp khác có sai phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường sẽ bị tố giác trong thời gian tới - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên.

Trước mắt, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tại lưu vực sông Thị Vải, cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp Giấy Mỹ Xuân có những hành vi gian dối trong xử lý chất thải tương tự như Vedan với khối lượng lớn, doanh nghiệp thủy sản Tiến Đạt có hệ thống xử lý chất thải "ngụy trang", nhưng đã phát hiện đường ống ngầm đấu nối ra sông Thị Vải.

Hiện khu vực sông Thị Vải bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, kéo dài do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng, mùi hôi và vi khuẩn. Ngoài khối lượng lớn chất thải của Công ty Vedan, còn có nguồn chất thải lên tới hàng ngàn m3/ngày của khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (gồm 4 Công ty SY.Vina, Hualon, Choong Nam, Nam Phương), Nhơn Trạch 1, Gò Dầu, Nhơn Trạch 3, Mỹ Xuân A, A2, Phú Mỹ 1… không được xử lý hoặt xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật.

Năm 2005, với chiều dài 76km, trong đó có khoảng 4km bị ô nhiễm nghiêm trọng, dự báo sông Thị Vải sẽ có 10km không còn sự sống và thành dòng sông chết vào năm 2010.

Nhưng đến nay, với tốc độ ô nhiễm trên con sông này đã nhanh hơn dự báo với 15km ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Nhìn vào những con số đáng báo động ở lưu vực sông Thị Vải, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tìm ra lời giải thỏa đáng cho bài toán phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường

Thanh Loan
.
.
.