Phiên họp ngày 25/11, Quốc hội khóa XIII:

Thu hẹp đối tượng được sử dụng nhà công vụ

Thứ Tư, 26/11/2014, 15:06
Với 385 đại biểu tán thành, chiếm 77,46% tổng số đại biểu, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua trong phiên làm việc chiều 25/11. Đáng chú ý, so với dự thảo lần trước đã được Quốc hội góp ý, dự án Luật được thông qua đã thu hẹp phạm vi đối tượng được sử dụng nhà công vụ.
Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)

Cụ thể, nếu là cán bộ, công chức ở trung ương thì giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên, nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được xét thuê nhà công vụ. Các đối tượng trên phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác và một số điều kiện khác.

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức khác nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ như đối tượng là giáo viên, bác sĩ. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn thực hiện việc cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ. Cụ thể, người đang thuê, thuê mua nhà ở thuộc diện bị thu hồi phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở.

Trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.

Chiều 25/11, Quốc hội đã thảo luận về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Với nhiều bất cập của Luật hiện hành dẫn đến kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, còn nhiều khoản chi lãng phí, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến để tăng thẩm quyền quyết định ngân sách của Quốc hội, tăng công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình để người dân có thể giám sát trực tiếp việc sử dụng ngân sách, vì đó là tiền của nhân dân đóng góp.

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng cần thiết phải sửa luật hiện hành, bởi hệ thống ngân sách (NS) mang tính lồng ghép dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo; quy trình NS phức tạp; phạm vi thu chi chưa rõ ràng; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách chưa phù hợp; căn cứ xây dựng dự toán NS chưa đầy đủ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra; quy định về trách nhiệm giải trình trước các cơ quan dân cử chưa cụ thể; công khai minh bạch NSNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng dự thảo lần này vẫn mang tính lồng ghép, Quốc hội quyết định NSNN bao gồm NS trung ương và NS địa phương, sau đó HĐND các tỉnh, TP lại quyết định NS địa phương trên cơ sở dự toán do Quốc hội quyết định… dễ dẫn đến trùng lắp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp. Đề nghị cần rà soát bổ sung, làm rõ NSNN là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của NS trung ương. Ngoài ra, cần phân cấp rõ chức năng, quyền hạn của QH trong việc quyết định dự toán NSNN, HĐND quyết định NS địa phương, tránh trùng hợp, hình thức.

Nhà công vụ sẽ được siết chặt quản lý. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Đại biểu cũng đề nghị một số khoản thu chi NS chưa được đưa vào cân đối thu chi như sổ xố kiến thiết, phí và lệ phí, các khoản vay trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia… là chưa thực hiện đúng Điều 55, Hiến pháp 2013, có nghĩa là Quốc hội chưa quản lý đầy đủ, thống nhất và toàn diện dự toán NSNN. Đề nghị dự án Luật lần này quy định rõ tất cả các khoản thu chi và thể hiện rõ cấp NS được hưởng.

Liên quan đến việc công khai minh bạch để nhân dân giám sát, đại biểu Lê Văn Tân cho rằng, nếu quy định số liệu thu chi NSNN một cách tổng hợp như dự thảo thì rất khó cho người dân giám sát, phân tích tính đúng đắn, khách quan của dự toán cũng như tình hình thực hiện. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định nội dung công khai cả tình hình thực hiện dự toán, kèm báo cáo thuyết minh. Hình thức bắt buộc công khai trên trang thông tin điện tử của các cấp, không áp dụng cơ chế báo cáo mật đối với dự toán quyết toán khi trình các cơ quan dân cử. Cần đề cập đến trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cấp, ngành đơn vị dự toán trước các tập thể và cá nhân có thẩm quyền giám sát.

Quan điểm này nhận được sự chia sẻ của đại biểu Trần Văn Tấn. Đại biểu cho rằng nếu quy định như dự thảo, việc công khai dự toán và quyết toán chỉ được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn là công khai việc đã rồi. Để công khai và giám sát của cộng đồng được hiệu quả, đề nghị theo hướng cụ thể, đơn giản như công khai dự toán các chương trình, dự án xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN, chi thường xuyên, nợ công và dự toán chi NS hàng năm có liên quan đến từng cấp chính quyền địa phương, tổ chức đơn vị để người dân dễ hiểu. Cần tạo cơ chế để người dân được lắng nghe và có quyền yêu cầu giải đáp những gì chưa hiểu vì đó là tiền của dân đóng góp.

Nhiều luật "lấn sân" Bộ luật Dân sự

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng theo hệ thống Luật châu Âu, Bộ luật Dân sự là bộ luật gốc, nhưng hiện nay nhiều luật chuyên ngành đã “lấn sân” Bộ luật Dân sự, và quan điểm Ban soạn thảo chưa dứt khoát đặt Bộ Luật này là luật là nền, hay là “uốn éo” theo các luật chuyên ngành. “Nếu chúng ta xem là nền để xây dựng một hệ thống pháp luật bền vững, không phải sửa đi, sửa lại nhiều thì chúng ta sửa luật chồng lấn chứ không sửa nền”. Cùng quan điểm về vị trí rất quan trọng của Bộ luật Dân sự, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, những quy định trong các luật khác, luật chuyên ngành về lĩnh vực dân sự trái nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, cần phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này.

Ngoài vấn đề quan điểm xây dựng luật, các vị đại biểu cũng yêu cầu trên cơ sở tổng kết Bộ luật Dân sự 2005, rà soát thật kỹ để xử lý tất cả những vấn đề bất cập, vướng mắc trong đời sống dân sự hiện nay, giải quyết được những cơ sở pháp lý của việc xử lý những tranh chấp trong pháp luật dân sự. Những vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần nghị quyết của Đảng và Hiến pháp mới cũng cần phải rà soát lại để bổ sung.

Về hình thức sở hữu, đa số các vị đại biểu đều đồng ý với dự thảo sau khi đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định ba hình thức sở hữu: Sở hữu chung, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Về các loại pháp nhân, quy định ba loại pháp nhân: pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại, pháp nhân công quyền trong dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến đề nghị làm rõ hơn địa vị pháp lý, vai trò của từng thành viên, ủy quyền khi tham gia các giao dịch, giải quyết tranh chấp liên quan đến gia đình, tổ hợp tác…

Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua một số dự án Luật quan trọng khác như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.