Bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU - 132:

Thông điệp bảo vệ hòa bình, tăng cường hợp tác

Thứ Năm, 02/04/2015, 09:44
“Đại hội đồng IPU-132 đã chia sẻ với nhau, phản ánh tiếng nói của người dân tất cả các châu lục về nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới nói chung và của các nghị viện quốc gia nói riêng; đề xuất phương hướng và trách nhiệm của các nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững mới” – Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng khẳng định trong phát biểu bế mạc Đại hội đồng IPU-132, chiều 1/4.
>> Đại hội đồng IPU - 132 ra Tuyên bố Hà Nội

IPU -132 phản ánh tiếng nói của người dân tất cả các châu lục

Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, Đại hội đồng IPU 132 diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang chuẩn bị kết thúc 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MGDs) để chuyển sang một giai đoạn phát triển bền vững mới. Sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đồng IPU 132 đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đồng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đặc biệt là chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Các Ủy ban chuyên trách của Đại hội đồng cũng đã thảo luận và IPU đã ra nghị quyết về các vấn đề quan trọng như chiến tranh mạng, quản trị nước; luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền.

Các nội dung khác liên quan đến vấn đề của Liên hợp quốc, nghị sỹ trẻ, quyền của phụ nữ, Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện, bảo vệ quyền của nghị sỹ, HIV-AIDS, trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, báo cáo nghị viện toàn cầu, loại bỏ nguy cơ về chiến tranh hạt nhân... cũng đã được thảo luận tại các Ủy ban chuyên trách và các diễn dàn của Đại hội đồng. Đại hội đồng cũng thông qua về chủ đề khẩn cấp về “Vai trò của Nghị viện trong đấu tranh với tất cả các hành động khủng bố của các tổ chức như Đa-ít-sờ, Bô-cô Ha-ram đối với thường dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” và đưa ra các khuyến nghị phù hợp.

Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua tuyên bố của ĐHĐ - Tuyên bố Hà Nội - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững SDGs mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay. 

Với kinh nghiệm phong phú, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực và nhiệt huyết của các vị Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU, các vị lãnh đạo nghị viện và các nghị sỹ, với sự hợp tác tích cực và xây dựng của các vị khách mời, Đại hội đồng IPU - 132 đã chia sẻ với nhau, phản ánh tiếng nói của người dân tất cả các châu lục về nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới nói chung và của các nghị viện quốc gia nói riêng; đề xuất phương hướng và trách nhiệm của các nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU-132 tuyên bố bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU - 132.

Thông qua Tuyên bố Hà Nội

Trong “Tuyên bố Hà Nội” được thông qua ngày 1/4 với chủ đề: “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Biến lời nói thành hành động”, IPU cam kết: “Nhận thức rằng những mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất là kết quả của sự thỏa hiệp, chúng ta thông qua những mục tiêu này-coi đó như một khuôn khổ mang tính chuyển đổi giúp thúc đẩy quá trình đưa ra quyết sách ở tất cả các quốc gia. Chúng ta hài lòng nhận thấy những nỗ lực đưa các mục tiêu về cuộc sống khỏe mạnh, thịnh vượng, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia và vấn đề quản trị được nêu trong các mục tiêu phát triển bền vững, đã cho thấy kết quả như mong đợi. Chúng ta đánh giá cao việc tăng cường tập trung vào vấn đề y tế, việc này sẽ tạo cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS, trong khi vẫn xử lí được các thách thức mới nổi như các bệnh không truyền nhiễm”.

Tuyên bố hoan nghênh mục tiêu mới kêu gọi cần có hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu, đánh giá cao mục tiêu rộng lớn này về các phương thức triển khai - tài chính, thương mại, công nghệ, xây dựng năng lực và cải cách hệ thống - cần phải huy động nhằm hỗ trợ cho khuôn khổ mới. Mục tiêu này sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác phát triển toàn cầu hiện nay.

Lực lượng Công an nhân dân có những đóng góp quan trọng, góp phần vào thành công của IPU-132.

Nhiều sáng kiến của Việt Nam được ghi nhận tại IPU

Đúng như nhận xét bên lề Đại hội đồng IPU-132 của nhiều nghị sĩ đến từ Thụy Điển, Chile, Bangladesh, Nam Phi, Lào, Venezuela, trong kỳ họp lần này, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến hay và 8/9 ý kiến này đều được Đại hội đồng ghi nhận, thống nhất cao. Chẳng hạn như tại phiên họp của Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế, đề xuất của Việt Nam về việc bổ sung nội dung chống chiến tranh mạng vào cơ chế thảo luận và kiểm soát của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn.

Dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” đã được thông qua với sự đồng thuận cao của các thành viên. Hay như khuyến nghị của Việt Nam về việc IPU cần ra Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tấn công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào; Liên hợp quốc khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng cũng được đánh giá cao. Đối với nghị quyết khẳng định luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm, Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thông qua dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, tại hàng loạt các sự kiện như Hội nghị Nữ Nghị sỹ; Diễn đàn Nghị sỹ trẻ, Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký nghị viện, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ, Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh..., Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị được ghi nhận.

Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU: Việt Nam luôn dành tình cảm tốt đẹp cho các đoàn khách quốc tế

"Việt Nam đã có sự đón tiếp nồng hậu, luôn dành tình cảm tốt đẹp các đoàn khách quốc tế. Với những nội dung thảo luận trong những ngày qua, IPU lần này đã đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Những kỳ IPU trước, chúng tôi miêu tả, lồng ghép những vấn đề của Nghị viện. Lần này có cách tiếp cận mới, đó là đưa ra giải pháp hơn là xác định vấn đề. Đây là xu thế mới của IPU. Mỗi nghị quyết được thông qua, chúng tôi mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân. Xu hướng này được diễn ra tại Hà Nội và Hà Nội là dấu mốc mà nhận thức và cách tiếp cận của chúng ta đã thay đổi. Người dân được đặt vào trung tâm; biến lời nói thành hành động…

Tuyên bố Hà Nội đúng với ý nghĩa của nó, đó là được soạn thảo, thông qua tại Hà Nội; là di sản, đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới. IPU sẽ trình văn kiện này lên Đại hội đồng LHQ tại New York. Trở về nước, mỗi Nghị viện sẽ thực hiện tốt hơn những cam kết được thể hiện tại Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng: Chuyển lời nói thành hành động

Đây là sự kiện rất quan trọng về đối ngoại, chính trị, hợp tác ở phạm vi toàn cầu. Đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu và đã đến lúc nhìn lại, đánh giá để đề ra chương trình cho 15 năm tới. Chương trình này được khởi động, thảo luận, đề xuất từ IPU-132, sau đó đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, do đó đây thực sự là kinh nghiệm lớn đối với Việt Nam. Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Lễ khai mạc không những mang tính toàn cầu mà là cho chính Việt Nam. Thông điệp đã làm rõ tầm quan trọng, vai trò của người dân, lấy người dân là trung tâm. Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội các nước thành viên, phải triển khai trên phương diện quốc gia, chuyển lời nói thành hành động của mình.


Đ.Minh – H.Chi
.
.
.