Thiếu tiền, thiếu đất dãn dân thủy điện Sơn La

Thứ Năm, 12/03/2009, 12:01
Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), địa phương này lúc nào cũng thiếu vốn triển khai vì Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đáp ứng kịp. Trong khi đó nguyên nhân thiếu vốn lại được ngân hàng này “trỏ” sang EVN.

Chủ đầu tư thiếu tiền di dân

Theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng ban Hỗ trợ sau đầu tư và quản lý vốn ủy thác (Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB), trong tổng số hơn 6.500 tỉ đồng vốn được Chính phủ phê duyệt để phục vụ công tác di dân tái định cư (TĐC) thủy điện Sơn La, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chiếm hơn 3.700 tỉ đồng, còn nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đóng góp vào là hơn 2.800 tỉ đồng. Thế nhưng, phía EVN mới đóng góp được hơn 1.100 tỉ đồng, chỉ có nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ là đáp ứng đủ.

Bà Cúc cho biết, VDB không còn giữ một đồng vốn theo kế hoạch nào của dự án nữa. Thêm "Vì EVN nợ 1.720 tỉ đồng nên nhiều lần, VDB đã phải ứng trước vốn với tổng số tiền đã lên tới 578 tỉ đồng, do vậy đúng vào thời điểm cần vốn nhất, VDB đã không thể giải ngân được tiếp", bà Cúc phân trần. Theo bà Cúc, là một ngân hàng, VDB cũng phải đi huy động vốn, và không thể ứng trước cho EVN được mãi.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), địa phương này lúc nào cũng thiếu vốn triển khai vì Ngân hàng VDB không đáp ứng kịp. Bản thân UBND thị xã Mường Lay phải đi vay vốn từ các doanh nghiệp hoặc các ngân hàng khác để giải ngân cho bà con, bởi việc di dân không thể chậm lại được.

Bà Cúc cho biết, trong thời gian tới lãnh đạo 2 đơn vị sẽ thống nhất với nhau về phương án giải quyết, nếu phía EVN không có vốn, VDB sẵn sàng huy động hộ để tập đoàn này sử dụng vốn vào việc di dân...

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, ban đầu, dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La sẽ tiến hành di chuyển 14.000 hộ dân, cộng thêm sai số 10% và các hộ sở tại là trên 18.000 hộ, thế nhưng đến thời điểm này số hộ cần di dời đã "phình" lên hơn 20.000 hộ. Các phương án quy hoạch cũng vì thế phải thay đổi nhiều lần nhưng vẫn chưa "chốt" được một quy hoạch tổng thể.

Một vấn đề đáng lo ngại, là sau khi người dân đến ở khu TĐC, nhiều người vẫn chưa thể ổn định sản xuất. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu bức xúc: "Chúng tôi đang rất lúng túng về chính sách và phương án tổ chức sản xuất, nên nhiều nơi, người dân sau 2-3 năm ra ở tạm không có đất sản xuất chỉ biết... ngồi chơi".

Ông Quảng kiến nghị việc quy hoạch tổng thể cần phải nhanh chóng hoàn thành để nhân dân sớm ổn định sản xuất, việc điều chỉnh này cần thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, chứ không phải là "gọt chân cho vừa giày". Hiện tại vấn đề quy hoạch đất sản xuất cho bà con nhân dân đang là một trở ngại lớn, nguyên nhân do trước đây dự án quá chú trọng đến vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, mà bỏ quên vấn đề này.

Một khó khăn nữa là, đến thời điểm này vẫn còn 735 hộ chưa chịu ký cam kết di dời, chủ yếu nằm ở Sơn La. Theo ông Hoàng Trí Thức - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, toàn tỉnh vẫn còn 576 hộ chưa chịu ký cam kết di dời theo quy định. Đặc biệt, công tác thu hồi và giao đất ở các điểm TĐC còn chậm, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con nhân dân...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đánh giá, việc đảm bảo đúng tiến độ dự án vào tháng 7-2010 rất quan trọng. "Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là nếu EVN không cung cấp đủ vốn, Bộ sẽ không để cho dân đi. Việc di dân TĐC ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải đảm bảo bà con có đủ đất để sản xuất nông nghiệp", ông Hùng kiên quyết.

Rõ ràng, việc di dân TĐC không chỉ có đầu tư cơ sở hạ tầng là xong, mà cần chú ý đến đất sản xuất cho bà con nhân dân, đất giao cho dân hiện vẫn còn ít, ngoài ra còn là vấn đề về phong tục, tập quán của bà con dân tộc thiểu số

Ngọc Yến
.
.
.