Thi tuyển trực tuyến trên máy tính thay “soi kèo bằng cấp”

Thứ Tư, 20/11/2013, 11:45
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay (20/11), Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ sẽ mở rộng đề án thi tuyển công chức bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến trên máy tính thay cho truyền thống căn cứ trình độ bằng cấp kiểu “soi kèo” vốn bị dư luận lên án lâu nay.

Dự kiến sẽ có trọn một buổi sáng trả lời chất vấn, tuy nhiên Bộ trưởng Cao Đức Phát đã “mượn” hơn 1 giờ đầu buổi sáng để giải đáp tiếp phần chất vấn còn bỏ dở chiều qua. Điều này giúp Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình có thêm thời gian để “soạn bài” trước khi đối diện hàng loạt chất vấn nóng xoay quanh cụm từ công chức, gồm: thi tuyển, sử dụng, đề bạt, chạy chức, chạy quyền…

Tỏ thái độ bình tĩnh trước các câu hỏi, Bộ trưởng gỡ từng ý khá rành rọt. Dẫu vậy, không ít đại biểu sau một hai lần hỏi “vặn” vẫn lắc đầu vì cho rằng “tư lệnh” Nội vụ trả lời lệch ý, chẳng hạn như không nói rõ được có hay không tham nhũng trong ban hành, thực thi chính sách nội vụ? Nhiều ý cũng chưa rõ sự quyết liệt của Bộ trong việc chấn chỉnh những tiêu cực ngành Nội vụ lâu nay.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) “nhắc” Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình việc tuyển dụng công chức còn quá chú trọng bằng cấp, trong khi thiếu cơ chế kiểm tra năng lực thực chất. Đây cũng là vấn đề khiến dư luận bức xúc vì việc trọng dụng bằng cấp khiến tình trạng sinh viên, học viên tìm cách “tô màu” để bằng “đỏ đẹp” diễn ra tràn lan, trong đó rộ lên xu thế người học bỏ tiền mua điểm để có bằng đẹp.

“Hạn chế trong tuyển dụng là vẫn chú trọng bằng cấp mà chưa quan tâm thực lực của người được tuyển dụng. Nhiều đề án đã triển khai nhưng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn không đáp ứng yêu cầu” – ông Vinh bức xúc.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận đây là thực trạng tồn tại lâu nay. Tuy nhiên ông nói, Bộ đang tính việc đổi mới tuyển dụng trên cơ sở xác định vị trí việc làm. “Đây là vấn đề mới, khó, lần đầu được thực hiện ở nước ta, do đó các đơn vị cần xác định rõ việc làm để tuyển dụng phù hợp” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lý giải. Theo ông, tới đây sẽ tiếp tục sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn đầu mối, kiểm tra chặt việc thành lập mới, chia tách đơn vị công lập.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Về vấn đề bằng cấp, đáng nói là theo cơ chế chính sách liên quan như Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức hiện vẫn quy định phải có tiêu chuẩn về chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học nên buộc phải “soi bằng”. Việc dư luận cho rằng chú trọng bằng cấp thì đây là nội dung mà Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đề án.

Gần đây, trong tuyển dụng, đã có đề án xin ý kiến Thủ tướng về đổi mới thi tuyển công chức với 4 môn, 5 bài thi, trong đó 3 bài thi thực hiện trên vi tính là tin học, ngoại ngữ, trắc nghiệm chuyên môn, chỉ 2 bài thi viết. “Sẽ tiếp tục hoàn thiện phần mềm vi tính để thi trực tuyến trên máy tính, đồng thời thanh tra trước, trong, sau kỳ thi” – Bộ trưởng nói.

Cũng trong chất vấn sáng nay, nhiều ý kiến xoáy bất cập về chế độ đào tạo, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đại biểu Danh Út, Kiên Giang cho rằng trong cơ cấu cán bộ công chức chưa đảm bảo tỷ lệ cán bộ là người dân tộc, ngay như tại Bộ Nội vụ. Ông cũng đề nghị làm rõ con số 30% cán bộ “cắp ô đi, cắp ô về” như viện dẫn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tiếp lời, đại biểu  Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng  đề nghị cho biết con số 30% cán bộ không làm được việc, thực hư ra sao, tại sao để kéo dài, trách nhiệm của Bộ đến đâu? 

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình viện dẫn chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số để thấy rằng đây là chính sách toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, ông thừa nhận “qua tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đúng là chưa theo mong muốn, chúng tôi ghi nhận ý kiến này để hoàn thiện, đào tạo bồi dưỡng nguồn cán bộ trong dân tộc thiểu số”.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, đây là vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Vậy con số 30% công chức không làm được việc dựa vào đâu? Bộ trưởng Thái Bình giải thích, thực ra đây không phải là ý kiến riêng của Phó Thủ tướng. Ông tiết lộ đó là con số có dư luận phản ánh chứ không phải thống kê. “Nhưng chúng tôi cho rằng đây là phản ánh, kiến nghị đòi hỏi cần đổi mới cải cách công vụ nhiều hơn. Phải có những biện pháp đồng bộ tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng lý giải. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết tổng thể cải cách hành chính, trong đó có những nội dung liên quan tổ chức bộ máy cán bộ, công chức nhằm giản lược những công chức không làm được việc. Tới đây, phải tập trung mô tả công việc trong từng cơ quan, tổ chức để định ra số công chức làm việc, đồng thời bổ sung.  

Trả lời của Bộ trưởng về dữ liệu cán bộ công chức “cắp ô” xem ra lần này đã thay đổi so với nội dung chính ông trả lời tại phiên họp UBTV Quốc hội hồi tháng 9.

Tại phiên họp đó, giải trình về số liệu thật cán bộ công chức “cắp ô”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra con số khiến dư luận giật mình: Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có trên dưới 1% chứ không phải 30%. Việc rút gọn chỉ có 1% đã tạo sóng trên diễn đàn truyền thông và hầu hết đều không tin con số 1% là thật, trong khi phần lớn cho rằng 30%, thậm chí 50% mới chính xác. Có lẽ đây là vấn đề  khó, càng khó hơn để đưa ra tỷ lệ chính xác là bao nhiêu và câu trả lời “đá” về dư luận xem ra là xác đáng hơn cả.

Trong khi đó, nhiều chất vấn “vặn” vì sao càng tinh giản, biên chế lại càng phình? Người đứng đầu ngành Nội vụ phân trần, tinh giảm biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức là chủ trương xuyên suốt. Nhưng tăng là do các đơn vị mới thành lập hoặc đơn vị đã có cần bổ sung. Ông điểm hàng loạt lĩnh vực tăng biên chế như: môi trường, đất đai, dân số, biển, hải đảo, thanh tra giao thông, xây dựng, quản lý thị trường… Tuy nhiên, Bộ trưởng quả quyết, từ nay đến 2016 về cơ bản không tăng biên chế công chức, trừ thành lập mới.

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ giải trình các chất vấn “hóc” như tại sao tinh giản số bộ nhưng lại phình tổng cục, vụ, cục; trách nhiệm của Bộ trưởng về “tham nhũng chính sách”; chuyện chạy chức, chạy quyền…

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đăng đàn

Đăng Minh
.
.
.