Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi):

Thi hành án không cần phải có đơn yêu cầu

Thứ Sáu, 13/06/2014, 23:17
Cần tạo thuận lợi, giảm bớt thủ tục và gánh nặng cho người dân, không buộc người thi hành án phải có đơn yêu cầu… Cần sàng lọc nhà đầu tư, quy định rõ những tiêu chí được hưởng ưu đãi trong đầu tư… Đó là những nội dung chính trong buổi thảo luận sáng 13-6 về Dự luật Thi thành án dân sự (bổ sung, sửa đổi) và Dự luật Đầu tư (sửa đổi).

Tạo điều kiện cho người dân trong thi hành án

Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, thực tế mới thực hiện được hơn 4 năm, phần lớn các quy định của Luật đang phát huy hiệu quả. Do vậy, chỉ nên tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, các quy định không phù hợp với thực tiễn, nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, thi hành án cần phải cụ thể hóa theo Hiến pháp, cụ thể hóa quyền con người và quyền công dân. Và, không nên quy định người thi hành án phải làm đơn yêu cầu. Vì nhiều người dân không biết, ở vùng dân cư vùng sâu vùng xa kiến thức pháp luật còn ít, họ không hiểu. Bà Khá ví dụ cụ thể, một vụ ly hôn thì người thi hành án có quyền yêu cầu không thi hành án. Có thể họ đã thỏa thuận được với nhau về tài sản. Vì vậy, luật làm sao phải tạo điều kiện cho mọi công dân được pháp luật bảo vệ, không phân biệt thành thị hay nông thôn.

 Về việc việc xác minh điều kiện thi hành án, các đại biểu đồng tình với dự thảo Luật là bỏ các quy định: Người được thi hành án phải tự mình xác minh tại các cơ quan, thu khoản tiền chi phí xác minh. Như vậy mới giảm bớt được thủ tục và gánh nặng cho người dân. Và, khi bản án có hiệu lực pháp luật, thời gian chờ đợi thi hành án rất lâu, có người có ý đồ tẩu tán tài sản.                      

Đại biểu ví dụ đã có những vụ ly hôn giả để phân chia tài sản, để người bị thi hành án không có tài sản. Nếu không thì vấn đề tẩu tán, ly hôn giả vẫn diễn ra, có cả dân sự trong vụ án hình sự. Dự luật phải quy định rõ ràng, phải giao trách nhiệm người thi hành án tự nguyện tìm hiểu. Thời hạn tiến hành xác minh cũng nên quy định rút ngắn thời gian để không thể tẩu tán tài sản.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án (khoản thi hành cho công dân) theo hướng: Tòa án hoặc cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án. Về trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong thi hành án dân sự, một số ý kiến đề nghị phải có sự phối hợp, thống nhất thẩm quyền trình tự thủ tục, đảm bảo quy định để luật không chồng chéo, vướng mắc và trách nhiệm của từng cơ quan. Tòa án cũng quy định chặt chẽ với Bộ Tư pháp cùng nhau thực hiện. Và, thi hành án dân sự thì chính quyền địa phương không thể nằm ngoài cuộc. Từ ấp, thôn, xóm… đều nắm rất chắc mọi việc xảy ra. Cấp huyện thì hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn. Việc thi hành án không thể tách rời trách nhiệm của địa phương để luật pháp thực hiện nghiêm minh đúng pháp luật. Trên thực tế, đã có nhiều bản án không thi hành được vì không thu được tài sản, do kéo dài thời gian và cũng không loại trừ kéo dài do tiêu cực. Dự thảo Luật giao Tòa án nhân dân ra “quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành”. Quyết định này thể hiện quyền lực tư pháp, làm cơ sở cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.   

Cần có tiêu chí để hưởng ưu đãi đầu tư  

Hầu hết ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và cho rằng: Có như vậy mới tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư cũng như tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực, đồng thời bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư, làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư... “Cần đầu tư có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu thu hút đầu tư trong chỉ số CPI, nhiều nhà đầu tư người ta cần môi trường đầu tư và yêu cầu minh bạch.

“Nhiều nhà đầu tư vào giành đất mấy chục năm, khi kiểm tra giám sát thì thu hồi rất khó. Phải có hai mặt đồng hành, đầu tư và đôn đốc. Lâu rồi ta có chính sách “trải thảm” nhưng đồng thời phải minh bạch, thông tin phản ánh của nhà đầu tư” - đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lo lắng… Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, Luật Đầu tư càng minh bạch, rõ ràng, càng thuận lợi. Điều 11, những nhà đầu tư nào đã đầu tư rồi, cho ưu đãi cao hơn. Nay luật ban hành ưu đãi thấp hơn thì chính sách thế nào. Nếu chỉ áp dụng với nhà đầu tư mới mở rộng thì e rằng điểm 2 trái với điểm 1. Thảo luận về Điều 58 về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đại biểu cho rằng các doanh nghiệp lớn đã vào khu kinh tế cả rồi, doanh nghiệp nhỏ thì ở ngoài, cần rõ ràng hơn cần đầu tư cái gì. Đại biểu đề nghị, doanh nghiệp ở nông thôn giải quyết lao động nông thôn, chế biến nông sản, thu hút lao động lúc nông nhàn, cần có một tiêu chí để hưởng ưu đãi. Về phân cấp cấp giấy đầu tư (Điều 44), đại biểu đề nghị làm sao để sàng lọc nhà đầu tư, có nhà đầu tư vào thuê đất nhưng cứ để mãi, lúc thu hồi là rất khó khăn, có khi còn khiếu kiện kéo dài… Vì vậy luật phải quy định rõ, nếu không thì đó sẽ là một sơ hở.

Không phải cứ “một dạ, hai vâng” là tín nhiệm cao

Thảo luận tại hội trường chiều 13-6, nhiều ý kiến đề nghị rút còn 2 mức tín nhiệm thay cho 3 mức như hiện nay.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Đề nghị 2 lần lấy phiếu tín nhiệm

Nhằm nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội, nên tối thiểu thể hiện chính kiến ít nhất 2 lần. Qua đó, giúp người lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm để rèn luyện nâng cao phẩm chất... Cử tri và đại biểu rất công bằng, lấy lần đầu có thấp nhưng nếu thể hiện được quyết tâm cao, đại biểu, cử tri sẽ đánh giá công bằng. Đó cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét bố trí sử dụng cán bộ. Rất mong ĐBQH tính toán để được 2 lần/nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm. Cơ quan, tổ chức không được lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để có tác động. Không lợi dụng để trù dập, hạ uy tín, tung tin thất thiệt để ảnh hưởng đến người bị bỏ phiếu.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Phải rõ ràng thái độ

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, tôi tán thành theo hướng mở rộng đối tượng lấy phiếu ở các địa phương. Với chức danh Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND không nên đưa vào vì họ có hệ thống riêng, thứ nữa cần đảm bảo các cơ quan tư pháp có sự độc lập nhất định. Nhưng nên bổ sung Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND, các cử tri rất mong vì họ thường xuyên tiếp xúc với người dân. Thứ 2 là tăng cường chức năng giám sát của các cơ quan dân cử. Đề xuất 2 phương án: nếu 2 mức thì tín nhiệm và tín nhiệm thấp, là rõ ràng thái độ. Đề xuất 3 mức: tiếp tục công việc được giao; bố trí công tác khác và thứ 3 là nên từ chức. Hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đề ra là làm cơ sở xem xét cho công tác sử dụng cán bộ. Nó không an toàn quá như mức chúng ta đang làm.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Người xả thân là người cần cho xã tắc

Cử tri rất hoan nghênh Quốc hội kịp thời đưa ra sửa đổi Nghị quyết 35. Người phẩm chất tốt một cách “trừu tượng”, cứ ngồi không làm gì cả có khi tín nhiệm lại cao. Người xả thân vì công việc có khuyết điểm này, khuyết điểm kia nhưng mới là người cần cho xã tắc. Cần nhìn nhận việc lấy phiếu tín nhiệm như thế. Không sợ trùng giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, vì khác nhau hoàn toàn. Nên ghi 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Khi vào cuộc, trước áp lực của tiền bạc, của công việc khó khăn mới bộc lộ ai là người thực sự có năng lực, thực sự vì dân vì nước, chứ không phải cứ ngồi một dạ 2 vâng. Ít nhất 1 nhiệm kỳ nên bỏ phiếu 2 lần.

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.