“Thép phế liệu” hay là rác?

Thứ Hai, 24/12/2007, 11:19

Sau khi Cục Cảnh sát môi trường (CSMT) phát hiện một số vụ nhập thép phế liệu không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, mới đây DN và đại diện Hiệp hội Thép có văn bản gửi một số cơ quan chức năng cho rằng việc xử lý là chưa chính xác. Sự thật như thế nào?

Trong bài trả lời phỏng vấn một tờ báo mới đây, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nói về nguyên nhân 7.000 tấn thép phế của doanh nghiệp nhập về làm nguyên liệu sản xuất phôi thép bị các cơ quan Hải quan và quản lý môi trường địa phương tạm giữ là không phù hợp: "Đã gọi là thép phế liệu thì không thể bắt buộc 100% là sắt được mà sẽ lẫn một số tạp chất khác như đất cát, gỉ sét, cũng như việc có mùi là không thể tránh khỏi. Vì vậy việc Hải quan đưa ra lý do hàng lẫn tạp chất hay có mùi, theo tôi là không hợp lý".

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc công ty TNHH thương mại Anh Trang thì cho rằng "Chúng tôi khẳng định rằng lô thép phế do Công ty Anh Trang nhập về không lẫn những tạp chất cấm. Chúng tôi cũng khẳng định doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện việc nấu chảy số nguyên liệu thép phế này mà không gây ảnh hưởng tới môi trường"...

Về vấn đề này, Cục CSMT khẳng định việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng (CSMT, Hải quan, Tài nguyên & Môi trường) là hoàn toàn phù hợp, có đầy đủ căn cứ.

Các vụ việc này được Cục CSMT kết luận như sau: Ngày 9/10/2007, Phòng 3, Cục CSMT phối hợp Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực I, Cát Lái và Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh làm việc với 2 chủ hàng nhập thép phế liệu dạng các loại lon, ống bơ được ép thành khối đưa về cảng Sài Gòn.

Sau đó, ngày 12/10, lực lượng liên ngành tiếp tục kiểm tra lô hàng nhập thép phế liệu dạng lon, ống bơ ép thành khối do Công ty Trang Anh nhập về, bán cho Công ty thép Miền Nam. Thực hiện hợp đồng này, Công ty Anh Trang đã nhập về 67 container có nguồn gốc từ Philippines.

Tại Cảng Cát Lái, Cục CSMT tiến hành kiểm tra xác suất 5/67 containers, tại cảng Khánh Hội kiểm tra xác suất 3/24 container. Tất cả các container được kiểm tra đều cho thấy hàng hóa gồm các loại lon kim loại phế liệu chưa được phân loại và làm sạch, ép thành khối, bốc mùi hôi thối, khó chịu.

Cục CSMT xác định số hàng nhập khẩu trên của Công ty Anh Trang là không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định tại khoản 1, điều 43, Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mặc dù Vinacontronl có chứng thư giám định số 07GO2HQ0506 đối với lô hàng nhập khẩu của Công ty Anh Trang, cho rằng đạt tiêu chuẩn nhập khẩu, nhưng Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3  có văn bản thẩm định số 1197/KT3 - N1. Văn bản này kết luận: "Khi mở container để tiến hành giám định, các giám định viên nhận thấy có mùi nồng nặc, khó chịu nên không thể tiếp cận giám định toàn bộ lô hàng. Qua đánh giá sơ bộ, lô hàng được đóng thành từng khối bao gồm các loại vỏ lon, nắp chai bằng kim loại, trong đó có lẫn các dây thép, bao nilon, vỏ chai nhựa".

Tiếp đó, Công ty cổ phần kim khí TP Hồ Chí Minh, địa chỉ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị phát hiện khi đang hoạt động nguội phôi thép các loại tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Tân Bình. Công ty này đã nhập khẩu lô thép phế liệu được ép thành khối gồm 13 container, số lượng 309 tấn, nguồn gốc từ Philippines. Các lô hàng này cũng chưa được phân loại, làm sạch, đầu có tạp chất bám dính, đất cát, rỉ sét, bốc mùi khó chịu...

Đối chiếu các quy định tại Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng kết quả giám định khoa học nói trên, đủ cơ sở kết luận các lô hàng phế liệu thép nhập khẩu nói trên là không đảm bảo yêu cầu, vi phạm pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi ngày 20/12, Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục CSMT cho biết, Cục đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh đề nghị xử lý theo quy định. Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh đã có văn bản số 8570, 8571 đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh xử lý và buộc tái xuất toàn bộ lô thép phế liệu vi phạm nói trên.

Theo đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tổng cộng 40 triệu đồng và buộc tái xuất về nước xuất khẩu. Như vậy, việc xử lý phạt hành chính và buộc tái xuất lô hàng là đảm bảo cơ sở pháp lý.

Việc có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này do vướng mắc trong quy định pháp luật là không hợp lý. Không thể nói rằng quy định pháp luật bất cập nên giải quyết theo hướng khác. Hiện các văn bản pháp luật này đang có hiệu lực pháp luật, các doanh nghiệp có nghĩa vụ chấp hành và cơ quan bảo vệ pháp luật căn cứ vào các quy định đó để xử lý (Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Liên ngành CSMT, Hải quan, Tài nguyên & Môi trường là các cơ quan bảo vệ pháp luật, có trách nhiệm phát hiện, làm rõ bản chất vụ việc và xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành

Phan Đăng - Hiếu Anh
.
.
.