Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt:

“Thay vỏ phải thay cả ruột”

Thứ Hai, 11/09/2017, 18:40
“Nếu chúng ta mở Phú Quốc tối đa thì cũng chỉ ngang với Jeju của Hàn Quốc thôi. Cơ chế có đặc biệt cũng chỉ là 1 cái đảo du lịch, chứ không thể trở thành Singapore, nếu chúng ta không lôi kéo được công nghệ, không lôi kéo được tài chính vào đây” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ băn khoăn khi thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.


Thông thoáng về kinh tế nhưng vẫn phải giữ gốc về quốc phòng – an ninh

Rút kinh nghiệm từ nghiên cứu cơ chế của một số nước, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, luật này phải giải quyết được 7 vấn đề mà bộ máy hiện nay đang vấp váp thì mới có thể tạo ra được đột phá khác biệt. Cụ thể, đó là sự trì trệ, “công thì của tôi mà tội là tập thể”; đó là trách nhiệm người đứng đầu không rõ, cái được giao không làm, cái không thuộc thẩm quyền thì lại làm, cơ chế kiểm soát quyền lực kém, nên có những nơi “một bàn tay che cả bầu trời”; thứ 3 là bình quân chủ nghĩa – “giỏi như dốt, dốt như giỏi”; thứ tư là bộ máy đông nhưng không mạnh, đủ các ban bệ nhưng tiêu cực chủ yếu là báo chí và nhân dân phát hiện; tiếp nữa là mất thời cơ và cơ hội quá nhiều...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng ý kiến khác nhau là bình thường, vì "chúng ta thảo luận về cái đặc biệt trên cơ sở tư duy bình thường đã hình thành mấy chục năm".

Từ thực tiễn hoạt động của bộ máy, ông Võ Trọng Việt cho rằng “phải trao đặc khu này cho Trưởng đặc khu” và phải có Viện Kiểm sát, Tòa án trực thuộc đặc khu. Bên cạnh đó, ông Việt cũng nhấn mạnh việc “thay đổi vỏ phải thay đổi cả ruột”, tránh tình trạng cơ chế có thể khác hơn, nhưng cũng bộ máy, con người, lề lối, phương pháp ấy thì không thể có thay đổi.

Tuy nhiên, ông Việt cũng nhấn mạnh: “Cơ chế đặc biệt của các nước là rất thông thoáng về kinh tế và thương mại, nhưng rất chặt chẽ về chính trị, quốc phòng - an ninh. Như Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện chính sách nước 2 chế độ, nhưng dùng thủ thuật lấy chính trị, quốc phòng – an ninh làm gốc”. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh khía cạnh quốc phòng – an ninh như một cái gốc cần giữ, vì 3 khu vực này đều là những khu vực đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, Phó Chủ tịch cũng rất ủng hộ việc xây dựng đặc khu, và nhấn mạnh “Nếu làm đặc khu sớm hơn thì kinh tế có cơ hội phát triển hơn nữa. Cứ nhìn xem, Phú Quốc so với Singapore, diện tích không kém, chúng ta có rất nhiều ưu việt về nước ngọt, rừng, đất đai... nhưng bao năm ta cứ bỏ không đấy, không phát triển được”. “Vấn đề cốt lõi là cơ chế, vì người tài có lẽ chúng ta không thiếu”.

Do mức độ khó của dự án luật, khi thảo luận, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh một quan điểm xuyên suốt là ủng hộ Chính phủ để tạo một cơ chế đột phá, còn “có làm có sai”, trong quá trình làm đương nhiên sẽ phát sinh vấn đề và sẽ được điều chỉnh dần dần. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh quốc phòng - an ninh phải là cái gốc cần giữ vững

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh: “Còn lúng túng, vướng mắc vì chúng ta bàn về cái khác biệt, nhưng trên nền pháp luật bình thường và thông lệ từ trước đến nay. Tư duy của chúng ta đã được củng cố mấy chục năm trên nền của cái bình thường, chứ không phải trên nền của cái đặc biệt. Thay đổi là rất khó, nên không có gì phải băn khoăn khi còn nhiều ý kiến khác nhau”. 

Tuy nhiên, bà Nga cũng khẳng định: Nhìn lại lịch sử, tạo ra phát triển trong thời gian qua đều là những thứ đột phá và vượt rào, như: Khoán 10, Khoán 100, đổi đất lấy hạ tầng... “Thành công có, thất bại có, trở thành anh hùng có, thành án cũng có. Tôi rất ủng hộ việc lập đặc khu có chủ trương của Đảng, đưa ra bàn công khai trên Quốc hội, cũng tránh được việc sau này không thành công thì có những cá nhân phải chịu hậu quả”. 

Cơ chế vượt trội không thể chỉ dựa vào ưu đãi thuế

Mặc dù tại tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có khẳng định ưu đãi đưa ra tại đặc khu của chúng ta đã vượt trên nhiều đặc khu trong khu vực, đặc biệt về thuế (chỉ thua thiên đường thuế). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải tỏ ra rất băn khoăn, vì “cơ chế vượt trội không chỉ dựa vào ưu đãi thuế”.

“Tôi rất lo về tính cạnh tranh trong khu vực. Trên thế giới, mô hình đặc khu rất nhiều, nhưng có nơi thành công, nơi thất bại. Đơn cử, đặc khu Subic của Philippines là không thành công, vì chỉ có điều kiện thuận lợi mà không có đối tác bên ngoài. Còn Trung Quốc thành công là do họ mở nút thắt để đón dòng vốn vào. Đặc khu Chu Hải đối diện với Thẩm Quyến, đặc khu Hạ Môn thì đối diện với Đài Loan, nên họ mở cửa để kéo dòng vốn và dòng công nghệ vào. Nếu chúng ta mở Phú Quốc tối đa thì cũng chỉ ngang với Jeju của Hàn Quốc thôi. Cơ chế có đặc biệt cũng chỉ là 1 cái đảo du lịch, chứ không thể trở thành Singapore, nếu chúng ta không lôi kéo được công nghệ, không lôi kéo được tài chính vào đây. Muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta có cạnh tranh được với Singapore và Hong Kong hay không?” – ông Nguyễn Đức Hải nêu trăn trở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

“Ở phía Bắc, mở Vân Đồn ra thì phải xác định hướng cạnh tranh rõ ràng. Giống như Incheon của Hàn Quốc, khi thành lập, họ tuyên bố sẽ là cổng nối với vùng Đông Bắc Á - với Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Nga, và chính sách, hạ tầng họ làm để phục vụ hướng phát triển đó. Cần làm rõ tính cạnh tranh quốc tế, khả năng hấp thụ vốn nước ngoài và tính lan tỏa cả trong nước. Tôi rất lo với quy mô các khu vực này thì tính lan tỏa sẽ không được như chúng ta kỳ vọng. Các đề án phát triển 3 khu vực này cần gắn với phát triển công nghệ, chứ du lịch cũng chỉ đến 1 giới hạn nào đó thôi”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng các ưu đãi vẫn là nhìn nhận theo cách cũ, ưu đãi kiểu “miễn, giảm, giãn” là tư duy cách đây 30 năm rồi.

Nhấn mạnh “nhiều đặc biệt khác thì hết đặc biệt, nhiều đặc thù quá thì thành phổ biến”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng luật này chỉ nên chỉ áp dụng với 3 khu đã được xác định – đồng quan điểm với hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý với Chính phủ rằng khối lượng công việc còn lại là cực kỳ nhiều, bởi không phải luật ra đời là có 3 đặc khu, mà phải có 3 Nghị quyết của Quốc hội về từng đặc khu đó. Do đó, Chính phủ cần chuẩn bị 3 đề án đặc khu công phu, chu đáo để Quốc hội xem xét ra Nghị quyết.


Vũ Hân
.
.
.