Thắt lưng buộc bụng”, vẫn thiếu hơn 4.200 tỷ chi phí điện năm nay

Thứ Tư, 21/06/2017, 17:47
Chiều 21-6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giá điện – như mọi năm, vẫn là bài toán khó cho năm nay.


EVN đang là “quán quân” vay nợ trong các Tập đoàn

Báo cáo với tổ công tác, ông Đặng Hoàng An – Tổng Giám đốc EVN cho biết: Nhìn chung, Tập đoàn đã sẵn sàng đảm bảo cho tăng trưởng điện 11,5% vào năm nay, thậm chí có thể đáp ứng nhu cầu cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề còn lại – cũng là vấn đề muôn thuở, chính là giá điện. 

Theo tính toán của EVN, với việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện (kể từ cuối tháng 4/2017), và cập nhật các thông số đầu vào (như giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá) so với các thông số đã tính toán kế hoạch đầu năm (bình quân 9 tháng đầu năm 2016), tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm khoảng 7.230 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã thực hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”: phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống 7,47% (giảm thêm 0,13% so với kế hoạch) để giảm chi phí mua điện 363 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, tăng sản lượng huy động thủy điện, giảm nhiệt điện than so với kế hoạch và không huy động nhiệt điện dầu, làm chi phí mua điện giảm 2.170 tỷ đồng; tiết kiệm 12% chi phí hội họp, đi công tác nước ngoài; giao các đơn vị thực hiện tiết kiệm 5% chi phí từ đầu 2017, tương đương 844 tỷ đồng; sau đó thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đã yêu cầu các đơn vị tăng tiết kiệm lên 7,5% chi phí định mức, tiết kiệm thêm được 422 tỷ đồng... Tất cả các khoản đó giúp giảm chi phí dự kiến khoảng 2.990 tỷ đồng. 

Bài toán khó nhất với EVN vẫn luôn xoay quanh giá điện (Ảnh: Hoa Việt Cường)

Điều này đồng nghĩa với việc còn gần 4.240 tỷ đồng chưa có nguồn bù đắp. Trong khi đó, phương án giá điện năm nay, theo một số nguồn tin, đã được EVN và Bộ Công Thương “rậm rạp” trình Chính phủ, nhưng nhiều dự đoán là khó có thể tăng do áp lực lạm phát và sức ép của chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%. Chưa kể đến 1 khoản “vướng” khác là 2 triệu tấn than Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) muốn EVN mua để giảm bớt áp lực tồn kho, mà EVN đang chần chừ, vì mức giá thiếu cạnh tranh so với than nhập khẩu.

Các đại biểu có mặt tại buổi làm việc cũng lưu ý một thực tế: Hiện EVN đang là “quán quân” về nợ trong các Tập đoàn, gánh trên vai khoản nợ 9,7 tỷ USD, đều là nợ có bảo lãnh Chính phủ - chiếm hơn 1/3 tổng nợ vay của Chính phủ hiện nay. Nếu tài chính của tập đoàn này không sáng sủa sẽ không có nguồn trả nợ và ảnh hưởng đến nguồn đầu tư cho các dự án tiếp theo.

Có “bao cấp” giá điện tràn lan hay không?

Với trách nhiệm giám sát tài chính của các Tập đoàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Bộ này đã có văn bản báo cáo chính thức Thủ tướng về tài chính của EVN. Tuy nhiên, ông Tuấn đặt ra “một số vấn đề mong các bộ, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ quan tâm” là có nên “bao cấp” giá năng lượng cho sản xuất nói chung, DN FDI nói riêng hay không? “Nhiệm vụ của chúng ta là phải sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhưng cơ chế giá hiện nay đi ngược mục tiêu đó” – ông Tuấn nêu. “Giá bán điện bình quân hiện nay của chúng ta khoảng 7,38 cent, vậy giá của các nước trong khu vực là bao nhiêu? Vừa rồi chúng tôi tham gia với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng đề án Bộ Chính trị giao, thấy rằng DN FDI tận dụng mấy thế mạnh của mình - không chỉ là lao động rẻ, mà năng lượng cũng rẻ". 

"Đã đến lúc Chính phủ, các Bộ phải nghiên cứu rất kỹ: có bao cấp cho DN FDI không, bao cấp cho lĩnh vực sản xuất không. Với khu vực dân cư, chúng ta hiện có khoảng 2,1 triệu viên chức, 1,2 triệu công chức cùng với số người có công, người nghèo... Nhà nước đã bỏ ra nhiều nghìn tỷ trợ giá điện. Nên theo đuổi cách làm đó, an sinh xã hội tách khỏi DN để hạch toán chi phí cho đúng, thay vì bao cấp tràn lan cả khu vực DN, khu vực người giàu, làm mất động lực, không còn cạnh tranh, không thực hiện được Nghị quyết ĐH Đảng là năm 2015 phải hình thành thị trường điện cạnh tranh, bỏ bao cấp giá điện” – Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Muốn làm điều đó, theo ông Tuấn, phải đồng thời thực hiện 2 việc: yêu cầu (EVN) tiết kiệm chi phí, công khai minh bạch để giá điện không còn bao gồm chi phí phúc lợi, chi phí xây dựng nhà ở... như lùm xùm đã dừng diễn ra với EVN. 

Ông Tuấn cũng cho biết qua kiểm tra, giám sát thời gian vừa qua, EVN đã thực hiện tốt; và việc thứ 2 tất nhiên liên quan đến giá điện – được ông Tuấn khẳng định là “then chốt”, “quyết định”. Giá điện mặt trời EVN mua vào hiện đang là 9,35 cent/kWh, vẫn phải bù 2 cent, nếu không giải quyết cơ chế giá sẽ rất khó thực hiện đề án chúng ta đang xây dựng, mà đó là con đường chúng ta phải đi, không còn con đường nào khác. Đó là chưa kể đến “tồn dư” tài chính từ nhiều năm trước vẫn đang chờ phân bổ (trong đó có khoản lỗ khi tỷ giá tăng sốc vào năm 2011) mà ông Tuấn hi vọng “cơ bản giải quyết được” trong năm nay.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Cao Lục cơ bản đánh giá cao đóng góp của EVN: Đáp ứng nhu cầu điện của đất nước trong tất cả giai đoạn vừa qua; Vận hành hệ thống an toàn, chất lượng điện ổn định, dù “đâu đó vẫn có tiếng kêu”; đã có những chỉ tiêu tiến bộ so với khả năng (như chỉ số tiếp cận điện năng tăng cao, chỉ số hài lòng của khách hàng tốt, tỷ lệ tổn thất điện năng ngang bằng một số nước có nền tảng kỹ thuật cao hơn như Malaysia, Thái Lan...). 

Tuy nhiên, truyền đạt thông điệp của Thủ tướng, ông Nguyễn Cao Lục không quên nhắc đến những sự cố vừa qua của ngành điện và nhấn mạnh việc “Thủ tướng yêu cầu vận hành điện đảm bảo an toàn, chất lượng, không chỉ cho các nhà máy mà an toàn, an sinh cả vùng hạ du, giảm tối thiểu ảnh hưởng đến dân sinh”, lưu ý vấn đề môi trường, đặc biệt là nhiệt điện.

Về vấn đề 2 triệu tấn than, ông Nguyễn Cao Lục đề nghị “đề nghị EVN phối hợp với TKV để tiêu thụ 2 triệu tấn than”. Đồng thời, ông Lục cũng đề nghị Bộ Công Thương “sáp vô cùng anh em, nếu không 2 ông này (EVN và TKV) cứ nhùng nhằng với nhau thì lâu lắm. Đề nghị xác định đây cũng là một việc giúp cho Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng” – ông Lục lưu ý.

Vũ Hân
.
.
.