Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phiên họp 22:

Thảo luận về chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Thứ Sáu, 18/09/2015, 16:00
Ngày 18/9, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 22, thảo luận về Đề án Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tờ trình Đề án của TAND tối cao đã nêu đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Toà án như về hoàn thiện thể chế; tăng cường đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Đặc biệt Đề án chú trọng đến các giải pháp như: Ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, đề cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo phiên họp.

Tuy nhiên, Thường trực BCĐ cho rằng: Đề án cần có giải pháp cụ thể nhằm phòng ngừa, khắc phục hạn chế các hành vi móc ngoặc, cấu kết giữa điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư trong quá trình tố tụng. Đây là hành vi tiêu cực nghiêm trọng mà dư luận thời gian qua phản ánh rất bức xúc.

Phiên họp cũng đã nghe đại diện Ban cán sự đảng Viện KSND tối cao trình bày tóm tắt Tờ trình Đề án, đưa ra các giải pháp bám sát yêu cầu của công tác phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, Đề án chưa có sự phân biệt giữa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, còn nhiều nội dung trùng lắp, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp khắc phục tiêu cực.

Thường trực BCĐ yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện Đề án cần lấy ý kiến TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư và các cơ quan, tổ chức có liên quan để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đảm bảo tính  đồng bộ, nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án.

Nội dung cơ bản của Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp trong Quân đội” đã chỉ ra những dạng tiêu cực trong hoạt động tư pháp quân đội và đưa ra giải pháp góp phần xây dựng hoạt động tư pháp quân đội trong sạch, vững mạnh.

Thảo luận về các đề án, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đưa ra ý kiến, cần tạo tính liên thông giữa các đề án, cần thống nhất tiêu chí để nhận dạng hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp, xây dựng cơ chế phát hiện tiêu cực, tăng cường giám sát trong các cơ quan tư pháp và có chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm…

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu cho rằng, các đề án đưa ra thực trạng và giải pháp chưa cụ thể, cần phải làm rõ thực trạng hơn.

Cụ thể đối với VKS, ngoài vai trò công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp còn có hoạt động điều tra của cơ quan điều tra VKS. Vấn đề này chưa được đề cập  trong Đề án…

Về giải pháp cũng phải đưa ra 2 vấn đề là phòng và chống, phải đặt vấn đề giáo dục đạo đức công vụ trong quá trình thực thi công vụ…

Luật sư Phan Trung Hoài, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất TAND, Viện KSND bổ sung giải pháp: Tạo cơ chế minh bạch để đội ngũ luật sư tham gia sâu hơn trong hoạt động tố tụng, thiết lập đường dây nóng để những vướng mắc phát sinh trong quá trình hành nghề được giải quyết, là cơ sở hạn chế tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Chủ trương xây dựng đề án này là đúng. Đây là chuyện cũ nhưng cũng là mới do yêu cầu xây dựng nền tư pháp, nhà nước pháp quyền vững mạnh, vừa phải kế thừa cái cũ đã làm, vừa cập nhật cái mới.

Các cơ quan tư pháp là những cơ quan công lý, là chỗ dựa của các tổ chức, cá nhân nên hành vi của các cơ quan này đòi hỏi phải đúng sự thật, không có tiêu cực, nếu làm tốt thì nâng cao lòng tin vào chế độ, vào Đảng.

Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý đề án, để đưa ra các giải pháp sát sườn, hàng năm phải cập nhật và đánh giá.

Việt Hà
.
.
.