Thành phố Hồ Chí Minh tự tin trên đường hội nhập

Thứ Ba, 27/01/2009, 14:52
Nhân dịp năm mới Kỷ Sửu - 2009, Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi ngắn với đồng chí Lê Hoàng Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chung quanh đề tài này.

Năm 2008, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai lũ lụt ở trong nước đã có tác động nhất định tới nền kinh tế của nước ta.

Cùng với cả nước, kinh tế - xã hội thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách như lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thị trường tài chính - ngân hàng diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm mạnh, giá xăng dầu, giá vàng tăng cao, tỷ giá USD không ổn định tác động mạnh đến tình hình kinh doanh, xuất nhập khẩu, tuy nhiên vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số (11%); khẳng định vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Nhân dịp năm mới Kỷ Sửu - 2009, Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi ngắn với đồng chí Lê Hoàng Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chung quanh đề tài này.

Phóng viên: Năm 2008, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh ngoài dự báo, điều này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Xin đồng chí cho biết những ảnh hưởng đó diễn ra như thế nào?

Đ/c Lê Hoàng Quân: Tình hình lạm phát trên phạm vi toàn cầu có chiều hướng tăng lên từ quý IV năm 2007 và tiếp tục gia tăng trong năm 2008; giá dầu thô cùng nhiều loại nguyên liệu cơ bản, giá lương thực trên thị trường thế giới liên tục tăng cao cho đến đầu quý III năm 2008, sau đó lại sụt giảm dần và đứng ở mức thấp; thị trường tài chính toàn cầu trải qua nhiều biến động bất thường cùng với sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ đã lan rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tất yếu chịu sự tác động đó, ảnh hưởng bất lợi đến sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, môi trường đầu tư, việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người lao động thu nhập thấp; biểu hiện rõ nét nhất là các diễn biến trên thị trường tài chính - tiền tệ, hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các vấn đề liên quan an sinh xã hội.

Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã lập tức tác động trực tiếp đến cung - cầu vốn trên thị trường, làm hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; thị trường bất động sản có thời điểm giá nhà, đất trên địa bàn giảm chỉ còn 50 - 70% so với cuối năm 2007.

Nhiều nhà đầu tư phải bán ra bất động sản để trả nợ ngân hàng, tất toán hợp đồng vay vốn, thậm chí có nguy cơ mất khả năng trả nợ vay, trong khi các ngân hàng cũng phải đối phó với việc thu hồi các khoản vay mua nhà, đất với tài sản thế chấp là bất động sản.

Phóng viên: Trong tình hình đó, thành phố đã có biện pháp gì để vượt qua những khó khăn, thách thức; kết quả, thành tựu năm 2008 được đánh giá như thế nào?

Đ/c Lê Hoàng Quân: Tuy năm 2008 có nhiều biến động phức tạp tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội thành phố; nhưng dưới sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, kịp thời của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung quyết liệt trong suốt năm qua của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; sự phấn đấu, nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn thể các tầng lớp nhân dân, nhìn chung, kinh tế thành phố vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và phát triển ổn định.

Với sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân thành phố nên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (15/20 chỉ tiêu) đều đạt và vượt kế hoạch.

Đặc biệt, trong tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn đầu tư trong nước đều tăng rất cao, cao hơn tổng vốn đầu tư của cả giai đoạn 2003 - 2007; đáng chú ý là đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế và công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng ngày càng cao; thu ngân sách vẫn vượt rất cao so cùng kỳ và so dự toán; cùng với việc triển khai chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách có chuyển biến tích cực làm kết quả thu ngân sách tăng cao so cùng kỳ đã góp phần tạo nguồn cho thành phố tăng chi, nhất là cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, đặc biệt công tác chăm lo cho các đối tượng diện chính sách và người nghèo; giáo dục và đào tạo đạt kết quả tích cực; lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Công tác giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư thời gian dài đã đạt kết quả  khá cơ bản; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có chuyển biến, không phát sinh thêm các vụ khiếu kiện đông người hoặc vượt cấp.

Thành phố tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, tập trung xây dựng và củng cố quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh.

Phóng viên: Từ những kết quả quan trọng mà thành phố đã đạt được trong năm 2008, năm 2009 chắc chắn thành phố sẽ phấn đấu để đạt những kết quả tốt hơn. Xin đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những mục tiêu chính của thành phố trong năm mới Kỷ Sửu 2009.

Đ/c Lê Hoàng Quân: Bên cạnh những khó khăn trong năm vừa qua, năm 2009 cũng có một số thuận lợi, đó là giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, vật tư, nguyên liệu chủ yếu như xi măng, sắt thép, giá cước vận tải, giá lương thực - thực phẩm... đã giảm; vì thế chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ tháng 10 năm 2008 sẽ góp phần kiềm chế lạm phát tốt hơn. Chính sách tài chính - tiền tệ đã và đang phát huy tác dụng khá tích cực, các dòng vốn đã bắt đầu được khai thông.

Cơ sở hạ tầng mặc dù còn khó khăn nhưng đã được cải thiện một bước, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ (một số công trình cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2008 và trong năm 2009 như cầu - đường Nguyễn Văn Cừ, cầu - đường Phú Mỹ, cầu - đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cầu - đường Thủ Thiêm giai đoạn 2, các dự án vệ sinh môi trường thành phố...); thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI) tăng cao trong suốt 3 năm qua cũng sẽ bắt đầu phát huy tác dụng từ năm 2009 - 2010.

Việc triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo hướng tích cực và bền vững hơn.

Trên cơ sở những thuận lợi nêu trên, thành phố cũng đã xác định một số nhiệm vụ chủ yếu như: tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hjai con số, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường trật tự, kỷ cương trong quản lý đô thị và quản lý đầu tư, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo điều kiện khuyết khích tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, phát triển hệ thống an sinh xã hội, qua đó, từng bước nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính... và đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng của thành phố một cách hợp lý, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010

Kim Thẩm (thực hiện)
.
.
.