Thận trọng xây dựng luật để dân không phải 'oằn mình' vì phí

Thứ Bảy, 30/05/2015, 09:01
Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật phí, lệ phí; dự án sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kế toán. Vấn đề phí, lệ phí, phân cấp phân quyền cho Hội đồng nhân dân; quy định các loại phí, lệ phí; mức thu phí, lệ phí… là nội dung được các đại biểu quan tâm, tham gia thảo luận nhiều hơn cả.
Đề nghị cấp thêm quyền cho Hội đồng nhân dân

Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh mở đầu buổi thảo luận: Nếu theo dự thảo, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân (HĐND) các địa phương chỉ quyết định 51 loại phí.

Trong tờ thẩm định của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng phân cấp cho HĐND quyết định mức thu cụ thể, chế độ miễn, giảm đối với các khoản phí, lệ phí nhưng các khoản này lại phải nằm trong Danh mục phí, lệ phí do Quốc hội quyết định. ĐBQH Trần Du Lịch thẳng thắn thừa nhận, cái tồn tại đầu tiên trong Pháp lệnh về phí và lệ phí là chính quyền địa phương chỉ quyết định mức thu trên Danh mục Pháp lệnh quy định, nghĩa là chính quyền địa phương không được đặt ra phí, lệ phí.

“Phí khác với thuế, bản chất phí là người nhận nhận lại một đối phẩm trực tiếp, còn thuế là nghĩa vụ phải đóng mà không được đòi hỏi nhận lại đối phẩm. Phí thì không phải nghĩa vụ như thuế, muốn hưởng thì phải trả tiền. Thế tại sao chính quyền địa phương, HĐND lại không có quyền đặt ra? Cứ cho đề ra một số loại phí đi, nếu dân phản đối thì phải chịu trách nhiệm, nếu trái luật thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hủy”.

Trạm thu phí dày đặc, mức thu phí ngày càng cao làm tăng giá cước vận tải, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Thái Sơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đồng quan điểm: “Quy định như dự thảo không tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, đặc biệt là HĐND trong việc quyết định, điều chỉnh quản lý đô thị”. Theo đại biểu, để nâng cấp đô thị thì chính quyền phải có những chính sách, công cụ mang tính chất quản lý để điều chỉnh, ví dụ thu phí cao hoặc thấp để điều chỉnh hành vi và nhu cầu của người dân làm sao đúng ý đồ định hướng nâng cấp đô thị của mình.

Mặc dù người dân có quyền lựa chọn nhưng chính quyền có thể tỏ rõ quan điểm khuyến khích loại nào, không khuyến khích loại nào qua việc thu phí. “Giờ đây không hạn chế bằng mệnh lệnh hành chính nữa, mà dùng công cụ kinh tế để điều chỉnh. Tuy nhiên tôi thấy hiện tại HĐND hoàn toàn không có quyền đó” – đại biểu Tâm khẳng định.

Đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng các điều khoản đặt ra siết rất chặt, đặc biệt là điều 15: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí; sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Quy định này sẽ dẫn đến việc HĐND chỉ có quyền quyết định mức thu, mà mức thu cũng phải ở trong khung của Bộ Tài chính. Thông tư 02 của Bộ Tài chính hướng dẫn HĐND được quyết định 25 loại phí và 16 loại lệ phí, nhưng theo khung này thì Bộ Tài chính đã quyết định 19/25 phí, 16/16 lệ phí.

“Như vậy coi như quyết định hết rồi, HĐND chỉ giải quyết trong khung đi lên đi xuống chứ không có ý nghĩa gì nữa hết. Điều 16 tiếp tục quy định Danh mục phí và lệ phí phải thông qua Quốc hội, suy ra HĐND không phát sinh được vấn đề gì thêm…” – đại biểu Ánh cho biết thêm. Bổ sung ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng nên để HĐND, chính quyền địa phương quy định một số lệ phí đặc thù không trái luật, “chứ hiện nay Trung ương quyết định hết thì không ổn…”.

Tránh mở rộng phí, lệ phí để tạo gánh nặng cho dân

Đánh giá cao vai trò quan trọng và tính chất nhạy cảm của Dự luật phí, lệ phí vì đụng đến quyền, nghĩa vụ không chỉ của Nhà nước, của doanh nghiệp mà còn liên quan đến nghĩa vụ đóng nộp của nhân dân, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị Quốc hội cần thận trọng, tránh mở rộng quá lớn các loại phí, lệ phí, tạo gánh nặng cho nhân dân.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật phí, lệ phí.

Nếu không ban hành luật này mà chỉ sửa pháp lệnh thì không phù hợp với Hiến pháp, đứng ở góc độ nào đó nó không khác nào một luật thuế nhưng đối tượng điều chỉnh là nhiều khoản phí, lệ phí như thuế thì cần quy định cụ thể. “Luật quy định quá chung chung, về khung có chia theo các nhóm nhưng trong ruột thì lại không định hình. Về cơ chế sử dụng, phí thu được thì khấu trừ chi phí, phần còn lại nộp ngân sách và phải quy định rõ mức khấu trừ. Còn lệ phí nên thu hết vào Ngân sách Nhà nước, chi thế nào thì qua Ngân sách Nhà nước. Liên quan quyền lợi ích cá nhân, để minh bạch từ đầu cần làm rõ khái niệm phí và lệ phí…”.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, phí và lệ phí là vấn đề phức tạp của xã hội, người dân đang phải chịu rất nhiều loại phí. Đặc biệt có những địa phương có “xã phí”, “phường phí”, thậm chí có nơi đi qua một con đường người dân trong thôn đứng ra thu phí với lý do là thôn bỏ ra làm đường…

Cho nên dự thảo luật cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền thu phí, lệ phí. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phải làm rất rõ nguyên tắc cái nào là phí, cái nào là lệ phí, cái nào là xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng, lạm dụng để thu. Đại biểu đề nghị: “Tôi cho rằng, đã thu phí, lệ phí là phải vào Ngân sách Nhà nước và cần phải tính đến việc công nghệ hóa thông tin khi thu chứ cứ theo hóa đơn viết tay thì sẽ rất khó kiểm soát”.

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục chỉ ra những vấn đề còn bất cập: Luật chỉ quy định phí đối với cơ quan đơn vị hành chính nhà nước và sự nghiệp công, không quy định khu vực tư nhân. Vậy tất cả các loại phí hiện nay do khu vực doanh nghiệp cung cấp thì sao? Ví dụ bệnh viện quy định viện phí là sự nghiệp công, vậy còn bệnh viện tư nhân thì ai quy định phí?

Như vậy giữa bệnh viện công và bệnh viện tư một bên quy định một bên không, thì điều chỉnh như thế nào? Đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề nên giới hạn điều chỉnh đối tượng cung cấp (nhà nước hay tư nhân) hay điều chỉnh loại dịch vụ? Rồi một loạt lĩnh vực được xã hội hoá hiện nay thì ai quy định? “Luật này rất quan trọng, chỉ sau luật thuế, cần làm rõ, minh bạch” – đại biểu Trần Du Lịch đề nghị.

Quỳnh Vinh - Vũ Hân
.
.
.