Tham nhũng trong quản lý đất đai, XDCB vẫn "nóng"

Thứ Hai, 20/07/2009, 11:48
Các lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng phát hiện 6.318 vụ, nhiều hơn 418 vụ so với cùng kỳ năm 2008. Trong số đó có 184 vụ phạm tội về chức vụ, 560 vụ xâm phạm sở hữu, 5.574 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác.

920 tỷ đồng thiệt hại do tội phạm tham nhũng, kinh tế gây ra là con số được Tổng cục Cảnh sát thống kê nửa đầu năm 2009.  Theo Tổng cục Cảnh sát, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã tác động mạnh đến tình hình tội phạm kinh tế, trong khi cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước còn có sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Thất thoát, tham nhũng trong xây dựng cơ bản luôn phức tạp.

Nổi lên là vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản với một số thủ đoạn mới, nhiều vụ án có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng tạo thành đường dây khép kín gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.

 Điển hình vụ cố ý làm trái tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Long Thành - Đồng Nai thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; vụ Giám đốc Công ty cổ phần Tổng hợp quốc tế T&D và Công ty Cao Cường lừa đảo chiếm đoạt trên 130 tỷ đồng của Ngân hàng và một số người dân.

Kết quả điều tra các vụ án tham nhũng, nhất là vụ án lớn do Cục CSĐT tội phạm tham nhũng thực hiện cho thấy, các vụ án tham nhũng thường có sự móc nối, câu kết của nhiều loại đối tượng, với nhiều phương thức, thủ đoạn thực hiện và che dấu hành vi phạm tội. Nhiều vụ, quá trình điều tra gặp khó khăn do tài liệu bị đối tượng tẩu tán, tiêu huỷ như vụ tham ô tại Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn - Sơn La. Đáng chú ý, tình trạng tham nhũng trong thực hiện các chính sách xã hội gây bức xúc trong nhân dân (vụ tham ô hơn 700 triệu đồng tại Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Yên Thủy, Hòa Bình).

Tội phạm lừa đảo có xu hướng tăng, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động khiến cho số lượng người bị hại ngày càng nhiều, đáng báo động là lừa đảo trong xuất khẩu lao động và đầu tư tài chính, kéo theo đó là tình trạng vỡ nợ ở nhiều địa phương trong cả nước (vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Anh lừa đảo xuất khẩu lao động chiếm đoạt 120.000USD và 462 triệu đồng; vụ lừa đảo chiếm đoạt 10 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tư vấn tài chính IC; các vụ vỡ nợ tại Gia Lai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bắc Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đà Nẵng...).

Ngoài ra, đối với tội phạm lợi dụng công nghệ cao, CQĐT đã phát hiện một số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn hứa hẹn cho doanh nghiệp vay vốn sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc; lợi dụng công nghệ in hiện đại làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan nhà nước; sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền, cài đặt máy camera đọc trộm mật khẩu, xâm nhập email, website của khách hàng và doanh nghiệp để trộm cắp thông tin, lừa đảo bán hàng điện tử trực tuyến. Một số công ty 100% vốn nước ngoài có dấu hiệu buôn lậu, bán hàng tạm nhập tái xuất ra thị trường nhằm trốn thuế nhập khẩu…

Trong khi đó, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp, tập trung trên các tuyến biên giới, cửa khẩu và các thành phố lớn (Lạng Sơn, Quảng Ninh, biên giới Tây Nam và một số tỉnh miền Trung)…

Thị trường vàng có nhiều biến động, giá vàng trên thế giới và trong nước tăng cao, tình hình buôn bán, vận chuyển vàng trái phép tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp

Phan Đăng
.
.
.