“Thà chậm 6 tháng để có một dự án luật tuổi thọ 6 năm”

Thứ Sáu, 18/11/2016, 17:30
Ngoài những ý kiến tranh luận gay gắt và rất khác  nhau về 3 nhóm vấn đề cơ bản nhất nổi lên: đưa nhóm ngành nghề liên quan đến ô tô vào danh mục; hợp nhất 6 nhóm ngành liên quan đến y tế vào 1 ngành; và việc bỏ dịch vụ kinh doanh ngân hàng mô, dịch vụ mang thai hộ ra khỏi danh mục; các đại biểu còn băn khoăn về thời điểm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện bằng thủ tục rút gọn, trong khi hồ sơ dự án chưa thể hiện được tính cấp bách.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi thực sự băn khoăn về ban hành dự án luật này. Luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng khi xem xét từng điều khoản cụ thể thì chưa thể hiện được tính cấp bách. Có những vấn đề vẫn phải thuyết minh cho rõ sự cần thiết và báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh chi tiết cho từng ngành, nghề. Càng thủ tục rút gọn càng phải thuyết minh về tính cấp bách, bởi vì cấp bách mới phải rút gọn; nhưng hồ sơ luật còn sơ sài, chưa cung cấp cho đại biểu một bức tranh toàn cảnh, cũng chưa thấy được sự cấp bách” – đại biểu nhấn mạnh. Thêm vào đó, đại biểu cũng cho rằng “Nhập khẩu xe ô tô cũng đưa vào kinh doanh có điều kiện với lý do kiểm soát chất lượng. Nhưng tôi nghĩ cái này kiểm soát ở khâu sản xuất chứ không phải thêm 1 cái giấy phép là kinh doanh có điều kiện”.

Với 3 luồng quan điểm khác biệt, việc chưa đồng nhất ở mức cao về quan điểm liên quan đến lĩnh vực ô tô này cũng là một nguyên nhân khiến việc thông qua hay chưa thông qua dự luật còn nhiều băn khoăn. Một số đại biểu Quảng Nam cho rằng bảo hộ ngành này là rất cần thiết, vì đây là ngành sản xuất quan trọng. Một số khác có quan điểm ngược lại. Nhóm thứ 3 cho rằng nên bảo hộ “sản xuất, lắp ráp”, còn nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng thì không nên đưa vào, vì không đủ cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Quốc hội

Không phản đối việc áp dụng quy trình rút gọn trong xây dựng luật này, nhưng đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng là cơ quan thẩm tra dự luật này, bày tỏ băn khoăn về sự thiếu cơ sở của đại biểu khi phải đưa ra lựa chọn. “Đây là lần đầu tiên chúng ta làm, mà bỏ ra 41 ngành nghề, thêm vào 16 ngành nghề nữa, nên việc theo dõi khiến các ĐBQH gặp khó khăn. Đặc biệt, luật làm theo quy trình rút gọn nên báo cáo tác động với KT-XH, đặc biệt là việc làm và sự tồn tại của các DN chưa được đánh giá kỹ”. Với lý do này, đại biểu đề nghị nhóm bỏ ra thì làm ngay để tạo thuận lợi cho DN và người dân, còn nhóm sáp nhập, bỏ tên và nhóm thêm vào chưa quan trọng thì để năm sau cho “chặt chẽ, khoa học, thuyết phục hơn”. 

“Sở dĩ như vậy, vì qua nghiên cứu các báo cáo lý do, cơ sở đề xuất, nguyên tắc hợp nhất... tôi thấy chưa thống nhất và chưa rõ ràng. Ví dụ khám chữa bệnh cho người thì 6 ngành nghề trong lĩnh vực y tế thì gộp làm một, nhưng “khám chữa bệnh chó, mèo, lợn” thì lại để riêng (ngành nghề 169 đến 172). Giải thích của ban soạn thảo cần cân nhắc lại” – đại biểu nêu lý do. Thêm vào đó, “với nhóm ngành nghề bỏ ra, như “tư vấn xác định giá trị DN để cổ phần hóa” hay “tư vấn dịch vụ đầu tư” về mặt lý thuyết có thể đúng, nhưng trong bối cảnh ngành kinh tế Việt Nam hiện nay, qua vụ Mobifone mua AVG 8.900 tỷ đồng, cùng 1 DN mà 4 đơn vị đánh giá cho 4 giá trị khác nhau và cao nhất gấp đến 4 lần DN thấp nhất, thì cần cân nhắc đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.

Đối với ô tô, đại biểu Nguyễn Đức Kiên chỉ đồng ý đưa ngành sản xuất ô tô vào để bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng “nếu cho cả sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu vào cùng 1 ngành có lẽ lại đánh giá đúng chính sách hỗ trợ để hình thành 1 ngành công nghiệp của đất nước”. “Đề nghị cân nhắc ngành dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Trong thuyết minh giải trình bổ sung ngành này của Bộ lập luận chưa chặt chẽ. Hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe không phải dịch vụ bắt buộc đi kèm theo các nhà nhập khẩu và sản xuất ô tô chính hãng. Nhiều nước tiên tiến, điển hình về phát triển công nghiệp ô tô cũng không quy định bảo dưỡng bảo hành phải vào chính hãng. Nếu lập luận đây là vì lý do an toàn, thì báo cáo là số tai nạn do xe máy chiếm 89% tổng số tai nạn giao thông; 11% còn lại thuộc về tàu thuyền, máy bay và ô tô thôi. Vậy liệu có đưa bảo hành, bảo dưỡng xe máy vào danh mục không”? – ông Nguyễn Đức Kiên lập luận.

Nhất trí với ĐB Kiên và ĐB Mai, ĐB Nguyễn Trường Giang dẫn thêm lý do cho thấy sự gấp gáp khi thông qua luật này. “Luật dự kiến sẽ được thông qua vào 22-11, có hiệu lực từ 1-1-2017. Có 2 vấn đề vướng ở đây. Khi Chủ tịch nước ký quyết định công bố có hiệu lực là không đảm bảo thời hiệu 45 ngày trước khi có hiệu lực. Sau đó, Chính phủ phải ban hành Nghị định quy định chi tiết điều kiện với các ngành, nghề bổ sung, hợp nhất, sửa tên... theo quy định Chính phủ cũng chưa có Nghị định gửi kèm theo luật này. Ban hành Nghị định cũng phải bảo đảm 45 ngày kể từ khi công bố mới có hiệu lực. Như vậy, việc ban hành Nghị định sẽ không đảm bảo tiến độ. Do đó, tôi đồng ý với ĐB Kiên, với ngành nghề bỏ ra thì sửa ngay, còn lại đề nghị cân nhắc.

“Tôi đánh giá cao quyết tâm của Bộ, nhưng tôi chưa yên tâm. Tôi cảm thấy như ban soạn thảo chưa có đủ thời gian lắng nghe DN, hội nghề nghiệp, các Bộ, ngành quản lý trực tiếp, chưa lắng nghe cơ sở, thậm chí chưa lắng nghe Công an. Đây là lực lượng có rất nhiều thông tin về lĩnh vực nào DN thường lợi dụng, nên cần thời gian lắng nghe nhiều hơn” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phát biểu tranh luận.

“Danh mục đưa ra có rất nhiều tranh luận. Trong khi đó, cử tri kêu rất nhiều về tuổi thọ của luật. Ta thà thêm 6 tháng để có 1 đạo luật 6 năm hơn là thông qua ngay sang năm lại sửa. Cái mà dân chúng và DN kêu chính là thủ tục. Họ đã làm đúng luật rồi, nhưng cán bộ thực thi “hành” những cái không đáng, thậm chí từ “và” hay dấu “phẩy” cũng bắt về sửa. Sửa đi sửa lại. Việc chấn chỉnh cán bộ là việc làm ngay được, còn luật nên để kỳ sau có nhiều thời gian hơn” – đại biểu nêu rõ.

Vũ Hân
.
.
.