Tập huấn Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Thứ Năm, 18/07/2013, 00:30
Sáng 17/7 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí các tỉnh, thành phía Nam.
>> Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Tham dự và chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, cả nước hiện có hàng ngàn ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình, tất cả cơ quan ngôn luận này đều là tiếng nói của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc các cơ quan hành chính Nhà nước cử người phát ngôn cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí là hết sức cần thiết. Báo chí luôn rất cần thông tin, nên khi các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin nhanh, chính xác, báo chí sẽ có thông tin chính thống để định hướng dư luận. Bằng không, báo chí sẽ phải mày mò tìm kiếm, khai thác thông tin từ các nguồn khác để phản ánh và thông tin này chính xác đến đâu còn phụ thuộc vào nguồn tin. Vì vậy, việc cung cấp thông tin nhanh và chính thống sẽ giúp báo chí có thông tin kịp thời, chính xác để cung cấp cho xã hội. Khi đơn vị chủ quản đã cung cấp nguồn tin chính thống, cơ quan báo chí hoặc nhà báo nào cố tình thông tin sai lệch sự việc sẽ bị xử lý.

Về nội dung thay đổi chính của quy chế phát ngôn ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ so với quy chế ban hành cách đây hơn 6 năm, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định: Đây là cơ hội để báo chí có nguồn tin chính thống từ cơ quan Nhà nước và cũng là cơ hội để tổ chức, cơ quan Nhà nước sử dụng kênh báo chí như là phương tiện để công khai, minh bạch hóa thông tin.

Cụ thể, quy chế phát ngôn sửa đổi lần này đã quy định rõ 3 người trong cơ quan, tổ chức nhà nước có thể phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí gồm người đứng đầu cơ quan tổ chức; người được người đứng đầu cơ quan tổ chức giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hay cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Việc ủy quyền phát ngôn phải được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định. Đồng thời, quy chế phát ngôn mới này cũng quy định người ủy quyền phát ngôn không được ủy quyền tiếp cho người khác và số điện thoại, địa chỉ email của người phát ngôn phải được công bố công khai. Trong mọi trường hợp, dù phân công người phát ngôn hay ủy quyền phát ngôn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đều phải chịu trách nhiệm về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí

Đ.Thắng
.
.
.