Tạo việc làm cho 1,7 triệu người trong năm 2008

Thứ Hai, 07/01/2008, 21:20

Để đạt mục tiêu tạo việc làm cho 1,7 triệu người năm 2008 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết giải pháp cơ bản là phải phát triển thị trường lao động. Các cơ quan hữu quan cần làm tốt công tác dự báo, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, điều tiết đảm bảo cân đối cung- cầu lao động trong năm 2008.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Huỳnh Thị Nhân thì năm 2008, ngành lao động sẽ khắc phục một bước tình trạng thiếu lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiến độ giải ngân quỹ quốc gia việc làm sẽ được đẩy nhanh để đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, tập trung các dự án tạo nhiều việc làm như chuyển đổi nghề ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển chuyên canh, mở rộng phát triển làng nghề, DN vừa và nhỏ... Nhanh chóng hoàn thành thí điểm sàn giao dịch việc làm tại Bắc Ninh để nhân rộng mô hình cho 39 trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh/thành phố.

Về vấn đề nâng cao chất lượng lao động, đổi mới, xã hội hoá hoạt động dạy nghề, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng cho biết năm 2008 chỉ tiêu đào tạo nghề là 1.482.000 người trong đó đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp tăng 18,5%. Đặc biệt mở rộng mô hình dạy nghề theo hợp đồng giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp với nội dung chương trình theo yêu cầu của DN.

Từ 1/4/2008 trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia sẽ được đưa vào hoạt động.

Vi phạm pháp luật lao động trong doanh nghiệp còn phổ biến

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy có tới 13% người lao động làm việc trong DN mà không có hợp đồng lao động, 46% DN chưa có thoả ước lao động tập thể, gần 31% người lao động trong các DN chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 36 % doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn…

Từ đầu năm đến nay tình hình đình công diễn biến phức tạp, trong đó gần 80% xảy ra ở các DN FDI, 20% ở DN dân doanh, 70% các cuộc đình công xảy ra ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí và trên 90% xảy ra ở các DN đóng trên địa bàn một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới cần làm 3 cái có đối với người lao động: có thoả ước lao động, có BHXH bắt buộc, khi có tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng hoặc khi tiến hành hoà giải cần có bốn bên tham gia: đại diện công nhân, chủ DN, công đoàn và Sở LĐTBXH....

Gần 60% huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%

Một trong những nhiệm vụ được coi là trọng tâm của ngành lao động năm 2008 là hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước hai năm so với kế hoạch. Trước mắt, mục tiêu trong năm 2008 là giảm 510 ngàn hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%. Nhưng theo ông Phạm Văn Tiến- Chánh văn phòng điều phối chương trình quốc gia giảm nghèo, mặc dù giảm nghèo nhanh song tới hết năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo nước ta vẫn còn tới 14,81%, trong đó còn 58 huyện tỷ lệ nghèo trên 50%, 27 huyện trên 60%, 10 huyện trên 70% và 1 huyện trên 80% tỷ lệ nghèo.

Để về đích sớm, theo ông Phạm Văn Tiến chính sách giảm nghèo sẽ được sửa đổi, bổ sung , cụ thể là : tăng thời hạn sử dụng thẻ BHYT với thời hạn 2 năm trở lên, hộ thoát nghèo được hưởng chính sách BHYT tiếp 2 năm, quy định trách nhiệm xác nhận hộ nghèo hưởng ưu đãi giáo dục cho cấp xã...Có chính sách đầu tư đặc biệt cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%..

Mặc dù CPI tăng cao song theo Bộ LĐTBXH chuẩn nghèo năm 2008 không có gì thay đổi, chuẩn nghèo mới sẽ được nghiên cứu và áp dụng cho giai đoạn 2011-2015...

Nguyễn Thiêm
.
.
.