Tạo điều kiện cho công dân nhưng không hạn chế quyền của cơ quan tư pháp

Thứ Ba, 26/05/2015, 18:09
Xây dựng luật theo hướng tạo điều kiện cho các công dân thực hiện quyền của mình, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp làm việc nghiêm minh, đấu tranh chống tội phạm - đó là quan điểm của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), chiều 26/5.

Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho biết, lần này Quốc hội đưa ra rất nhiều luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động tư pháp, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, phát huy được quyền của công dân và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với vấn đề xây dựng luật, bởi đây là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến từng cá nhân con người. Dư luận quần chúng hiện rất quan tâm đến chất lượng tham mưu xây dựng luật. Tại TP HCM đã xảy ra cuộc đình công lớn ở các công ty, do không đồng tình với Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội đã buộc Chính phủ phải đề nghị sửa đổi; Luật sỹ quan Quân đội, Luật Công an chưa có hiệu lực đã đưa vào chương trình đề nghị sửa đổi năm 2015; Luật giáo dục nghề nghiệp vừa được thông qua lại tiếp tục phải sửa đổi; Luật việc làm cũng chỉ mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 nhưng sau 4 tháng thực hiện đã bộc lộ rất nhiều bất cập…

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an tham gia thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đề nghị Quốc hội khi xây dựng luật phải hết sức thận trọng và cần tính toán sao cho có tính khả thi.

Đánh giá về quá trình xây dựng các bộ luật, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho rằng, có rất nhiều quy định phát huy dân chủ, quyền công dân, phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng có những quy định hạn chế quyền hạn của các cơ quan tư pháp mà “nếu không cẩn thận chúng ta sẽ bó tay của chúng ta”.

“Một mặt chúng ta tạo điều kiện cho các công dân thực hiện quyền của mình, theo đúng Hiến pháp, nhưng một mặt chúng ta cũng phải tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp làm việc nghiêm minh, đấu tranh chống kẻ thù, chống tội phạm. Nếu hạn chế bớt quyền của các cơ quan tư pháp thì sẽ không thể đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tội phạm” - Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu nhấn mạnh.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cùng các đại biểu tại buổi thảo luận.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đề nghị không nhất thiết phải thông qua các điều luật này trong năm nay, khi nào bàn kỹ đến nơi đến chốn mới tính đến việc thông qua.

Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cũng nêu quan điểm về một số vấn đề cụ thể của Bộ luật Hình sự. Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu phân tích: “Khi nói đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân tức là nói đến trách nhiệm hình sự của một tổ chức, theo quan điểm cá nhân tôi không nên đưa ra quy định trách nhiệm hình sự của một pháp nhân, vì thứ nhất theo quy định pháp luật hiện hành chúng ta có đủ các căn cứ, chế tài xử lý pháp nhân về mặt hành chính (ví dụ như tước quyền sử dụng, thu giấy phép hành nghề, đình chỉ hoạt động, yêu cầu bồi thường thiệt hại…) Thứ hai là chúng ta đang thực hiện quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, khi xử lý người đứng đầu của tổ chức tức là xử lý pháp nhân. Thứ ba, việc xử lý pháp nhân phải qua một quá trình tố tụng rất dài, phiền phức, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị…”

Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu hoan nghênh dự thảo luật đã đưa ra việc giảm hình phạt tử hình, bởi đây là vấn đề cần thiết, thể hiện tính nhân văn, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Việc giảm hình phạt tử hình cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án, giảm chi phí… Tuy nhiên nên cân nhắc một số tội danh, như tội cướp tài sản; tội phá huỷ công trình cơ sở quan trọng về an ninh quốc gia; tội vận chuyển trái phép ma tuý số lượng lớn.

Về vấn đề bổ sung quy định chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp không chấp hành án, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho rằng trước mắt Quốc hội không nên tiếp tục nghiên cứu. Bởi những người bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ thì chắc chắn phạm tội nhẹ, nếu không chấp hành mà đưa họ vào tù thì không đúng chủ trương của mình là đang giảm hình phạt tù. Và nếu quy định này được thông qua thì sẽ tăng số phạt tù, gây khó khăn trong việc giam giữ, liên quan đến nhiều khâu, quy trình. Chưa kể, nếu phạt tù thì làm sao có chuyện khắc phục hậu quả…

Dự thảo Bộ luật Hình sự cũng đề nghị bỏ một số tội danh, tuy nhiên Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho rằng có 2 tội danh cần được tính toán, cân nhắc. Thứ nhất là tội hoạt động phỉ. Hoạt động phỉ tức là hoạt động có vũ trang ở vùng miền núi, hiện nay vẫn chưa chấm dứt, chúng ta vẫn còn mối đe doạ. Nếu bỏ sau này có những hoạt động ấy thì chúng ta sẽ khó xử lý. Thứ 2 là tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu bỏ tội danh này sẽ rất dễ bỏ lọt tội phạm…

Quỳnh Vinh
.
.
.