Chuyến công tác của Thủ tướng tại Châu Âu, Bắc Phi:

Tăng cường tin cậy chính trị, mở ra triển vọng hợp tác mới

Thứ Hai, 08/06/2015, 08:14
Chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự hiểu biết lẫn nhau cũng như mở ra nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng như với các nước...
>>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Bulgaria
>>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Kazakhstan và thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha, Bulgaria từ ngày 29/5 – 6/6/2015.

Chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự hiểu biết lẫn nhau cũng như mở ra nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng như với các nước...

Tại Kazakhstan, từ ngày 29 đến 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Đây là Hiệp định mang nhiều ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế; là bước đột phá, có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. 

Cùng với các FTA khác, Hiệp định sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước thuộc khối Cộng đồng các quốc gia độc lập. Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Bulgaria về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ảnh: TTXVN.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hằng năm...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới thăm chính thức Cộng hoà Algeria, một quốc gia Bắc Phi, bên bờ Nam Địa Trung Hải, có diện tích gần 2,4 triệu km2, dân số trên 38 triệu người, có thế mạnh về dầu lửa, khí đốt, tài nguyên sắt, phốt phát, than, đồng, chì, kẽm… Trong thời gian ở Algeria (từ 31/5 – 2/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Abdelaziz Bouteflika; hội đàm với Thủ tướng Abdelmalek Sellal...

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đạt nhất trí cao về nhiều biện pháp, phương hướng nhằm tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, y tế, văn hóa, du lịch... Hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương từ mức 250 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong vài năm tới, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hợp tác và xúc tiến các dự án cụ thể. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abdelmalek Sellal cũng như các nhà lãnh đạo Algeria khẳng định Algeria luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại để thu hẹp bất đồng; Algeria sẵn sàng đóng góp cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trong chuyến thăm chính thức Bồ Đào Nha (từ ngày 2 – 4/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải đối với hợp tác kinh tế biển, chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông. Thủ tướng Bồ Đào Nha cho rằng, các tranh chấp cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Tại Diễn đàn Kinh tế Biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ những lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình hình đang diễn ra ở Biển Đông - tuyến hàng hải vận chuyển khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới Đông Bắc Á với châu Âu; đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế biển, cùng nhau giữ gìn môi trường biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải.

Trong thời gian thăm chính thức Bulgaria (từ ngày 4 – 6/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bulgaria khẳng định hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để tích cực hướng quan hệ Việt Nam-Bulgaria tới đối tác chiến lược, trong đó trọng tâm là thúc đẩy mô hình hợp tác kinh tế mới cũng như hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Bulgaria tái khẳng định với tư cách là thành viên của EU và trong các khuôn khổ châu Âu, sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam và EU tăng cường quan hệ, hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Phía Bulgaria cũng ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thành công hơn với tư cách là một nền kinh tế thị trường...

PV (theo Chinhphu.vn)
.
.
.