Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Trung ương khối nội chính trong phòng chống tham nhũng

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:26
Chiều 1/4, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao.

Đại tướng Trần  Đại  Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đại biểu đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đọc dự thảo báo cáo kết quả thực hiện các Quy chế phối hợp. Ngày 5/9/2014, Ban Bí thư đã ký ban hành các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.

Ngay sau khi các Quy chế được ban hành, các cơ quan tham gia phối hợp đã tích cực quán triệt tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung cơ bản của Quy chế. Các cơ quan phối hợp đã chủ động, tích cực thực hiện theo trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của mình và tham mưu giúp Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo.

Về kết quả điều tra, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 22 vụ/244 bị can; đã kết luận và đề nghị truy tố 13 vụ/143 bị can; đang điều tra bổ sung 2 vụ/20 bị can; tiếp tục điều tra 7 vụ/63 bị can; đình chỉ điều tra 2 bị can; tạm đình chỉ 8 bị can; đang xem xét để phục hồi điều tra 1 vụ án đã đình chỉ điều tra… Về kết quả kiểm sát điều tra và thực hiện quyền công tố, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã hoàn thành cáo trạng và quyết định truy tố 11 vụ/129 bị can; đang dự thảo cáo trạng 1 vụ/14 bị can…

Về kết quả xét xử, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã xét xử sơ thẩm 9 vụ/90 bị cáo; Tòa tuyên phạt 7 bị cáo với 8 mức án tử hình, tù chung thân 9 bị cáo, tù có thời hạn với mức án từ 2 năm đến 30 năm tù gồm 71 bị cáo…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành cũng đã trình bày các bản tham luận góp ý vào dự thảo báo cáo.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, qua ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành đã khẳng định trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi Ban Bí thư ký quyết định ban hành Quy chế phối hợp thì công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương khối nội chính trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, đi vào chiều sâu. Quyết định ban hành Quy chế phối hợp của Ban Bí thư là hết sức cấp thiết.

Trên cơ sở thực hiện Quy chế phối hợp, với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, số lượng các vụ án tham nhũng, kinh tế được phát hiện điều tra xử lý nhiều hơn thời gian trước: việc xử lý tin báo tố giác tội phạm cao hơn; điều tra, xử lý cơ bản các vụ án tham nhũng còn tồn đọng hoặc vướng mắc kéo dài nhiều năm nay…Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp vẫn chưa đi vào chiều sâu dẫn đến nhận thức một số vấn đề chưa có tính thống nhất; việc đánh giá tội danh còn có sự khác biệt, tiến độ điều tra các vụ án có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn các vụ việc điều tra kéo dài…

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian tới, cùng một loạt các giải pháp thì việc tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong khối nội chính, trong khối tư pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn các Quy chế phối hợp. Trên cơ sở đó, tiếp tục đề xuất, hoàn thiện các cơ chế phối hợp. Ngoài các cơ quan được quy định trong Quy chế phối hợp, còn phải mở rộng thêm công tác phối hợp với các cơ quan khác như thanh tra, kiểm toán…

Cần tăng cường sự phối hợp của các cơ quan tố tụng, giải quyết các vướng mắc trong xử lý các vụ án kinh tế. Bên cạnh đó, tham mưu cho  Trung ương, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cơ chế chính sách khen thưởng, kỷ luật trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng và đấu tranh phòng chống tham nhũng; tiếp tục duy trì giao ban định kỳ giữa các cơ quan chức năng tham gia Quy chế và phát huy vai trò của Ban Nội chính Trung ương.

Nguyễn Hương
.
.
.