Tâm sự của Liên Khui Thìn khi được đặc xá

Chủ Nhật, 30/08/2009, 19:16
Trong số hơn 5.000 phạm nhân được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2009 có một phạm nhân mà một thời đã tiêu tốn nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông trong cả nước. Đó là Liên Khui Thìn.

Dư luận biết đến Liên Khui Thìn bởi ngày này cách đây hơn 12 năm khi vụ án Minh Phụng - Epco bị các cơ quan pháp luật ở TP HCM đưa ra ánh sáng. Trong số các đối tượng bị khởi tố, bắt giam ở vụ án kinh tế này có Liên Khui Thìn, lúc đó là Tổng Giám đốc Công ty Epco.

Biết tin được đưa vào diện đặc xá đúng vào dịp Quốc khánh của nước Việt Nam độc lập, Liên Khui Thìn mừng mừng, tủi tủi. Cũng phải thôi, bởi sau ngày tòa tuyên án, anh đâu có nghĩ đến một ngày như hôm nay…

Có lẽ vì thế mà Liên Khui Thìn cho rằng quyết định đặc xá của Chủ tịch nước không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà đó còn là tờ giấy khai sinh lần thứ 2 trong cuộc đời mình; rằng nó mở ra cho Thìn một cơ hội để làm lại cuộc đời từ chính nơi mình đã ngã xuống; xóa đi những âu buồn, bi thảm trong quá khứ trở về với cuộc sống thường nhật của một công dân đất Việt.

Sinh năm Nhâm Thìn, cuộc đời của Liên Khui Thìn đã trải qua những trang đời mà ở đó là sự đan xen những niềm vui và nỗi buồn; danh vọng và bi thảm. Không ai có thể phủ nhận những khúc ca thời trai trẻ của chàng sinh viên Liên Khui Thìn khi còn theo học ở Đại học Khoa học Sài Gòn trong thời cả nước còn giồng mình đánh Mỹ; rồi những đóng góp tích cực của anh trong các phong trào thanh niên tình nguyện trong những năm Sài Gòn vừa giải phóng. Tiếp đó là những công sức trong việc xây dựng và phát triển Công ty Epco trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước.

Ngày ấy, trên cương vị là Tổng Giám đốc Công ty Epco, Liên Khui Thìn đã chèo lái đưa con thuyền Epco vượt qua bao khó khăn, thử thách xây dựng thương hiệu Epco trở thành một trong những thương hiệu mạnh trong làng doanh nghiệp nước ta.

Nhưng ở đời có ai học hết được chữ ngờ. Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nóng vội trong đầu tư và kinh doanh, "tham bát, bỏ mâm"; con thuyền Epco từ chỗ là một doanh nghiệp mạnh dần dần lún sâu vào những món nợ lớn của một số ngân hàng thương mại. Rồi thì cái gì đến sẽ ắt đến.

Cuối quý 1 năm 1997, Liên Khui Thìn và một số đối tượng khác trong vụ án: Minh Phụng - Epco bị khởi tố, bắt giam, sau đó được đưa ra xét xử. Đây có thể coi là một vụ án kinh tế có quy mô lớn nhất vào thời điểm này. Kết thúc phiên tòa, Liên Khui Thìn cùng 3 bị cáo khác bị tòa tuyên phạt mức án cao nhất.

Sau 5 năm bị giam ở Trại tạm giam Chí Hòa đã có lúc Liên Khui Thìn cảm nhận: Cái chết đã kề bên và sẵn sàng đón nhận nó bởi những hành vi do mình gây nên. Liên Khui Thìn từng tâm sự với các cán bộ quản giáo: "Kết thúc phiên tòa, tôi, anh Minh Phụng và 2 bị cáo khác bị tòa tuyên với mức án cao nhất. Tại Trại tạm giam Chí Hòa, tôi bị biệt giam cách buồng giam của anh Phụng 3 phòng. Sau khi tòa tuyên án, những ngày bị giam giữ ở Trại giam Chí Hòa với tôi thật nặng nề và cảm giác ngày dài lê thê. Ngồi ở phòng biệt giam, tôi hồi tưởng về những ngày thơ ấu, về người cha, người mẹ, về quê hương yêu dấu của mình, sao đẹp đến như vậy. Rồi tôi lại tự trách mình, ân hận và nuối tiếc: Sao lại làm những điều dại dột đến như vậy để cuộc đời như ngày hôm nay.”.

Vào một buổi sáng, Thìn choàng tỉnh dậy, khi nghe tiếng ổ khóa lách cách. Đó là rạng sáng ngày 11/7/2003, Thìn hoảng hồn khi nghe tiếng mở khóa lách cách bên buồng giam Tăng Minh Phụng.

"Tôi đoán anh Minh Phụng đã bị dẫn giải đi thi hành án. Tự nhiên đầu óc tôi căng như dây đàn. Tôi nghe ngóng và hoảng sợ. Tôi đợi, đợi mãi không thấy cán bộ quản giáo quay lại buồng mình. Thế là lại khắc khoải, lại sợ tiếng ổ khóa lách cách… Nhưng cũng chính trong những giờ phút bi kịch nhất của cuộc đời, một niềm tin vào chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong tôi bỗng lóe lên. Niềm tin ấy, cuối cùng được đền đáp. 2 tháng sau vào ngày 8/9/2003, cán bộ quản giáo mở cửa buồng giam của tôi, sau đó dẫn đến một buồng giam khác. Lúc này tôi biết, lá đơn xin ân xá của tôi đã được Chủ tịch nước chấp thuận. Một cảm giác vui sướng tột cùng, khó tả lắm cán bộ ạ. Ít lâu sau, tôi được đưa về Trại giam Xuân Lộc để thụ án".

Sau 12 năm thụ án ở trại giam, đầu năm 2008, do cải tạo tốt, góp nhiều công sức trong việc xây dựng môi trường trại giam và tích cực thi hành án dân sự nên Liên Khui Thìn được xét giảm án xuống còn 20 năm.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm 2009, đúng vào dịp Quốc khánh 2/9, Liên Khui Thìn lại được đề nghị xét đặc xá. Biết tin ấy, Liên Khui Thìn rưng rưng 2 hàng nước mắt, biểu lộ sự biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, với Ban giám thị và các cán bộ quản giáo Trại giam Xuân Lộc, nơi mà đã hàng ngày, hàng giờ động viên, chia sẻ, giáo dục cảm hóa để Thìn có được một ngày hôm nay.

Một cán bộ ở Cục V26 trong lần gặp chúng tôi đã kể: Khác với tâm trạng ốm yếu trong những ngày bị giam giữ ở Trại tạm giam Chí Hòa, Liên Khui Thìn thực sự "lột xác", kể từ năm 2003, thời điểm mà Thìn nhận được sự ân huệ của Chủ tịch nước cho ân giảm từ án tử hình xuống còn án chung thân.

Sau ngày thoát án tử hình, tâm trạng của Liên Khui Thìn thay đổi hẳn, tâm lý ổn định, theo đó là sự bình phục về sức khỏe nhanh; hưng phấn và có ý thức cao trong việc thi hành trách nhiệm án dân sự cũng như các công việc do Ban giám thị và cán bộ quản giáo giao cho.

Kể từ ngày được chuyển về thụ án ở Trại giam Xuân Lộc, dường như không có việc gì mà cán bộ quản giáo giao Liên Khui Thìn không hoàn thành. Thôi thì đủ việc, từ chăm sóc đàn cá ở các ao, hồ trong phạm vi trại đến việc chăm sóc cây cảnh, trồng rau…

Sẵn có kinh nghiệm trong thời gian làm doanh nghiệp, khi thụ án ở Trại Xuân Lộc, Liên Khui Thìn còn vận động gia đình, anh em, bè bạn gom góp vốn để xây dựng thành công công trình xử lý nước, sản xuất nước tinh khiết phục vụ cán bộ công nhân viên Trại giam và góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân.

Cũng trong thời gian thụ án ở đây, Liên Khui Thìn còn vận động bạn bè thân hữu, các thành viên trong gia đình góp tiền xây dựng một bệnh xá ở gần khuôn viên trại giam. Việc làm trên đã giúp cho công tác chăm lo sức khỏe cho các phạm nhân được thuận tiện và kịp thời.

Một cán bộ quản giáo Trại giam Xuân Lộc kể: Trong thời gian thụ án tại trại, Liên Khui Thìn tỏ ra là một người am hiểu nhiều ngoại ngữ. Hàng ngày sau những giờ lao động, hoặc vào các ngày nghỉ, ngày lễ, Thìn thường lên thư viện mượn các sách văn học trong và nước ngoài để đọc như cuốn "Chiến tranh và hòa bình", "Những người khốn khổ", "Cuốn theo chiều gió", đặc biệt là những cuốn sách về các chính trị gia như V.Putin; G.Bush, B.Obama, kể cả các tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh.

Khi được hỏi: Ra khỏi trại, anh sẽ làm gì? Liên Khui Thìn trong tâm trạng phấn chấn đã nói: Trước hết tôi sẽ dành một thời gian để nghỉ ngơi, tiếp tục điều trị bệnh để sức khỏe ổn định, sau đó sẽ về quê thắp nhang cúng tổ tiên, ông bà, ba mẹ và những người thân trong dòng họ, rồi đi thăm, cảm ơn những bạn bè, thân hữu đã chia sẻ, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt thời gian tôi gặp nạn, đặc biệt là Ban giám thị và các cán bộ quản giáo Trại giam Xuân Lộc.

- Nguyên là một doanh nhân được đánh giá là năng động, khi ra trại, anh có ý định tiếp tục con đường doanh nhân mà mình đã đi không?

- Hồi còn là sinh viên Đại học Sài Gòn, tôi đã từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên xuống đường chống chiến tranh, đòi độc lập, hòa bình cho đất nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi cũng đã từng có nhiều hoạt động trong các tổ chức đoàn thanh niên những mong góp phần cùng đồng bào thành phố mang tên Bác khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Khi Đảng ta phát động công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập, tôi cùng anh em bè bạn chung sức, chung lòng xây dựng Công ty Epco với lòng mong mỏi được góp phần sớm xóa đi cái đói, cái nghèo xây dựng thành phố giàu đẹp, xứng đáng là thành phố mang tên Bác. Công việc còn bộn bề và ngổn ngang với bao thách thức thì tôi bị khởi tố và bắt giam.

Tôi đau xót và ân hận về những việc làm vi phạm pháp luật của mình. Do vậy khi ra khỏi trại giam, tôi tự hứa với chính mình, hứa với trời, với đất, với tổ tiên, ông bà, cha, mẹ mình sẽ làm lại cuộc đời với niềm tin và ý chí vượt lên những mặc cảm, hòa mình với dòng chảy của xã hội và đất nước. Sau khi được đặc xá, tôi sẽ trở lại Trại giam Xuân Lộc, nơi tôi đã từng sống và cải tạo hơn 6 năm để đề xuất với Ban giám thị và lãnh đạo Cục V26 thành lập và triển khai "quỹ hoàn lương" để khai thác những tiềm năng hiện đang tiềm ẩn trên đất trại, giải quyết việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề cho những phạm nhân sau khi ra trại trở về với cuộc sống cộng đồng.

Tiếp đến là tìm hiểu thêm thông tin. Nếu thuận lợi, được bạn bè giúp đỡ có thể tôi sẽ tiếp tục hành trang doanh nhân của mình nhằm góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai với các nước ở năm châu mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng chỉ bảo

Lưu Vinh - Đăng Trường
.
.
.