Sức mạnh tự vệ

Thứ Sáu, 18/12/2015, 12:28
Với vị trí đặc biệt quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hiện đại hóa Hải quân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách quốc phòng của Việt Nam. 


Từ năm 2010, Hải quân Việt Nam được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đến nay đã có đủ 5 thành phần lực lượng. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Năm 2015 cũng là thời điểm đánh dấu 60 năm Hải quân Việt Nam xây dựng, trưởng thành. Có thể đúc kết lại chặng hành trình của Hải quân trong 6 thập kỷ qua ở 16 chữ: “Chiến đấu anh dũng; mưu trí sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”. Với các lực lượng khác trong Quân đội, việc xây dựng hiện đại được tiến hành “từng bước”, song với Hải quân, yêu cầu đặt ra là “tiến thẳng lên hiện đại”. 

Do đó, từ năm 2010, Hải quân Việt Nam được đầu tư mạnh mẽ, đến nay đã có đủ 5 thành phần lực lượng: tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh - tên lửa bờ; Không quân Hải quân; Hải quân đánh bộ, Đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo. Chúng ta đã, đang tiến hành mua sắm các loại vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu phòng thủ, bảo vệ biển, đảo của Hải quân Việt Nam trong những năm gần đây là bước cụ thể hoá chủ trương xây dựng Hải quân “tiến thẳng lên hiện đại”... 

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho quân chủng Hải Quân (tháng 5-2015).

Một trong những loại vũ khí hiện đại, được đầu tư mua sắm cho Hải quân là cặp tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên Gepard 3.9, mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Với loại tàu này, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân được nâng lên đáng kể bởi số lượng vũ khí đồ sộ được trang bị trên đó, gồm: các ống phóng tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E; pháo phòng thủ tầm gần 7 nòng 30mm AK-630; pháo hạm 76mm AK-176; hệ thống phòng không tầm thấp CIWS Palma; tên lửa phòng không 9M311. 

Ngoài ra, Gepard 3.9 còn sở hữu các thông số đáng nể khác: tốc độ 21 hải lý/giờ; tầm hoạt động 5 nghìn hải lý, chịu được sóng gió. Không chỉ đầu tư cho đội tàu mặt nước, Hải quân Việt Nam cũng đã mua sắm các tàu ngầm hiện đại lớp Kilo-636, trong khi tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả các loại tàu ngầm đã được trang bị trước đây. 

Sau các tàu ngầm 182-Hà Nội, 183-TP Hồ Chí Minh, 184-Hải Phòng, tháng 7 vừa qua, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo thứ 4 là 185-Khánh Hoà. Như vậy, 4 trong số 6 chiếc tàu ngầm Kilo đặt mua đã hiện diện trong lực lượng Hải quân Việt Nam.

Lễ thượng cờ trên tàu ngầm Hà Nội.

Được mệnh danh “hố đen trong đại dương”, Kilo-636 thực sự là công cụ răn đe hữu hiệu, bởi nó hoạt động với độ ồn rất nhỏ và được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân như hệ thống tên lửa (chống hạm, đối đất, phòng không), ngư lôi; tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240m và có thể lặn sâu tối đa 300m; tầm hoạt động 6.000- 7.500 hải lý; thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm. 

Đến cuối tháng 9 vừa qua, tại nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga đã diễn ra lễ hạ thủy tàu ngầm HQ-187 Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tàu ngầm Kilo cuối cùng trong lô 6 chiếc thuộc lớp Varshavyanka Nga đóng cho Việt Nam.

Đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá Hải quân, không dừng lại ở việc đầu tư mua sắm, công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đã và đang nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất thành công các loại tàu chiến hiện đại. Đây là hướng đi mang tính chiến lược, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, vừa tăng tính chủ động của Hải quân trong huấn luyện làm chủ cũng như bảo đảm kỹ thuật cho tàu chiến. Hiện, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã làm chủ được công nghệ sản xuất tàu pháo TT-400TP và tàu tên lửa hiện đại thuộc lớp 12418. 

Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ với thiết kế và tính năng hiện đại được trang bị cho Hải quân Việt Nam.

Loại tàu pháo “Made in Việt Nam” này có lượng giãn nước 480 tấn, dài 54,16m, rộng 9,16m; tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ; tầm hoạt động 2.500 hải lý, có thể hoạt động dài ngày trên biển; tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5, chạy trong điều kiện gió cấp 9, 10 và sóng cấp 8. 

Tàu được trang bị pháo hạm AK-176 cỡ nòng 76,2mm, pháo phòng không cao tốc AK-630, đại liên 14,5mm, tên lửa phòng không tầm thấp Igla. Hải quân Việt Nam đã nhận bàn giao 2 tàu tên lửa 379 và 380. Là tàu tên lửa tấn công nhanh, các tàu 379, 380 (trước đó là các tàu 377, 378) được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại: dàn phóng tên lửa Uran – E; dàn pháo hạm tự động AK- 176M; pháo 6 nòng tự động AK-630…

Như vậy có thể thấy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Hải quân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, nhanh chóng nâng cao sức mạnh trong phòng thủ, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. 

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Quân chủng Hải quân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, tình hình thế giới và khu vực thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trên biển Đông sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn và nghiêm trọng, vừa phải tăng cường khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. 

Lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng hiện đại.

Do đó, phải tập trung xây dựng lực lượng Hải quân Việt Nam vững vàng về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân chủng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, làm hết sức mình, dù phải hy sinh tính mạng, để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Chủ tịch nước yêu cầu phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, xây dựng Hải quân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; xây dựng các lực lượng trong quân chủng có khả năng tác chiến độc lập, liên tục, dài ngày ở vùng biển gần cũng như vùng biển xa thắng lợi; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự với các nước để xây dựng vùng biển hòa bình, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng cơ động, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, nâng cao khả năng dự báo, kịp thời tham mưu với Đảng và Nhà nước về các chủ trương, đối sách chiến lược... 

Tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ các chủ trương, giải pháp của Đảng bộ Quân đội như: Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, xử lý thắng lợi các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Theo kết quả khảo sát quốc phòng của nhiều tổ chức quốc tế thì châu Á hiện là một trong những khu vực mà việc mua sắm vũ khí, trang bị hải quân sôi động vào hàng bậc nhất thế giới. Trong chương trình phát triển vũ khí, trang bị hải quân được các nước khu vực công bố thì tới năm 2017, có hơn 108 tỷ USD sẽ được chi cho mua sắm và hiện đại hóa, trong đó, 16 quốc gia ven biển ở châu Á sẽ mua khoảng 850 tàu chiến các loại. Đối với Việt Nam, chúng ta xác định rõ chủ trương hiện đại hóa Quân đội, trong đó có hiện đại hóa Hải quân là nhằm mục đích tự vệ.

Lễ tiếp nhận tàu Lý Thái Tổ.

Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, một nguyên tắc xuyên suốt là, để giữ vững độc lập, chủ quyền, chúng ta phải xây dựng và phát huy được sức mạnh nội lực. Vũ khí, khí tài quân sự không giữ yếu tố quyết định song lại rất quan trọng giúp phát huy sức mạnh nội lực, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. 

Tại Đối thoại Shangri - La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. 

Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. 

“Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào” - Thủ tướng nhấn mạnh.

An Nhi
.
.
.