Sẽ tách dần các khu vực lương để cải thiện mức lương

Thứ Năm, 08/11/2007, 09:52
Trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 7/11 bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết sẽ từng bước tách dần các khu vực lương: khu vực lương hành chính, doanh nghiệp, khu vực lương của cán bộ về hưu, diện chính sách... để có điều kiện cải thiện mức lương theo từng khu vực cụ thể.

Xã quy mô lớn, phức tạp, mức lương, phụ cấp sẽ khác

- Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn cách làm còn khá mới mẻ này và hướng thực hiện như thế nào?

- Đó là tách dần các khu vực lương, khu vực lương hành chính riêng, doanh nghiệp riêng, khu vực lương của cán bộ về hưu riêng, diện chính sách riêng... Khi tách ra theo các khu vực nói trên sẽ có điều kiện chăm lo chính sách tiền lương theo biện pháp và lộ trình khác nhau, còn nếu như bây giờ, chúng ta đang lo chung các khu vực thì khó có điều kiện cải thiện được.

Trong mức chung này có cả khu vực sự nghiệp. Mà khu vực sự nghiệp hưởng lương chung như thế này cũng khó cho đơn vị sự nghiệp, nếu tách ra thì đơn vị sự nghiệp có điều kiện tự cải thiện cho mình, cán bộ, viên chức giỏi có điều kiện thu nhập cao hơn.

Đương nhiên, đây là một quá trình khó, việc làm khó vì phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế đất nước, sự ủng hộ của xã hội. Từ nay đến năm 2012 chia làm một lộ trình, sau đó tính lộ trình tiếp. Đi liền với nó phải có quá trình phát triển kinh tế của đất nước, chuyển biến tư tưởng của cán bộ, công chức. Năm 2008 về cơ bản chưa có gì thay đổi lắm. Còn sau đó sẽ có các đề án, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội cụ thể.

- Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mỗi đợt nâng lương chỉ tăng thêm 20-25% là thấp, không đủ cải thiện mức sống thực tế do lạm phát. Khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Nội vụ tính toán điều này ra sao?

- Thực tại kinh tế của ta chưa cho phép tăng cao nên cũng chỉ có thể điều chỉnh từng bước một. Ngân sách vừa dành cho tiền lương, cũng vừa dành cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và khi kinh tế phát triển lên mới có điều kiện giải quyết tiền công, tiền lương. Nếu chỉ thiên về giải quyết tiền lương mà không tập trung dành cho đầu tư phát triển thì không giải quyết được nội hàm sâu xa.

- Tinh giản biên chế đang được thực hiện nhưng thực tế số người hưởng lương, phụ cấp lại ngày một nhiều, chẳng hạn số cán bộ xã. Liệu chúng ta có nên chia lương, phụ cấp đồng hạng cho xã ở bất kỳ khu vực nào?

- Tôi từng nói về chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, trong đó có việc sắp xếp hợp lý, bố trí đội ngũ cán bộ tính theo tiêu chí việc làm, làm sao cho hợp lý.

Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cũng nêu về việc nên giải quyết lương cho cán bộ xã và rất nhiều ngành muốn có cán bộ của mình ở khu vực đó nhưng trong thực tế cũng phải cân nhắc kỹ.

Hướng là phải chia các loại xã, xã có quy mô lớn, địa hình phức tạp thì bố trí khác, mức lương, phục cấp khác với đồng bằng, nơi thuận lợi. Nếu lương tăng một chút mà số lượng cán bộ, công chức tăng nhiều quá thì khó đáp ứng.

- Vừa rồi cán bộ hưu trí băn khoăn không biết đợt tăng lương ngày 1/1/2008, họ cũng được tăng chung 20% hay tính riêng?

- Đi liền giải quyết tiền lương chung của cán bộ, công chức, lương hưu cũng đang được điều chỉnh đảm bảo hợp lý hơn cho đối tượng về hưu theo từng giai đoạn. Đầu năm 2008, khi nâng lương mức 20% đối với cán bộ, công chức thì lương hưu cũng nâng 20%, người có công cũng nâng 20%. Tôi nghĩ, nâng như vậy là tương đối đồng đều giữa các khu vực...

Quỹ lương hưu hiện chúng ta giữ nguyên thế này, sau sẽ giải quyết theo lộ trình. Những đối tượng Nhà nước lo thì Nhà nước sẽ cấp, còn lại thì phải hạch toán bằng quỹ lương hưu và sinh lời từ quỹ lương hưu để chi trả cho người về hưu.

- Đại biểu Quốc hội cũng lo ngại mỗi lần tăng lương lại kích tăng giá, tăng chi phí đầu vào nên về bản chất là không tăng?

- Trong thực tế, mức độ tăng giá và mức độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn mức tăng lương (lương tăng 20%; tăng trưởng kinh tế 8,5%; tăng giá tiêu dùng 7,3% - PV). Như vậy, việc tăng lương mức trên là có được cải thiện, dù tôi hiểu là chưa được nhiều. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thì mức tăng này cũng là cố gắng lớn của Nhà nước.

Việc tăng lần này là nằm trong lộ trình tăng lương, tất nhiên trong quá trình tăng lương cũng phải tính đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và trượt giá. Còn về giá cả tăng do lương tăng thì hiện Chính phủ đang có những biện pháp để hạn chế tăng giá.

Diện chính sách được Nhà nước chăm lo, người có điều kiện phải đóng góp

- Sau nhiều lần điều chỉnh chính sách tiền lương, bất cập về mức lương vẫn lộ rõ, chẳng hạn lương của bác sĩ, giáo sư có khi không bằng tiền làm thêm vài ca của một người lao động trong doanh nghiệp lợi nhuận cao?

- Cái đó là một điều rất thực tế, nhưng chúng ta phải giải quyết được tâm lý xã hội. Xã hội bây giờ muốn phải bao cấp đi học, chữa bệnh không mất tiền nhưng khả năng kinh tế có hạn nên phải làm thế nào để xã hội ủng hộ. Với những đối tượng mà Nhà nước phải chăm lo, ví dụ như người nghèo, gia đình đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước chăm lo, còn những người có điều kiện thì phải đóng góp cho Nhà nước.

Trên cơ sở đóng góp ấy mới có điều kiện cải thiện tiền lương cho giáo sư, bác sĩ giỏi, tránh tình trạng người ta nói là bác sĩ mổ một ca ruột thừa, phẫu thuật ruột mà tiền công cũng bằng một người vá săm xe đạp. Nhưng nếu không cho thu tương xứng với dịch vụ thì khó mà cải thiện được. Đây là một lộ trình mà các ngành chuyên môn sẽ phải trình và cũng phải được sự ủng hộ của Quốc hội, đặc biệt của người dân, chuyển dần bao cấp, mong muốn tập trung đối tượng Nhà nước chăm lo.

- Nghị định 43 của Chính phủ cho phép một số đơn vị được áp dụng hệ số tăng thêm so mức lương thiểu. Tuy nhiên, thực hiện quy định này sẽ xảy ra sự thua thiệt của lao động ở nơi việc nặng nhọc nhưng ít khoản thu?

- Thực hiện Nghị định 43 là lộ trình khó, vì đối tượng thực hiện Nghị định 43 điều chỉnh rất rộng cho nên ta phải từng bước thực hiện. Nếu khẩn trương làm ngay thì có những khó khăn, bởi không phải đơn vị nào cũng tự lực được ngay.

Chẳng hạn, có những bệnh viện tuyến huyện, các trường phổ thông ở vùng sâu, vùng xa... khó có được nguồn thu nên phải tính thế nào cho đồng bộ. Cho nên tôi chỉ có thể trả lời là từng bước thực hiện.

Vấn đề này, một số bộ chủ quản như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học, Công nghệ cũng rất muốn làm và đang có các đề án thực hiện vấn đề này.

- Theo Bộ trưởng, chính sách tiền lương liệu có kiểm soát được thu nhập, nhất là thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - một nội dung quan trọng trong phòng, chống tham nhũng?

- Kiểm soát thu nhập thì đề án đó chưa được duyệt. Cho nên tôi nghĩ hướng như vậy nhưng hiện chưa thể nói gì hơn ở đây bởi vì còn phải chờ phê duyệt.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Trong ngày 7/11, Quốc hội nghe tờ trình các dự án luật: Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức; Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

 

Ngày 8 và 9/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án luật nói trên.

 

Phan Đăng (ghi)
.
.
.