Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại các tỉnh Tây Bắc:

Sâu nặng nghĩa tình, trách nhiệm với đồng bào các dân tộc vùng cao

Thứ Ba, 17/04/2012, 08:01
Làm việc tại 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở là phải thu phục được lòng dân. Muốn vậy phải làm tốt hơn nữa công cuộc xóa đói giảm nghèo, đối với bà con các dân tộc, khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng thoát nghèo, sử dụng có hiệu quả mặt nước lòng hồ khi Nhà máy Điện Sơn La đi vào hoạt động. "Phải làm sao cho dân yên tâm sản xuất", Chủ tịch nước nhắc nhở.

Trong chuyến thăm Tây Bắc ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên 5 ngày vừa qua (từ ngày 12 đến 16/4), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành phần lớn thời gian đến với bà con các dân tộc ở từng bản làng, các đơn vị kinh tế, thăm và tìm hiểu các mặt công tác của một số đơn vị lực lượng vũ trang, làm việc với cán bộ chủ chốt các tỉnh nhằm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa các vùng, đô thị và nông thôn, trung du và miền núi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.

Đến với Sơn La hay Điện Biên, Chủ tịch Trương Tấn Sang muốn tận mắt chứng kiến và trực tiếp nghe tiếng nói của bà con các dân tộc, của chính quyền địa phương về những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ở Mường Bú (huyện Mường Lay, Sơn La), Chủ tịch đến hai bản Tin và Nà Trang, đội sản xuất Ít Ong, khu tái định cư Phiêng Bủng 2 xã Mường Chai.

Trên đường công tác, Chủ tịch nước vẫn tranh thủ buổi trưa, đến thăm cơ sở mới huyện Quỳnh Nhai di dời từ vùng ngập lũ đến địa điểm mới. Đến Điện Biên giữa trưa nắng gắt, Chủ tịch nước trực tiếp ra tận vườn cà phê xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, thăm xã Thanh Chăn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, lên tận vườn cao su tiểu điền 17 héc ta, xanh đẹp đã trồng 4 năm nay của ông Phạm Văn Trinh nằm bên vách núi cao bản Huổi Púng, xã Thanh An, huyện Điện Biên.

Chủ tịch Trương Tấn Sang quan tâm đến vấn đề xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nơi vùng cao Tây Bắc. Chủ tịch khẳng định: Phát triển kinh tế phải bao gồm mục tiêu giải quyết những vấn đề xã hội như chăm lo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa miền xuôi và miền ngược, đồng bằng và miền núi, về cuộc sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư.

Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm bà con ở khu tái định cư Phiêng Bủng 2, xã Mường Chai, huyện Mường Lay, Sơn La. Ảnh: Nguyễn Khang.

Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á gồm 6 tổ máy, có công suất 24.000 MW mà ở xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) đang ở giai đoạn thi công nước rút để bảo đảm tiến độ hoàn thành xây dựng và lắp đặt toàn bộ Nhà máy vào cuối năm nay. Giữa núi rừng hùng vĩ, con đập cao tới 138,1 mét với cao trình đỉnh đập lên đến 228,1 mét nằm vắt qua sông Đà là một chiến công lớn thuần phục, giành lấy ân huệ từ thiên nhiên, trở thành kỳ tích của Tây Bắc hôm nay. Đến nay, 4 tổ máy đã đi vào hoạt động. Đây cũng là dự án có số dân phải di dời lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài việc đã hoàn thành di chuyển hơn 20 nghìn hộ ra khỏi vùng ngập lòng hồ Thủy điện, đến nay công tác tái định cư đã hoàn thành nhiều kết quả quan trọng khi xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi thường tái định cư cho dân, ổn định đời sống bà con các dân tộc.

Trong chiến công chung của cán bộ, công nhân đang thi công nhà máy có cả nước mắt, thấm đẫm mồ hôi của bà con các dân tộc nơi đây. Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị lãnh đạo, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị ở Sơn La phải làm tốt công tác tái định cư để người dân có cuộc sống ổn định, hài hòa.

Đây không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề xã hội - Chủ tịch khen ngợi Tập đoàn Cao su Việt Nam trên địa bàn Tây Bắc đã trồng 6.300ha cây cao su triển khai thực hiện kỹ thuật trồng và chăm sóc phát triển cây cao su cho hơn 4.000 hộ dân, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tái định cư. Nhiều hộ dân đã góp đất đai cùng các đơn vị cao su phối hợp sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch nước khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 417 Si Pa Phìn - Bộ đội Biên phòng Điện Biên, Đoàn 379 - Quân khu 2 xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng ở Mường Chà đã vượt qua bao gian khổ, gắn bó với các bản, làng, xã huyện giúp dân xây dựng hạ tầng cơ sở như đường giao thông, làm thủy lợi, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất v.v... để lại những tình cảm êm đẹp trong lòng dân. Rừng xanh, núi thẳm phải là bản sắc của Tây Bắc.

Đến đâu Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng nêu rõ tinh thần quý trọng đất đai, bảo vệ rừng, tìm ra hướng đi mới, có hiệu quả trong việc phát triển sản xuất, giải quyết tốt công ăn việc làm lâu dài, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân, đồng bào các dân tộc.

Qua câu chuyện của Chủ tịch chúng tôi ghi được một ý lớn: Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, núi cao, người thưa, chủ yếu là đồng bào các dân tộc, tìm được một phương thức làm ăn không dễ. Vấn đề quan trọng là tìm được cây trồng vật nuôi phù hợp, không chỉ để xóa đói giảm nghèo mà cái chính là để định canh, định cư, bảo vệ rừng, ổn định cuộc sống lâu dài của bà con các dân tộc, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh. Phát triển cao su, cà phê như là cái mới đã và đang nảy sinh từ vùng đất này.

Chuyến thăm Tây Bắc lần này, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương quan tâm tìm hiểu về sự phối hợp giữa lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và các lực lượng vũ trang trên địa bàn trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ở Sơn La, Chủ tịch làm việc với hai ngành Tòa án và Kiểm sát, tìm hiểu công tác giải quyết các loại vụ án và công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua. Chủ tịch đã đến thăm và làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an các tỉnh Điện Biên.

Ở đâu cũng vậy, dù thời gian không nhiều, Chủ tịch nước lắng nghe, hỏi nhiều, rất cụ thể về tình hình quốc phòng - an ninh ở địa phương. Bức tranh chung cho thấy rõ sự quan tâm chú ý sâu sắc đến nhiệm vụ củng cố thế và lực quốc phòng, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, những âm mưu tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta của một số phần tử chống đối, giữ vững an ninh chính trị trật tự xã hội, giữ vững ổn định, phát triển toàn diện vùng giáp biên giới hai nước Việt - Lào ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, chiến sĩ Công an Điện Biên. Ảnh: Nguyễn Khang.

Báo cáo với Chủ tịch nước, Công an tỉnh Điện Biên cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay tội phạm ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, do đường biên giới dài, địa hình phức tạp, hiểm trở và lợi nhuận buôn bán ma túy cao. Thất bại trong việc gây rối ở Mường Nhé nhưng các thế lực thù địch vẫn rắp tâm hoạt động phá hoại với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ảo tưởng về "vương quốc Mông", bọn phản động nước ngoài tiếp tục móc nối các phần tử nhẹ dạ, cả tin trong nước, nơi vùng núi cao hòng lôi kéo đồng bào dân tộc. Hoạt động tôn giáo trái pháp luật vẫn còn tiếp diễn.

Nhận thức sâu sắc những âm mưu và hành động đen tối đó, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ đội địa phương đã tăng cường nhiều cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở bám chắc địa bàn, nắm vững tình hình vận động quần chúng, đấu tranh kiên quyết với các phần tử chống đối, tiêu cực, phát hiện xử lý kịp thời các hoạt động trái pháp luật. Thực tế càng thấy rõ ý nghĩa sâu sắc của nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân, phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cũng như ở Sơn La, đến Điện Biên, Chủ tịch nước yêu cầu các tỉnh phải làm tốt việc phòng chống tội phạm, kinh tế tăng trưởng nhưng tội phạm, tiêu cực xã hội càng phải giảm nhiều hơn nữa.

Tại các buổi làm việc với cán bộ chủ chốt hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhắc lại những kỷ niệm cách đây nhiều năm cùng lăn lộn, chỉ đạo các mặt hoạt động ở Tây Bắc. Các tỉnh Sơn La, hay Điện Biên nay đã có nhiều đổi thay. Đường sá đi lại đã tốt hơn trước nhiều. Câu mà mọi người thường nói các tỉnh này đặc biệt khó khăn không còn phải nhắc nhở nhiều như trước. Rõ ràng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Trung du và miền núi đã đi vào cuộc sống. Tốc độ phát triển kinh tế Sơn La năm 2011 tăng 12,4%, Điện Biên là 10,19% so với năm 2010. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước phát triển. Một số sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các chương trình, dự án trọng điểm của Chính phủ như xóa đói giảm nghèo, tái định cư v.v... được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Cởi mở, thẳng thắn và chân tình, Chủ tịch nước nêu rõ những bất cập, thách thức hiện nay Sơn La và Điện Biên vẫn là những tỉnh nghèo, cuộc sống người dân, nhất là đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân còn hạn chế, tệ nạn xã hội, ma túy và an ninh chính trị, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp.

Điều quan trọng, Chủ tịch nhắc nhở là phải thu phục được lòng dân. Muốn vậy phải làm tốt hơn nữa công cuộc xóa đói giảm nghèo, đối với bà con các dân tộc, khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng thoát nghèo, sử dụng có hiệu quả mặt nước lòng hồ khi Nhà máy Điện Sơn La đi vào hoạt động. Sử dụng tốt nguồn vốn Trung ương kết hợp tại chỗ xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ sản xuất, mở mang các đường xương cá, đường tuần tra biên giới. Phải làm sao cho dân yên tâm sản xuất, đừng để xảy ra nạn phá rừng, tình trạng di dân tự do, bảo vệ nguồn nước và đất đai sản xuất. Huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị phục vụ cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp lớn của Tây Bắc nói chung và Sơn La, Điện Biên nói riêng. Hành động và hành động có hiệu quả là thước đo ý thức trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương. Cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt phải suy nghĩ cho cái mới ra đời để phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ những nhân tố gây mất ổn định xã hội, lấy tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 soi vào mình để khắc phục những mặt yếu kém, quyết tâm vươn lên, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Chủ tịch nước đòi hỏi trước hết  cán bộ, đảng viên cần bám sát thực tiễn, lăn lộn và thúc đẩy phong trào hành động một cách khoa học, sáng tạo của quần chúng, giữ vững niềm tin đối với đồng bào các dân tộc.

Trong chuyến thăm và làm việc ở Sơn La, Điện Biên, Chủ tịch nước đã đến thắp hương, dâng hoa tại nghĩa trang nhà tù Sơn La và nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, đồi A1. Xúc động và từ trong sâu thẳm trái tim, Chủ tịch đã nói lên niềm mong mỏi đến Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Sơn La, Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung sẽ xứng đáng với sự hy sinh xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí đã làm nên chiến công oanh liệt, chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7-5 của 58 năm trước đây. Sơn La, Điện Biên cũng như các tỉnh Tây Bắc nhất định sẽ vượt qua vùng đất nghèo và khó khăn, cùng cả nước vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Niềm tin đó Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đã nhắn gửi đến thế hệ trẻ các em sinh viên khi đến thăm Trường Đại học Tây Bắc, trung tâm đào tạo cho nguồn nhân lực các tỉnh Tây Bắc, trong đó có hơn 56% con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tự hào và nặng tình với những hy sinh, đóng góp to lớn của nhân dân Tây Bắc góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, càng thêm trách nhiệm với đồng bào các dân tộc nơi đây.

Chuyến thăm và làm việc ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là chuyến đi khảo sát thực tế, đối thoại, để nắm chắc tình hình cụ thể hơn, hiểu rõ những suy nghĩ, trăn trở của cán bộ, đảng viên và người dân từ cơ sở những điều mà ở Trung ương không phải lúc nào cũng biết. Có biết bao kiến nghị với Trung ương của lãnh đạo các cấp, các ngành, từ cơ sở ở Sơn La và Điện Biên rất cụ thể thiết thực. Chủ tịch ghi nhận và hứa sẽ trao đổi lãnh đạo Trung ương, chỉ đạo các bộ, các ngành cùng nghiên cứu tìm cách giải quyết.

N.Đ.
.
.
.