45 năm Xuân Mậu Thân 1968:

Rưng rưng hồi ức sau những hiện vật bảo tàng

Chủ Nhật, 03/02/2013, 15:31
Ngày 1/2, lần đầu tiên, hơn 300 hiện vật là những kỷ niệm kháng chiến, đặc biệt là của các cơ sở cách mạng, những hình ảnh chân thực về các cán bộ, chiến sĩ, chiến công của các đơn vị biệt động, đặc công và không ít kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ đã góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được đồng loạt được giới thiệu tại Bảo tàng TP HCM. Bên nhiều mái đầu bạc phơ theo năm tháng, ký ức về một Mậu Thân chấn động toàn thế giới trở lại theo từng kỷ vật được trưng bày...

Câu chuyện của quá khứ thêm một lần nữa dội về trong cựu kỹ thuật viên của lực lượng tình báo Trung ương Cục miền Nam, ông Trần Quốc Cương khi bất ngờ gặp lại những mẫu căn cước đã ố nhòe cùng con dấu, chiếc máy ảnh cũ kỹ trong góc phòng trưng bày “45 năm Xuân Mậu Thân 1968 - Hồi ức từ những hiện vật”.

Chỉ những “người bạn cũ”, ông Cương đùa vui rằng: “Chúng tôi đánh giặc mà không giáp mặt tên giặc nào”... Bởi lẽ, nơi ông làm việc là căn nhà tạm kiêm hầm trú ẩn giáp biên giới Campuchia, ở tận Mỏ Vẹt, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Là địa chỉ được bảo mật tuyệt đối, thuộc dạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bộ phận của ông chỉ có đúng 2 người là ông và một đồng chí nữa. Trừ lãnh đạo cao cấp, hầu hết những người khác đều không được phép đến gần.

Đây cũng là nơi trung chuyển, tập hợp các tài liệu do lực lượng tình báo thu thập về để ông và người đồng đội dùng hóa chất xử lý, phục hồi, đồng thời là địa chỉ sản xuất các căn cước giả cho cán bộ, chiến sĩ thâm nhập công tác về Sài Gòn và các tỉnh, thành khác.

Những người lính từng góp phần làm nên sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 bồi hồi ôn lại kỷ niệm với thế hệ trẻ.

Ngay trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968 không lâu, ông Trần Quốc Cương và người đồng đội đột xuất nhận nhiệm vụ đặc biệt: Nội trong 4 ngày, sản xuất cho được 200 thẻ căn cước. Giấy, mực và các hóa chất chuyên dụng đều khan hiếm, cần có cả sự hỗ trợ của nhiều nước bạn và mạo hiểm của mạng lưới giao liên, có khi còn thấm máu xương của đồng đội mới đến được Mỏ Vẹt. Hơn thế, nếu sản phẩm làm  ra, chỉ một sơ suất nhỏ để địch nghi ngờ, phát hiện cũng đều để lại hậu quả khôn lường. Vì vậy, dù căng mắt làm ngày làm đêm, việc sản xuất được chú ý tiết kiệm đến từng giọt hóa chất và từng centimet giấy.

200 thẻ căn cước hoàn thành đúng tiến độ, được chuyển đi không lâu thì tin về cuộc Tổng tấn công được phổ biến. Hồ hởi thu xếp lên đường, Trần Quốc Cương còn kịp cùng hàng trăm đồng đội ăn mừng trước khi tiến về thành phố. Thế nhưng, phần lớn trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại trên các tuyến đánh vào Sài Gòn hoặc nằm lại chính Sài Gòn...

Được đưa ra trưng bày tại triển lãm “45 năm Xuân Mậu Thân 1968 - Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng” tại Bảo tàng TP HCM có đến hơn 300 hiện vật, hình ảnh. Ở đó, mỗi hiện vật đều ăm ắp những ký ức của các lực lượng cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định từng góp phần làm nên cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1968 ngay tại trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy. Đó là chiếc bếp dầu đã có dấu hiệu gỉ sét của cơ sở Nguyễn Trử dùng để giấu vũ khí giúp lực lượng biệt động thành đánh vào các mục tiêu; là những chiếc nồi niêu, bát đũa, các vật dụng được các cơ sở tiếp tế lực lượng đánh vào Sài Gòn; là chiếc ví còn vẹn nguyên hình ảnh Bác được trân trọng giữ gìn của liệt sĩ Lê Quang Lộc; là hàng loạt những tấm giấy khen nhỏ bằng bàn tay dành tặng các cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích sau mỗi đợt tấn công...

Lụm cụm cùng các đồng đội đã lớn tuổi khác tìm xem lại những hiện vật của một thời máu lửa, cụ Nghị Đoàn, nguyên Trưởng ban Hoa vận Sài Gòn - Gia Định bùi ngùi chia sẻ với chúng tôi rằng: Chỉ bằng những vật dụng đơn giản đó thôi nhưng với sự sáng tạo, anh hùng, mưu trí, gan dạ, lực lượng nội thành, các cơ sở cách mạng đã góp phần làm nên mùa xuân lịch sử: Tết Mậu Thân 1968. Mỗi hiện vật đều thấm đẫm máu xương, chiến công của các cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng. Việc lưu giữ là cần thiết, nhưng các câu chuyện, thông điệp sau chúng chuyển đến với các thế hệ tiếp nối càng cần thiết hơn.

Bởi, chỉ có hiểu lịch sử, hiểu những đau thương mất mát cha anh đã trải qua, người trẻ sẽ ý thức được nhiều hơn giá trị của độc lập, của tự do, biết trân trọng, giữ gìn nhiều hơn các thành quả  cách mạng, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước

N.Nguyễn
.
.
.