"Rốn bão" Cẩm Lĩnh đã bị cô lập hoàn toàn

Thứ Tư, 03/10/2007, 17:43
CAND Online - Cầu Cẩm Lĩnh, chiếc cầu duy nhất nối xã đảo Cẩm Lĩnh với phần còn lại của huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã chìm trong dòng nước. Tuyến đê ngăn mặn đang thi công dở cũng không chịu nổi sức tàn phá của dòng nước.

Sáng nay, bão số 5 có dấu hiệu chuyển tâm bão vào phía Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh. Xã đảo Cẩm Lĩnh được xem là địa bàn cực kỳ xung yếu. Bắt đầu từ sáng sớm hôm nay, hàng vạn dân đã được sơ tán đến trụ sở UBND xã, Trạm Y tế xã và trường tiểu học.

Tuyến đê ngăn mặn ở xã đảo Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đang thi công dở, còn một đoạn chưa hoàn thành nên nước tràn qua đó để vào Cẩm Lĩnh. Hàng chục hộ nuôi tôm ở khu vực ven biển đã bị mất trắng. Thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Việc di dân bắt đầu từ 5h sáng, 4 xe công nông được huy động để chở tài sản. 4/10 thôn của xã Cẩm Lĩnh sẽ phải di dời toàn bộ dân gồm 450 hộ, 1.600 nhân khẩu. Đó là các thôn 1, 2, 6, 10.

Cầu Cẩm Lĩnh chìm trong nước lũ.

Cẩm Lĩnh được xem là rốn bão của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một xã ngăn cách với bên ngoài bằng một phương tiện giao thông duy nhất là một chiếc cầu.

Đến 9h ngày hôm nay, xã đã bị ngập hoàn toàn và không thể đi được. Nguy hiểm hơn là ở Cẩm Lĩnh, tuyến đê ngăn mặn đang thi công dở, còn một đoạn chưa thi công được nên nước tràn qua đó để vào Cẩm Lĩnh.

Nghệ An đã sẵn sàng!

Sáng 3/10, bầu trời Nghệ An vần vũ một mầu xám xịt. Từng cơn mưa chưa lớn nhưng nối tiếp nhau xen kẽ giữa các cơn lặng gió. Nhiều người có kinh nghiệm đều khẳng định đó là biểu hiện của một cơn bão mạnh chắc chắn sẽ đổ bộ vào đất liền.

Bên trong trụ sở Công an tỉnh Nghệ An, công tác tập trung, triển khai lực lượng cứu trợ trước cơn bão số 5 diễn ra khẩn trương. Những chiếc xe cam-nhông chở từng tốp cán bộ chiến sỹ tăng cường trang bị đầy đủ áo mưa và phao cứu hộ lần lượt lăn bánh qua chiếc ba-ri-e kiểm soát trước cửa trụ sở công an tỉnh để toả về các xã.

Chuyến xe sớm nhất đã bắt đầu từ 5h sáng. Tại Nghệ An có khoảng 6 vạn dân nằm trong diện phải di dời tránh bão, chủ yếu thuộc các huyện ven biển như Diễn Châu, Cửa Lò, Nghi Lộc…

6h sáng, chiếc xe chở Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão Tỉnh uỷ Nghệ An xuất phát đi kiểm tra các địa điểm trọng yếu trên địa bàn huyện Nghi Lộc và một số nơi khác. Đường khá vắng. Tuy nhiên, đi dọc các tuyến QL 1A, QL 46 đi Cửa Lò, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều người dân đang chuyên chở tre, ngói về để tự gia cố lại nhà cửa.

Ngồi trên xe, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh liên tục đưa ra các chỉ đạo và yêu cầu các địa phương phải báo cáo thông tin về tình hình triển khai công tác di dời cac hộ dân theo đúng yêu cầu 30 phút một lần.

Chiếc bộ đàm gắn trên xe lẹt xẹt liên hồi: Tại Cửa Lò hiên có 680 thuyền của người dân địa phương và 293 thuyền ngư dân ngoại vùng đã vào bến neo đậu an toàn; Hiện 3450 nhân khẩu thuộc 940 hộ dân của 3 phường Nghi Hải, Nghi Tâm, Nghi Thuỷ thuộc diện phải di dời đã được đưa đến nơi an toàn.

Đến 10h sáng, tin từ Quỳnh Lưu báo về cho hay 1359 hộ trên tổng số 6559 hộ cũng đã được di dời an toàn…

Giúp sơ tán một đứa con bà Trần Thị Tuệ ở Nghi Quang chịu di chứng chiến tranh không thể di chuyển, tránh bão số 5.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão số 5 vẫn còn một số điểm đáng lưu ý. Nghi Yên là một xã ven biển thuộc huyện Nghi Lộc. Quan sát trên đường đi vào xã có thể thấy nước biển đã dâng lên sát rặng phi lao, chỉ còn cách chân đê khoảng chừng 5m.

Với khoảng gần hai chục cán bộ chiến sỹ công an tăng cường từ chiều hôm trước, công tác di dời dân về cơ bản ở Nghi Yên đã xong. Tuy nhiên, điện lưới trong khu vực đã bị cắt để đề phòng gió mạnh gây chập, cháy.

Trụ sở UBND xã tối om. Không có máy nổ, không có điện thì sao đảm bảo thông tin liên lạc, phối hợp chống bão đây? Tại xóm 1, địa bàn xã Nghi Thiết, một số hộ dân vẫn thản nhiên sinh hoạt, thậm chí còn không biết mình có thuộc diện phải di dời hay không.

Cho đến thời điểm trưa hôm nay (ngày 3/10), khi đoàn kiểm tra đến địa bàn các xã Nghi Quang, Nghi Thiết vẫn còn có những hộ dân thuộc diện phải di dời nhưng chưa chấp hành.

Tại xã Nghi Quang, lực lượng chức năng đã phải thực hiện cưỡng chế đối với một số trường hợp. Theo ghi nhận của phóng viên CAND Online, thì thực tế sự tuyên truyền về ý thức phòng chống lụt bão, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân trước cơn bão số 5 của các cấp, các ngành từ Trung ương xuống đến chính quyền cấp tỉnh, huyện làm rất mạnh, phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, đối với người dân, là những người trực tiếp đối mặt với bão lại dường như không mấy quan tâm.

Có vẻ như khá sốt ruột với cách làm của chính quyền các xã, Thiếu tưỡng Võ Trọng Thanh đã trực tiếp yêu cầu Chủ tịch UBND xã Nghi Quang, ông Trần Hải Dương phải ra các văn bản cụ thể tổ chức di dời ngay đối với các hộ dân còn sót lại, tránh việc loa xã thì cứ ra rả đọc chỉ thị chống bão của cấp trên trong khi người dân thì vẫn cứ “bình chân như vại.”

Theo lời một số cư dân địa phương, thì đã từ lâu lắm Nghệ An không phải “đón” cơn bão nào dự tính lớn như cơn bão số 5 sắp tới này. Liệu có phải vì thế mà nhiều người còn chủ quan?

Bão chuyển hướng Hà Tĩnh - Quảng Bình?

Theo tin bão vừa được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TW phát ra lúc 14h chiều nay: Hồi 13h ngày 3/10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 100km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển hướng vào địa phận các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.

Tối nay (3/10), vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13h ngày mai (4/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên vùng biên giớ Lào - Thái Lan. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300km; vùng gió mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp

* Tiếp tục cập nhật
Phan Việt Anh - Hoàng Thắng
.
.
.