Rắc rối ngay trong tên gọi Viện KSND cấp cao

Thứ Năm, 22/05/2014, 16:04
Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND trình Quốc hội sáng nay bổ sung thêm một cấp của VKS là Viện KSND cấp cao. Vừa có tối cao, nay lại thêm cấp cao khiến nhiều ý kiến cho là rắc rối ngay trong tên gọi.

So với 3 cấp hiện hành, dự luật mới bổ sung thêm Viện KSND cấp cao. Tuy nhiên, trong quy định dự luật không nói rõ cấp cao là cấp nào mà chỉ giải thích ngắn gọn: “Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao”. Điều này khiến nhiều ý kiến lo ngại sự rắc rối  ngay trong tên gọi, vì đã có “tối cao” thì không nên dùng thêm từ “cấp cao” khi cả hai đều “cao”, khó định hình ai cao hơn ai. Trong khi đó, ở cấp huyện lại gọi Viện KSND cấp khu vực là không hợp lý, vì cấp huyện là cấp thấp nhất trong cơ cấu VKS, cần gọi đúng tên Viện KSND cấp huyện.

Về tổ chức và thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện KSND, báo cáo thẩm tra cho hay, nhiều ý kiến tán thành với Ban soạn thảo tiếp tục quy định tổ chức Cơ quan điều tra của Viện KSND ở Viện KSND tối cao để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; đồng thời, tiếp tục giữ thẩm quyền của Cơ quan điều tra này như quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức Viện KSND hiện hành là “Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội thuộc các cơ quan tư pháp”. Báo cáo này đề nghị không mở rộng phạm vi thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện KSND tối cao như tại Điều 21 dự thảo luật. 

Về trách nhiệm thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm của Viện KSND, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dự thảo Luật quy định Viện KSND có nhiệm vụ thống kê tội phạm và thống kê hình sự (Điều 3) là không hợp lý, vì cho rằng thống kê hình sự có đối tượng, phạm vi, nội dung khác với thống kê tội phạm; nếu giao cho Viện KSND vừa thống kê tội phạm, vừa thống kê hình sự hoặc giao cả hai nhiệm vụ này cho Chính phủ thực hiện đều không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Do đó, Ủy ban đề nghị tiếp tục giao Viện KSND trách nhiệm thống kê tội phạm như quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND được thực hiện từ khi có tội phạm xảy ra, trong suốt quá trình tố tụng đến thi hành án; nhiệm vụ thống kê hình sự vẫn do Chính phủ (Bộ Công an giúp thực hiện) để phù hợp với trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thống kê nhà nước.

Điều 41. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung)

Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

2. Các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

3. Các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh);

4.

Phương án 1:

Các Viện kiểm sát nhân dân khu vực;

Phương án 2:

Các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện);

5. Các Viện kiểm sát quân sự.

(Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi)

Đ.Minh
.
.
.