Quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng: Không xem nhẹ quỹ đất dành cho dân sinh

Chủ Nhật, 26/12/2010, 16:30
Trong khi quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội còn không ít vấn đề cần bàn thảo trước khi trình Chính phủ phê duyệt, thì dư luận các nhà chuyên môn, nhất là hàng chục vạn dân sống ven sông hết sức quan tâm trước những vấn đề đặt ra trong quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng đã được chủ trương nghiên cứu trước thời điểm mở rộng Thủ đô.

Cần thiết nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung Hà Nội

Vấn đề không chỉ ở bản quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội có phù hợp với bản quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 hay không, mà cái chính lại là bài toán trị thuỷ sông Hồng chưa có lời giải khả dĩ; phương án di dời hay tái định cư tại chỗ cho hàng chục vạn người dân ven sông và dài lâu hơn là đời sống của họ sẽ được giải quyết như thế nào khi quỹ đất được nhắc đến nhiều nhất là để tạo nguồn lực cho thành phố thông qua phát triển các dự án kinh doanh thương mại…

Đề cập đến quy hoạch hai bên sông Hồng, đa phần các nhà chuyên môn đều đồng thuận và cho đó là công việc cần thiết. Bởi lẽ cả thành phố Hà Nội tự nhiên đã nằm hai bên sông Hồng kể cả sau khi Thủ đô mở rộng thì không lý gì bây giờ làm quy hoạch lại ngoảnh mặt lại với sông Hồng. Nhưng theo ông Huỳnh Đăng Hy-Trưởng ban lý luận và phê bình quy hoạch đô thị, dự án nghiên cứu tầm cỡ này có ba vấn đề lớn: Trị thuỷ sông Hồng; quy hoạch không gian hai bên sông và những điều kiện nghiên cứu khả thi như vấn đề di dân, khai thác quỹ đất, đầu tư tài chính…

Ông Hy cho rằng, hình thái quy hoạch hai bên sông vừa qua đưa ra chưa rõ, còn tồn tại nhiều vấn đề không ổn mà cụ thể là bài toán trị thuỷ sông Hồng (vốn ẩn chứa nhiều bất trắc) chưa có lời giải thoả đáng. Điều này rất quan trọng vì lũ lụt do sông Hồng gây ra có liên quan đến an toàn không chỉ Thủ đô Hà Nội mà cả vùng hạ lưu khi mùa lũ về; thứ hai, là mục tiêu của dự án cho dù có đề cập tới quỹ đất cây xanh, cảnh quan môi trường… nhưng đậm nhất vẫn là nhằm khai thác quỹ đất dùng vào đầu tư các dự án thương mại, nhà ở hai bên sông.

Đông đảo các nhà chuyên môn và người dân quan tâm tới quy hoạch hai bờ sông Hồng.

Thử hình dung sau khi quy hoạch được thực hiện, hai bên sông chất tải nặng bởi quá nhiều công trình cao ốc để bán và để tái định cư thì cảnh quan sông Hồng có còn vẻ tự nhiên vốn có, trong khi nhiều Thủ đô trên thế giới "có mơ" cũng không có được con sông đẹp như sông Hồng?! Ông Hy nhấn mạnh, việc "lăn đê" ra phía lòng sông để lấy quỹ đất là việc hệ trọng, sông Hồng vốn thường bên lở bên bồi mang tính tự nhiên nên khi đặt vấn đề này ra là phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học mà Giáo sư Vũ Tất Uyên trước đây có công trình nghiên cứu.

Nếu mục tiêu trước đây đặt ra khi quy hoạch hai bên sông là lấy quỹ đất tạo nguồn lực phát triển thành phố, thì sau khi mở rộng Thủ đô quỹ đất không còn khan hiếm nữa liệu những tiêu chí đất làm trung tâm thương mại, nhà ở có còn bức xúc hay không? Thay vào đó, tại sao chúng ta không nâng tỷ lệ đất dành để đảm bảo đời sống dân sinh, công trình phúc lợi, đặc biệt là dải cây xanh đảm bảo môi sinh cho cả vùng. Về điều này, đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Việt Hưng bày tỏ: Bây giờ Hà Nội không thiếu đất, mà cái cần đối với hai bên sông Hồng là đảm bảo yêu cầu cả du lịch, chỉnh trị dòng chảy, tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất vùng hạ lưu…

Tiến sĩ Trần Trọng Hanh thẳng thắn: Quy hoạch cơ bản hai bên sông Hồng làm như thế nào, thì nguyên tắc vẫn cần phải lấy tính thiên nhiên trội lên trong một đô thị hiện đại. Trên thế giới, nhiều nước có những dải rừng trong đô thị như Mỹ, Nga, Nhật Bản… không hề lãng phí mà ngược lại nó tô thêm giá trị, tăng sức hấp dẫn cho thành phố, cho nhiều Thủ đô. Khó khăn về quỹ đất như Singapore người ta cũng dành tỷ lệ đất đáng kể cho vành đai xanh tạo ấn tượng cho du khách khắp thế giới. Trong khi đó, sông Hồng đẹp tự nhiên như vậy tại sao chúng ta lại đặt mục tiêu khai thác quỹ đất hai bên cao như thế mà không nhấn mạnh đến những dải cây xanh đủ lớn cho môi sinh?! Cái cần bây giờ là qua quy hoạch, phải dành một tỷ lệ thích đáng cho cuộc sống dân sinh và công trình công cộng.

Nóng bỏng nhiều vấn đề liên quan đến hàng chục vạn dân ven sông

Quy hoạch hai bên sông Hồng trước đây chỉ có trên 40km đường sông, liên quan trực tiếp tới khoảng 17.000 người dân sống ven sông Hồng. Nhưng bây giờ chiều dài cần nghiên cứu đã là trên 100 km với thêm nhiều ngàn dân sống hai bên nữa. Điều này đòi hỏi cách đặt vấn đề về quy mô, tác động của dự án đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng, vùng nói chung sẽ khác trước rất nhiều.

Ông Huỳnh Đăng Hy - người rất quan tâm tới dự án này góp ý: Dù làm cách nào thì quy hoạch hai bên sông cũng phải gắn chặt với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Nếu nghiên cứu không thấu đáo thì việc làm này sẽ đưa ra phương án "lạc điệu" so với quy hoạch chung. Dẫn chứng những đề xuất do nhóm nghiên cứu đưa ra, cho thấy việc sử dụng quỹ đất xây công trình cao tầng hai bên sông Hồng đã vô tình làm lu mờ Hồ Tây-một danh thắng quý hiếm của Hà Nội. Đề xuất cũng chưa toát lên được mối quan hệ giữa cảnh quan ven sông với trung tâm chính trị, hành chính của Thủ đô… như thế nào.

Chỉ riêng công tác giải phóng mặt bằng, di dời hay tái định cư cho 170 ngàn dân ven sông trước đây đã là cả một vấn đề không nhỏ. Cái mà các nhà chuyên môn lo ngại chính là chỗ: Hàng núi công việc lập hồ sơ đền bù, xây nhà tái định cư, nguồn kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng thực hiện… Tuy vậy, đến nay chưa một cơ quan hay một nhà chuyên môn nào đưa ra được câu trả lời thuyết phục!

Chung lo lắng đó, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc băn khoăn phương án nào sẽ giải toả cho hàng vạn người dân, nhất là dân ven sông bao đời quen sống bằng nghề nông, một số làm nghề chài lưới nay sẽ phải chuyển lên chung cư? Để hình dung quy mô và tính chất phức tạp của dự án, trước đây khi tính toán kè một đoạn 800m ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội phải lo di dời 540 hộ dân và phải chi ra ít nhất là gần 400 tỷ đồng để đầu tư. Đấy là chưa nói đến việc bảo tồn các di tích lịch sử, các công trình đình, chùa… dọc hai bên sông. Nói như ông Nguyễn Vinh Phúc, thì xét cho cùng chúng ta phát triển thành phố cũng là vì dân, thì tại sao không nghiên cứu thấu đáo để tránh làm ảnh hưởng tới đời sống của dân.

Nếu đánh giá vấn đề di dời, tái định cư cho vài chục vạn người dân vùng ven sông là quan trọng khi thực hiện quy hoạch thì quan trọng hơn, tiên quyết hơn lại là bài toán trị thuỷ sông Hồng ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn cho Thủ đô, một vùng rộng lớn thông qua tưới tiêu.

Ông Nguyễn Ty Niên-nguyên Cục trưởng Cục Đê điều Bộ NN&PTNT đã nhiều lần tham gia bàn thảo, đầy tâm huyết: Cái hay của dự án là tìm ra cách đột phá tích cực để hình thành một đô thị hiện đại, tăng được khả năng thoát lũ, xoá đi tất cả sự manh mún, lộn xộn, và cản lũ của một vùng dân cư vốn hình thành có phần do buông lỏng quản lý của chúng ta.

Song, ông cho rằng còn quá ít sự am tường cặn kẽ về đặc thù cấu tạo của đoạn sông này (đây là nói riêng cho 40 km sông Hồng chảy qua Hà Nội cũ) và những hệ lụy của dự án chưa được tính đến một khi mới nhìn ở góc hẹp của kiến trúc đô thị và thoát lũ...

Khắc họa một góc vấn đề, sự thay đổi hình thái bãi giữa sông Hồng làm thay đổi thế cân bằng mềm dẻo của dòng sông có thể sẽ biến động toàn bộ các cửa lấy nước tưới tiêu quyết định tới sự ổn định của nền nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.

Tìm một giải pháp hòa thuận với sông Hồng đang nằm trong tay các nhà làm quy hoạch Hà Nội

Huy Khải
.
.
.