Quy định tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn cho Cảnh sát môi trường

Thứ Ba, 23/12/2014, 19:49
Với 100% thành viên đồng ý, chiều 23/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Theo Pháp lệnh, Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc thông qua Pháp lệnh sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Cảnh sát môi trường, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Cảnh sát môi trường và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Báo cáo giải trình trước UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, lực lượng Cảnh sát môi trường là tổ chức mới thành lập, việc bảo đảm trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng còn thiếu thốn, trách nhiệm của Bộ Công an đầu tư bảo đảm trang bị cho lực lượng này theo quy định tại Điều 14 dự thảo là phù hợp. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hỗ trợ các trang bị thuộc dự án bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư cho lực lượng Cảnh sát môi trường để phối hợp hoạt động là phù hợp với thực tế theo quy định của Chính phủ hiện nay.

Theo Điều 8 của Pháp lệnh, có 13 nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường. Trong đó, Cảnh sát môi trường có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Áp dụng các biện pháp công tác Công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về  tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật. Tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Pháp lệnh ghi rõ, việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng Công an  quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Tổ chức của Cảnh sát môi trường gồm: Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an  quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương…                                      

Đ.Minh
.
.
.