Quy định mới về trần cấp bậc hàm trong Luật Công an nhân dân

Thứ Năm, 27/11/2014, 21:20
Sáng qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Công an nhân dân (CAND sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình một số vấn đề liên quan, trong đó có quy định về trần cấp bậc hàm.

Luật CAND sửa đổi gồm 7 chương, 45 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của CAND; về sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an; chế độ, chính sách… Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lực lượng vũ trang lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở là một nguyên tắc có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nói chung và CAND nói riêng. Theo quy định của Đảng thì công tác Đảng, công tác chính trị trong CAND do Đảng ủy Công an Trung ương và các tổ chức Đảng trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Theo đó có các cơ quan tham mưu là Tổng cục Chính trị CAND, Cục Chính trị ở các Tổng cục… Cho đến nay, chế độ Chính ủy, Chính trị viên chỉ được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo Quy định số 216-QĐ/TW ngày 9-12-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI). Điều 5 cũng quy định nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của CAND. Trách nhiệm phải tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân, kính trọng, lễ phép đối với nhân dân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND được quy định tại khoản 4 Điều 30...

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). 

Về nghĩa vụ tham gia CAND (Điều 8) là một trong các hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân đang được thực hiện trong thực tế. Quy định về nghĩa vụ tham gia CAND vừa đáp ứng  yêu cầu nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa khẳng định địa vị pháp lý, tôn vinh công dân phục vụ có thời hạn trong CAND trong tình hình mới và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nghĩa vụ tham gia CAND không phải là hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự vì công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự là phục vụ trong Quân đội nhân dân đã được Hiến pháp quy định, còn nghĩa vụ tham gia CAND là hình thức công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang với thời hạn 3 năm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với tính chất đặc thù của CAND và phù hợp với thực tiễn đã thực hiện ổn định trong nhiều năm.

Về hệ thống tổ chức của CAND (Điều 10), Luật quy định về thành lập đồn, trạm Công an trên cơ sở kế thừa Luật CAND 2006 và phù hợp với nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập này trên thực tiễn hoạt động của các đồn, trạm ở những địa bàn cần thiết là có hiệu quả. Việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được thực hiện theo Nghị định 77/2010 NĐ/CP của Chính phủ, bảo đảm thống nhất, không trùng dẫm. Về tổ chức Công an ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nếu được Quốc hội quyết định thành lập sẽ tổ chức theo cấp hành chính tương đương.

Luật quy định rõ về cấp bậc hàm cao nhất trong CAND, quy định tại điều 24. Theo đó, cấp bậc hàm cao nhất trong CAND là Bộ trưởng Bộ Công an, có trần cấp bậc hàm đại tướng. Cấp bậc hàm cao nhất thượng tướng quy định đối với Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng không quá sáu thượng tướng).

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đồng ý với cấp hàm Trung tướng đối với Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng đề nghị cân nhắc cấp hàm cao nhất của chức vụ Trưởng Công an quận thuộc hai thành phố này phải đảm bảo tương quan với chức vụ khác… Tiếp thu ý kiến đại biểu, luật được chỉnh lý theo hướng quy định trần cấp bậc hàm của Trưởng Công an quận thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là thượng tá như đối với Trưởng Công an huyện, thị xã khác (dự thảo trước đây quy định Trưởng Công an quận ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đại tá). Giám đốc Công an Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là trung tướng. Cục trưởng 6 Cục: An ninh mạng; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có trần cấp bậc hàm là trung tướng...

Về trần cấp hàm thiếu tướng, áp dụng với các chức vụ là Cục trưởng (và tương đương) các Cục Tham mưu, nghiệp vụ, chính trị, trừ Cục Hậu cần và một số cục khác có trần cấp hàm là đại tá. Cấp phó của các chức vụ mà cấp trưởng có trần cấp bậc hàm là trung tướng thì cũng có bậc hàm cao nhất là thiếu tướng nhưng khống chế số lượng cụ thể. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, Hiệu trưởng các trường sĩ quan trong CAND có trần cấp bậc hàm là đại tá. Trưởng Công an quận, huyện, thị xã (kể cả TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), trưởng phòng có trần cấp bậc hàm là thượng tá. Cấp bậc hàm trung tá áp dụng với chức vụ Đội trưởng, Trưởng Công an phường, thị trấn, Tiểu đoàn trưởng, Trưởng đồn Công an.

Cũng theo quy định tại Điều 24, Luật CAND thì Phó Chủ nhiệm thường trực, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có trần hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, chức danh Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương không được quy định hàm cấp tướng như dự thảo trước đây.

Sĩ quan Công an biệt phái là ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng. Sĩ quan biệt phái là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất trung tướng. Sĩ quan biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015.

Đăng Hân Kim
.
.
.